Học bổng Fulbright: 4 điều kiện, 3 “không khắt khe”, 2 tiêu chí tuyển chọn.

Học bổng Fulbright cho sinh viên Việt Nam đi học Thạc sĩ tại Hoa Kỳ năm học 2021 mới được gia hạn sáng nay. Hạn nộp mới tận 31/05/2020, vì vậy nên Opty Hunting tranh thủ transcribe và hệ thống lại buổi nói chuyện của anh Sơn (Fulbrighter 2019, hiện đang theo học tại Hofstra University, ngành Forensic Linguistic), hy vọng giúp ích cho quá trình chuẩn bị hồ sơ của các bạn.

1. GIỚI THIỆU:

Học bổng Fulbright bậc Thạc sĩ có tên chính thức là Vietnamese Student Program, do bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Học bổng tài trợ học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm, tất cả khoản chi phí trong thời gian học tập. Sứ mệnh của chương trình Fulbright là thúc đẩy sự trao đổi, hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa, học giả, kiến thức. Không chỉ có Vietnamese Student Program, chương trình Fulbright cũng tài trợ ứng viên nước khác tới Hoa Kỳ, ứng viên Hoa Kỳ đi các nước khác.

2. 4 điều kiện bắt buộc để nộp Fulbright Thạc sĩ:

  • công dân Việt Nam, không có dual citizenship, về mặt pháp lý. Như đã đề cập phía trên, chương trình Fulbright có nhiều dự án khác nhau (ví dụ muốn học tập, nghiên cứu ở Hoa Kì thì nộp Fulbright Scholars; Fulbright TEA cho giảng viên tiếng Anh; FLTA là chương trình trợ giảng 9 tháng tại Mỹ; Fulbright cũng có chương trình cho học giả Mỹ qua VN hay các nước khác…). Nhưng khi nộp Fulbright bậc Thạc sĩ (Vietnamese Student Program) thì các bạn nhớ phải là công dân việt Nam mới nộp được. Trong online application cũng đừng chọn U.S. Citizen hay U.S. Permantent Resident để bị loại vô lý nhé.
  • có 1 bằng ĐH rồi (để có thể theo học Thạc sĩ bên Mỹ). Các bạn đã có bằng Thạc sĩ rồi vẫn có thể học thêm bằng Thạc sĩ thứ 2.
  • có ít nhất 2 năm kinh nghiệm (căn cứ vào thời gian tốt nghiệp trên bằng chứ không cần bạn chứng minh gì cả)
  • ngoại ngữ: IELTS 6.5 hoặc TOEFL 79

3. 3 “không khắt khe” của học bổng Fulbright:

  • GPA: Fulbright không care về GPA, cũng không yêu cầu bạn phải đạt GPA tối thiểu bao nhiêu.
  • Độ tuổi: Fulbright không lọc về độ tuổi. Có nhiều anh chị đã đi làm lâu rồi mới đi học.
  • Ngành học: Ngành học Fulbright đưa ra thường trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, y tế công cộng. Trong trường hợp muốn học ngành mới không trong danh sách của Fulbright, các bạn có thể đề nghị Fulbright xem xét. Điều kiện là việc bạn học ngành đó có thể thúc đẩy trao đổi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (theo suy nghĩ của bạn).

3 “không khắt khe” trên đồng nghĩa với việc, bạn nộp Fulbright sẽ cần cạnh tranh với cả già, trẻ, trai, gái tất cả các đối tượng, các ngành đa dạng.

4. 2 tiêu chí tiên quyết cần thể hiện trong bộ hồ sơ:
Mọi người hay nghĩ đi săn học bổng, thực ra người ta cũng săn mình (quá trình 2 bên tìm kiếm lẫn nhau). Chúng ta đi tìm kiếm cơ hội học bổng, mà Fulbright cũng tìm kiếm ứng viên phù hợp có thể thực hiện sứ mệnh của chương trình. 2 tiêu chí đó gồm:

  • Tiềm năng lãnh đạo (Leadership potential) chứ không nhất thiết phải là Leadership experiences.
  • Tiềm năng thực hiện sứ mạng của chương trình: thúc đẩy sự trao đổi, hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa, học giả, kiến thức.

5. Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ:

Bài luận chính là không gian để bạn thể hiện rõ 2 tiêu chí trên. Fulbright có 2 bài luận, mỗi bài 1000 từ với chủ đề riêng biệt: Personal Statements (PS) Study Objectives (SO). PS yêu cầu bạn về bản thân, giới thiệu mình là ai, trải qua kinh nghiệm gì; SO nói về kế hoạch học tập, trao đổi ở Mỹ, và những dự định sau khi hoàn thành việc học.

2 bài luận thực sự có mối liên kết chặt chẽ với nhau: trong khi PS nói về mình, từ quá khứ cho tới hiện tại; SO nói về tương lai (tôi là người như thế, trải qua kinh nghiệm như thế trong PS, và tôi nghĩ gì về tương lai, có kế hoạch gì muốn thực hiện).

Viết PS cũng là lúc bạn tự “reflect” lại bản thân. Ai cũng trải qua những sự kiện riêng trong đời, có những điểm hay ho riêng, vậy viết PS làm sao để người đọc thấy sự khác biệt giữa bạn với hàng trăm hồ sơ cùng nộp? Trong buổi chia sẻ, anh Sơn cho rằng nên chọn câu chuyện thể hiện con người giống với Fulbright. Họ tìm kiếm người có tầm ảnh hưởng (Fulbright thường đầu tư khoảng hơn 2 tỉ – 3 tỉ cho 2 năm học Thạc sĩ của 1 ứng viên, nên họ cần tìm ứng viên xứng đáng để đầu tư).

Lưu ý: ở đây là tiềm năng lãnh đạo (1 trong 2 tiêu chí tuyển chọn) chứ không nhất thiết phải có kinh nghiệm lãnh đạo rồi (nếu có thì tốt, chưa từng thì vẫn có thể thuyết phục hội đồng tuyển sinh). Fulbright không yêu cầu chủ tịch của hội này hội kia, cũng không năng nổ tham gia tất cả các tổ chức. Có câu nói “1 người muốn lead người khác cần phải lead được chính mình”, nên bạn hoàn toàn có thể kể về personal leadership mà ai cũng phải trải qua (có hoạch định cụ thể trong cuộc sống, và vượt qua thế nào), để thể hiện mình là người trưởng thành, đáng tin cậy, có thể thực hiện các sứ mệnh của Fulbright. Lúc viết câu chuyện về chính mình hãy nhớ khéo léo lồng ghép câu chuyện của bản thân với yếu tố Fulbright đang tìm kiếm.

Khi viết về dự định tương lai của bạn thân, bạn nên lưu ý phản ánh được sự kết nối với sứ mệnh của Fulbright. Bạn theo ngành học cụ thể gì, nội dung ra sao, tại sao muốn học ngành này mà không phải ngành khác, kế hoạch học tập của bạn trong thời gian ở Mỹ thế nào, dự định cụ thể sẽ làm gì có ích cho xã hội sau khi quay về, sẽ lan tỏa sứ mệnh của Fulbright thế nào.

Sau khi nộp hồ sơ, thường tháng 7-8 các bạn qua vòng hồ sơ sẽ được Fulbright phỏng vấn. Khi đã được chọn, bạn sẽ được Fulbright đồng hành cùng quá trình chọn và nộp vào trường ĐH, mà đã được Fulbright đồng hành rồi thì việc được trường chấp thuận cũng trở nên “đơn giản” hơn. Ngoài lợi ích trên và giá trị học bổng toàn phần, Fulbright còn có cộng đồng Fulbrighter sáng láng, có trách nhiệm với cộng đồng. Rất hy vọng các bạn hiểu thêm về học bổng Fulbright qua bài viết này và mong sớm nhận tin vui từ các bạn.

Nếu các bạn cần hỗ trợ, hãy cứ comment/inbox hoặc nhắn chúng mình qua https://forms.gle/vxqh3jyQCDgomqJW9 nhé.