Chevening (học bổng toàn phần của chính phủ Anh cho khóa học Thạc sĩ tại Anh, thường mở đơn từ tháng 8 – tháng 11 hàng năm) vừa thông báo kết quả gần đây, và có thể điều bạn nhận được không phải là điều bạn mong chờ nhất. Nếu bạn có suy nghĩ muốn cải thiện phần nào đó trong bộ hồ sơ, muốn bài luận của mình thuyết phục hơn cho đợt mở đơn lại vào tháng 8 tới, bài viết này dành cho bạn đó. Thất bại có thể chỉ do bạn chưa thể hiện bản thân phù hợp, chứ không có nghĩa bạn không xứng đáng với học bổng đâu nhé.
Mùa học bổng 2020/2021, Chevening nhận được hơn 53,000 bộ hồ sơ hợp lệ. Hội đồng thẩm định của Chevening, sau khi đánh giá 53,000 bộ hồ sơ, đã đưa ra những lý do phổ biến nhất của các bộ hồ sơ chưa đạt điểm cao, và gợi ý những điều mà ứng viên có thể làm để cải thiện từng bài luận trong tương lai. Phần bài luận trong hồ sơ Chevening có 4 bài nhỏ, tương đương 4 tiêu chí tuyển chọn của học bổng Chevening (bên cạnh tiêu chí khả năng học tập).
Bài 1. Lãnh đạo và ảnh hưởng (Leadership and Influence):
Chevening tìm kiếm những cá nhân có tiềm năng lãnh đạo và ảnh hưởng cho nước nhà trong tương lai. Hãy giải thích tại sao bạn phù hợp với tiêu chí này, sử dụng các ví dụ rõ ràng về kỹ năng lãnh đạo và ảnh hưởng để hỗ trợ câu trả lời của bạn.
Những ứng viên đạt điểm cao nhất trong bài này đã đưa ra được ví dụ rõ ràng về khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng với kết quả cụ thể.
Các hồ sơ chưa đạt điểm cao thường mắc những lỗi sau:
– Rất ít ứng viên cung cấp được ví dụ cụ thể về các tố chất lãnh đạo.
– Có ứng tập trung vào những ví dụ từ những năm đầu học tập, trong trường lớp, mà không đề cập tới những kinh nghiệm gần đây hay trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
– Một số lượng lớn các ứng viên tưởng rằng nói về vị trí, vai trò nào đó là đủ để thể hiện khả năng lãnh đạo. Nhưng không phải vậy, hội đồng tuyển sinh muốn nghe về ảnh hưởng (triển khai gì, đạt thành công gì…) mà ứng viên đó mang lại cho tổ chức, cộng đồng.
– Lỗi phổ biến nhất là ứng viên đưa ra định nghĩa của khả năng lãnh đạo, chứ không cho thấy được khả năng lãnh đạo của ứng viên được thể hiện qua các ví dụ gì, và liên hệ khả năng lãnh đạo với chương trình học, dự định sau khi học xong của họ.
Lời khuyên của hội đồng Chevening:
– Cân nhắc sử dụng cấu trúc STAR (situation, task, action, result) để trả lời câu hỏi này.
– Ứng viên nên tập trung ít hơn về việc “chúng tôi”, “đội nhóm” đã làm gì trong câu hỏi này; thay vào đó, tập trung vào đóng góp của cá nhân ứng viên.
– Các ví dụ thể hiện khả năng lãnh đạo nên tập trung vào việc trả lời họ đã lãnh đạo như thế nào (câu hỏi how), kết quả họ đạt được ra sao (what are the results), và sẽ có ảnh hưởng tới sự phát triển chuyên môn trong tương lai lâu dài sau này thế nào?
Bài 2. Mối quan hệ (networking):
Chevening tìm kiếm các ứng viên có kỹ năng xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ trong công việc, có khả năng hòa nhập, đóng góp cho cộng đồng Chevening, và ảnh hưởng và dẫn dắt những người khác trong lĩnh vực của họ. Hãy giải thích bạn đã xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong công việc như thế nào, sử dụng các ví dụ về việc bạn hiện đang làm nó ra sao, và nêu dự định bạn sẽ sử dụng những kỹ năng này trong tương lai như thế nào.
Đối với câu hỏi này, các ứng viên đạt điểm cao đã sử dụng các ví dụ cụ thể về các networks của họ, miêu tả các cách duy trì mối quan hệ rất đa dạng và độc đáo, và nêu ra được họ đang và sẽ tận dụng networking như thế nào.
Các hồ sơ đạt điểm chưa cao thường mắc những lỗi sau:
– Nhiều ứng viên có thể đưa ra dẫn chứng rõ ràng về các kỹ năng networking, và thậm chí xây dựng mối quan hệ với cộng đồng Chevening hiện nay, nhưng không nhiều bạn nói rõ hơn về phần này.
– Nhiều ứng viên đưa ra ví dụ về việc tham gia mạng xã hội. Chỉ tham gia mạng xã hội thì khá dễ để tổ chức, và không phải là ví dụ mạnh về kỹ năng xây dựng mối quan hệ; chỉ có một số ít các ứng viên thể hiện được tại sao tạo ra hay tham gia những mạng lưới này có ích (và có ích như thế nào).
– Nhiều ứng viên không liên hệ được việc tạo lập mối quan hệ và sử dụng mối quan hệ với công việc của họ. Các câu trả lời thường chung chung như xây dựng mối quan hệ, hợp tác với các đồng nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng không thể hiện được những mối quan hệ này sẽ giúp ích ứng viên như thế nào trong tương lai.
Bài 3. Nguyện vọng học tập ở Vương Quốc Anh (Studying in the UK):
Giải thích lý do tại sao bạn lại chọn 3 khóa học như bạn đăng ký, và giải thích xem những lựa chọn này liên quan tới kinh nghiệm học tập và làm việc trước đó, cũng như dự định tương lai của bạn như thế nào. Vui lòng không lặp lại những thông tin bạn đã đề cập trong mục kinh nghiệm làm việc và giáo dục mà bạn đã nêu trong form.
Những câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi này thể hiện rõ hiểu biết về đầu ra của các khóa học với dẫn chứng về nội dung học, việc nghiên cứu ở trường thế nào; các ứng viên còn phân chia các đoạn văn riêng biệt khi nói về các khóa học khác nhau.
Các hồ sơ đạt điểm chưa cao thường mắc những lỗi sau:
– Các ứng viên không nêu cụ thể tên trường hoặc khóa học mà họ chọn, cũng không thể hiện được những điều hay ho trong lĩnh vực của họ.
– Có ứng viên lựa chọn 3 khóa học khá khác biệt nhau, nhưng không giải thích được lý do rõ ràng và thuyết phục về sự lựa chọn của họ.
– Có nhiều bạn có vẻ chỉ copy-paste từ các tài liệu truyền thông của trường vào bài luận, chứ không thực sự tìm hiểu kỹ sự phù hợp của chương trình với background và định hướng của bản thân.
Bài 4. Dự định nghề nghiệp (Career Plan):
Chevening tìm kiếm các cá nhân có một kế hoạch rõ ràng sau khi tốt nghiệp. Hãy nêu ra kế hoạch ngắn hạn (ngay sau khi tốt nghiệp, trở về nước) và kế hoạch dài hạn của bạn. Bạn có thể muốn liên hệ kế hoạch của bản thân với những gì mà chính phủ Anh Quốc đang triển khai ở nước bạn.
Những câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi này nêu rõ kế hoạch cụ thể của bản thân, và những kế hoạch này có tiềm năng hiện thực hóa được.
Các hồ sơ đạt điểm chưa cao thường mắc những lỗi sau:
– Ứng viên thường nêu ra được mục tiêu tương lai có liên quan gì tới sự nghiệp của họ, nhưng phần lớn không đưa ra được cơ sở hợp lý, làm cho những dự định này không thuyết phục được người đọc.
– Nhiều ứng viên thể hiện mong muốn làm PhD sau khi học xong Thạc sĩ. Điều này thể hiện ý chí và cũng hiện thực hóa được, nhưng không phải lúc nào cũng là một dự định nghề nghiệp thuyết phục. Nếu muốn làm PhD, ứng viên cần nêu rõ tại sao ứng viên muốn làm nghiên cứu, việc làm nghiên cứu có vai trò thế nào trong mục tiêu dài hạn của ứng viên.
– Có nhiều dự định tương lai không rõ ràng, và không thể hiện được việc học bổng Chevening có ích gì cho dự định tương lai đó của ứng viên.
Opty Hunting ghi vọng bài viết này, được lược dịch từ chia sẻ ngày hôm qua của Chevening, sẽ hữu ích với các bạn định thử sức (lại) với học bổng Chevening; và nếu cần hỗ trợ thì cứ nhắn Opty Hunting nhé. Hình ảnh hiệu sách Daunt Books, London trong bài được down từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.