Đang có thời gian nên mình sẽ viết về ngành học của mình. Cũng muốn viết từ lâu rồi vì nó hay quá.
Mình thích mọi ngành Nhân văn và không thể học bất kỳ ngành nào có toán, các con số, kỹ thuật, máy tính, số liệu. Sau 2 năm thì mình vẫn hạnh phúc và không thấy bị tra tấn hay đau khổ với ngành này lắm. Thầy cô thì rất giỏi và khiêm tốn, như thế này nhé: tưởng tượng một ngày bất chợt đi dạo trong thư viện hay nhà sách, tìm sách, và thấy những quyển đỉnh cao hóa ra là toàn được viết bởi thầy cô mình. Xong cùng lúc, chính những thầy cô ấy, trong đợt dịch này lúc nào cũng nhắn nhủ sinh viên là “Hãy ưu tiên sức khỏe nhé các em!”, tạo mọi điều kiện thay vì làm sinh viên áp lực vì chuyện học hành/ thi cử trong đợt dịch. Và trong mọi buổi học luôn có những khoảnh khắc dễ thương, như khi ai có câu hỏi nào đó và thầy cô thừa nhận “Tao ko biết! Có đứa nào biết ko giải thích cho nó cái!”. Mình học được rất nhiều từ sự giỏi chuyên môn + thái độ khiêm tốn này.
Bài này mình muốn nói qua về những gì mình học trong 2 năm qua, cũng như cho ai có hứng thú muốn biết môn Cultural Sciences là như nào, vì câu trả lời “cháu/ tao/ mình học môn khoa học văn hóa” của mình vẫn thường xuyên để lại khuôn mặt ngớ ngờ ngơ trên mặt mọi người.
Ngành này bao gồm sự đan xen của nhiều ngành học khác nhau, có thể bao gồm (những môn mình học như sau) :
+ Gender Studies: về giới, giới tính, xu hướng giới tính, bất/bình đẳng giới tính, chủ nghĩa nữ quyền
+ Post-colonial Studies: tìm hiểu chủ nghĩa thực dân/ hậu thực dân, cái nhìn của người phương Tây về chính những vấn đề và hậu quả mà họ gây ra ở các châu lục khác như thế nào; bản thân họ cũng bị ám ảnh với những cuộc tranh luận không dứt về sự khác biệt giữa con người vv.. ra sao
+ Digital Anthropology: mối quan hệ giữa con người với tương lai máy móc/ kĩ thuật số đã, đang và sẽ phát triển ra sao, tác động gì lên chính cách hành xử của con người với bản thân và những người/ thế giới xung quanhVD: mối quan hệ của một người với búp bê đồ chơi TD có được coi là hợp lệ không? Hay làm thế nào để bảo vệ danh tính/ identity và sự riêng tư trong thời đại toàn trị mới – thông qua kỹ thuật số/ thuật toán vv..
+ Maternal Studies: nghiên cứu về việc làm mẹ, những góc khuất còn chưa biết về việc làm mẹ. Làm mẹ là một bổn phận tự nhiên hay được cấu thành bởi áp lực xã hội để duy trì nòi giống – duy trì chính xã hội? Tại sao có hiện tượng những người mẹ sinh con ra lại trầm cảm và cảm thấy tội lỗi vì họ không vui, không hạnh phúc với đứa con như mình nghĩ? Sự nguy hiểm của việc xã hội tạo dựng hình ảnh người phụ nữ cũng phải là người mẹ tuyệt vời, lý tưởng, giỏi việc nước đảm việc nhà là như thế nào?
+ Material Studies: mối quan hệ của con người với những đồ vật (objects, tools) xung quanh. Trong bối cảnh chủ nghĩa tiêu thụ/ chủ nghĩa tư bản như ngày nay, liệu đồ vật có trở nên “người” hơn, quyết định và tri phối cuộc sống con người, trong khi con người thì bị “vật hóa”? Chúng ta thấy rằng đôi khi các trang web, app còn biết về ta hơn chính ta, khi chúng gợi ý cái gì về mua sắm, pages liên quan vv..Các công cụ được con người làm ra để cuộc sống tiện lợi hơn (vd rất thú vị nha: cái tay nắm cốc chính là sự “kéo dài ra”/ extension của cánh tay), chính nhờ khả năng tạo ra vật chất mà con người khác con vật; nhưng bao quanh bởi quá nhiều vật chất cũng có thể khiến con người xa cách/ xa lạ với chính mình và thế giới xung quanh.
+ Game Studies: nghiên cứu về trò chơi và nền văn hóa xung quanh trò chơi. Tại sao bóng đá lại cuốn hút như vậy, hay khi những người đàn ông đứng quanh cổ vũ cho một sới (chọi) gà, có phải diễn ra sự đồng hóa lòng tự tôn/ máu háo thắng/ identity của họ với con gà không? Có những trò chơi mà thắng thua đặt vào chính bản thân mình (khả năng, kỹ năng), nhưng cũng có những trò chơi đặt vào may rủi (tất cả, nhưng trừ bản thân mình).Những vấn đề được bàn tới không hề quá cao siêu mà rất gần gũi với trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Còn nhớ mấy năm trước khi bóng đá VN lên cao, thi đấu hoành tráng, mọi người chia ra 2 nhóm ăn mừng, tung hô và nhóm phê phán không nên gán “tự hào/ tự tôn dân tộc” với bóng đá. Khi đó mình lại đang tình cờ học môn này, tâm lý trong trò chơi, nên rút ra rằng: khi một trận đấu diễn ra vào một thời điểm nhất định (giờ lên sóng TV), không gian nhất định (sân bóng), những người tham gia vào nó (chơi bóng, xem đá bóng ở sân hay trước TV) đang thuộc về một thế giới riêng, một thực tại riêng, chứ không chia sẻ thực tại, niềm vui ấy với những ai không xem bóng đá. Nên họ vui, cảm xúc lên cao, sau khi trận đấu kết thúc họ muốn ăn mừng thế nào là việc của họ, không phải việc để những người không xem ở ngoài phải quạu cọ và phê bình. Thử xem sau đó vài tháng mà xem, mọi thứ đi qua, nhịp cảm xúc sẽ trở lại bình thường. Đó là tâm lý con người trong trò chơi bị cuốn vào đó; còn tất nhiên nếu họ tham gia những hành vi cá cược một đống tiền thì lại là chuyện khác, nhập nhằng giữa thực tại-cuộc sống với thực tại-trò chơi, không tỉnh táo mà “thoát” ra được thì rõ là phải lên án.
+ Civilization Critique: phân biệt rõ ràng giữa “văn hóa” và “(nền) văn minh”, từ đó đặt câu hỏi Liệu có phải mọi sự tiến bộ, đi lên, cải tiến về mặt vật chất là tốt không? Liệu người văn minh chúng ta có sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn con người thời cổ đại, tiền sử hay trung cổ hay không?Nền văn minh đem đến những điều xấu nào? (gia tăng sự phức tạp của xã hội, phương tiện thông tin, cách thức tư duy vv.. đồng nghĩa với gia tăng khủng hoảng trong tâm trí/ môi trường sinh thái/ tội phạm xã hội .. như thế nào?)vv..
Tóm lại, có thể thấy những bộ môn này đều liên quan đến con người và nghiên cứu về con người (lại còn không phải học toán haha!!!), rất thú vị và đa dạng về mọi mặt đời sống, mọi khía cạnh của con người, tính người, thế giới và tâm trí con người, chứ không chỉ xoay quanh bản thân cái khái niệm hết sức mơ hồ là “văn hóa”.
Nó yêu cầu khả năng tư duy trừu tượng, tư duy ngôn ngữ, một chút tư duy triết học, sự hứng thú và say mê về con người, về việc “uôi học dàn trải lắm thứ thế, đọc quái gì lắm thế chục trang một ngày đau hết cả thủ” mà vẫn thấy hứng thú, say mê và tò mò.
Dưới đây là một vài thông tin từ cuốn Introducing Cultural Studies: A Graphic Guide, thuộc series sách nhập môn có hình minh họa rất thú vị của nhà xuất bản Icon Books (về các chủ đề lịch sử, khoa học, chính trị, tâm lý học, triết học… Ai thích có thể tìm và tải về trên trang Z-Library).
1. Văn hóa = tất cả những câu chuyện chúng ta tạo ra để kể về chính mình.
2. Khoa học Văn hóa = sự giao thoa với rất nhiều ngành Nhân văn khác
3. Nó giúp ta hiểu về cách các hệ thống văn hóa vận hành và cố gắng chống lại chúng (liệu nhận thức của ta có bị ràng buộc, bị giới hạn bởi chữ viết, ngôn ngữ? Bởi những cuốn sách mà nhà nước cho phép và không cho phép ta đọc? Tại sao ta lại căm ghét một nhóm người nào đó? Liệu nhóm người gần nhất quanh ta, bạn bè, gia đình, có luôn đồng ý với mọi quan điểm chính trị/ xã hội ta có, và do đó ngăn cản ta khỏi sự tiến bộ không?)
Một lý do mà mình rất thích ngành Nhân văn, đặc biệt là Cultural Studies, đó là bởi qua nó, mình biết được/ nghiên cứu về những nhóm người “lạc lõng, bị cho ra rìa, bị coi là bất bình thường” trong một xã hội nhất định, trong một thời kỳ nhất định.
Về giới tính, thì đó là những người không tuân thủ theo chuẩn mực 2 giới nam-nữ, từ nhận thức đến cách ăn mặc; từ chối lựa chọn công việc, lựa chọn “định dạng” mối quan hệ/ hôn nhân của mình theo truyền thống về giới tính.
Về màu da, sắc tộc, accent vùng miền, tôn giáo – thì đó là việc nhận ra rằng suốt hàng nghìn năm qua, con người lúc nào cũng chia nhóm ”we – them” (chúng ta & chúng nó), tự tưởng tượng ra kẻ thù, đem kẻ thù đó vào nghệ thuật mà thù ghét, cắn xé, mỉa mai, châm biếm. Chẳng hạn, trong nghệ thuật thời Trung Cổ của Ki-tô giáo, rất nhiều tranh vẽ, điêu khắc đem người Do Thái ra làm trò hề. Và điều đó tiết lộ cho ta về những nỗi sợ, nỗi bất an của người Ki-tô giáo nhiều hơn là về người Do Thái.
Về ngoại hình, thì đó là suy nghĩ rằng ai đó bị khiếm khuyết trên cơ thể đồng nghĩa với việc anh ta thua kém về mặt nào đó (khả năng lao động, đạo đức, “đáng bị như thế”, “tội nghiệp”). Suy nghĩ ấy của con người về nhau đã có từ thuở ban đầu chứ không phải bây giờ mới có.
- Chính bản thân mình cũng cảm thấy lạc loài, không thuộc về mẫu số chung dựa trên vài thang đo quy chuẩn nào đó, mà đã là thiểu số thì sẽ phải đón nhận những stereotypes nhất định xã hội gán cho.
- Việc trải qua cảm giác là thiểu số trong xã hội là một trải nghiệm nhiều ý nghĩa và quan trọng, có thể khơi dậy tính nhân đạo trong con người.
- Một người đàn ông dị tính sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác của một người đàn ông đồng tính trong việc muốn tìm partner chung thủy.
- Một cô gái ngoại hình sinh ra đã đẹp, ít cần chăm sóc sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác của một cô gái có ngoại hình hay phải chịu những lời hỏi thăm vô duyên từ người quen.
- Một người sinh ra trong gia đình có điều kiện sẽ không bao giờ hiểu được nỗ lực và mặc cảm của những người phải cố gắng leo lên các bậc thang xã hội theo những con đường khác chứ không thông qua cha mẹ mình.
Khi không trải qua cảm giác là thiểu số trong xã hội, ta khó có thể đồng cảm được với người khác.
OK that’s it. Tóm lại là học xong cũng suýt đắc đạo, chưa thành tiên thì cũng sắp thành nhân :)).
Trên đây là bài giới thiệu về ngành Khoa học văn hóa từ bạn Lưu Bích Ngọc, hiện đang theo học tại Đức chia sẻ tới bạn đọc của Opty Hunting. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm 1 lựa chọn nghề nghiệp nếu thích tìm hiểu về con người, xã hội, văn hóa… Ảnh minh họa trong bài được down từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.