Kinh nghiệm học tập và apply học bổng toàn phần Yenching Academy, ĐH Bắc Kinh

Xin chào cả nhà! Mình là Dương, hiện là Yenching Scholar 5th cohort tại Yenching Academy (YCA), Peking University, nghe “ngôn tình” hơn tí thì là Bắc Đại, hay Đại học Bắc Kinh (PKU) đấy ạ hehe!!

Mình rất vui được nhận lời mời từ Opportunity Hunting chia sẻ cùng với cả nhà hành trình chinh phục học bổng tại Yenching Academy of Peking University của mình. Mình thì không có nhiều kinh nghiệm trong việc chia sẻ lắm, nên nếu bài viết còn thiết sót và chưa được đúng với mong muốn của các anh chị và các bạn, mong mọi người thông cảm cho mình nhé! Mình sẵn sàng trả lời câu hỏi của các bạn sau nếu có thể!

Một chút về mình một chút trước khi bắt đầu nhé! Năm 2014, mình rất may mắn được nhận học bổng 100% của Ritsumeikan Asia Pacific University nên đã giong buồm đến đất nước Nhật Bản xinh đẹp. Mình theo học tại đây suốt 4 năm. Đến năm 2018, sau rất nhiều đấu tranh tư tưởng, mình quyết định gap-year để apply đi học tiếp lên master. Lý do thì là vì mình đã từng mất phương hướng, từng muốn rẽ ngang vì nghĩ rằng không đủ sức theo đuổi con đường học thuật, vân vân mây mây. Nhưng cuối cùng thì mình đã hạ quyết tâm sẽ theo đuổi ước mơ nghiên cứu đến cùng. Thế là mình về nước, ở nhà tập trung chuẩn bị hồ sơ 1 năm! Nghe là 1 năm nhưng thực ra là từ khoảng tháng 4 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019 thôi.

Bài viết của mình từ đây sẽ được chia làm 3 phần như sau:

1. Tại sao mình lại lựa chọn học Thạc sĩ tại Yenching Academy, Peking University? Tại sao lại là Trung Quốc?

Thật ra, đây là câu hỏi mà mình gặp phải nhiều nhất!! Thông thường thì những ai biết mình theo học tại Nhật Bản hiếm khi nào hỏi mình “tại sao” lắm! Đến lúc có kết quả apply thạc sĩ tổng kết lại thì mình có nhận admission letters của một vài trường ở châu Âu (University of Bristol, Graduate Institute Geneva, Leiden University) và Australia (Australian National University), cũng được đề cử học bổng tại KU Leuven nữa, thế nên là rất nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi mình lựa chọn đi Trung Quốc mà không phải các quốc gia phương Tây khác, đặc biệt là khi mình học bằng tiếng Anh. Mình nghĩ là vì học sinh Việt vẫn chuộng khám phá những chân trời “xa xa” một tí, và cũng vì chương trình Yenching còn khá trẻ tuổi nên chưa được nhiều người biết đến. Thông qua việc giải thích lý do chọn Yenching của mình, mình hi vọng cung cấp cho mọi người một cái nhìn toàn diện hơn nhé! Mình đã lựa chọn Yenching vì hai lý do chính sau đây.

Lý do thứ 1, mình có mối quan tâm học thuật đặc biệt với Trung Quốc. Mỗi cá nhân khi đăng kí theo học bất kì một chương trình thạc sĩ nào cũng sẽ có những dự định khác nhau. Vì mình xác định sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu trong tương lai (mình hy vọng sẽ tiếp tục học lên PhD), và cũng vì chuyên ngành nghiên cứu của mình là Quan hệ quốc tế – Chính trị tập trung vào khu vực Đông Á – Đông Nam Á, cụ thể hơn là vai trò của Trung Quốc trong khu vực, nên mình tin rằng trải nghiệm hai năm tại Trung Quốc và Bắc Đại sẽ giúp mình có những cái nhìn chân thực hơn, sâu sắc hơn, giúp mình phát triển về mặt tư duy học thuật nhiều hơn so với việc theo học tại các quốc gia khác. Ngoài ra, mình cũng cực kì đam mê văn hoá, lịch sử của khu vực Sinosphere, đặc biệt là Trung Quốc, do đó mình quyết tâm chọn Trung Quốc là điểm đến. Còn điều gì tuyệt hơn việc được tìm hiểu về một nền văn hoá, một quốc gia mà mình có hứng thú khi sinh sống tại đó phải không?

Lý do thứ 2, thú thực thì mình có lẽ đã không chọn Trung Quốc nếu không phải là Yenching. Nói cách khác, điều kiện tiên quyết nhất mà mình đến Trung Quốc là do mình bị ấn tượng bởi chương trình đào tạo của YCA và PKU cũng như những offers mình được nhận tại đây. Mình xin trình bày cụ thể như sau.

Yenching Academy là một khoa của trường Đại học Bắc Kinh, được thành lập với nguồn cảm hứng từ chương trình học bổng toàn cầu Rhodes Scholarship của Oxford University, tương tự như Schwarzman Scholarship của Đại học Thanh Hoa vậy (tuy nhiên về bản chất Yenching và Schwarzman rất khác nhau!). Yenching Academy là một chương trình đa văn hóa. Sinh viên học tại đây đến từ khắp nơi trên thế giới, trong hơn 120 bạn khoá của mình thì chỉ khoảng 30 bạn đến từ Trung Quốc, còn lại là sinh viên quốc tế. Trường sẽ có admission quota dành cho mỗi quốc gia, thế nên thường thì mỗi nước chỉ khoảng vài bạn, rải đều khắp thế giới. Cho đến khoá của mình thì mỗi năm Việt Nam sẽ có 1 suất. Thế nên theo mình thì không phải chê gì về tính “quốc tế” cả. Về chất lượng học sinh được nhận vào Yenching, đây là điều làm mình “mê” nhất. Acceptance rate của trường là 2.7%. Học sinh của Yenching có profiles cực “khủng”, hội tụ đủ các bạn đến từ khối Ivy League, chẳng hạn như của năm mình thì có Princeton, Columbia, Harvard, Yale; cũng có cả các bạn đến từ các trường hàng đầu châu Âu như Oxford, Cambridge, LSE, etc.

***Profiles của Yenching scholars có thể được tìm thấy tại đây.

Triết lý của Yenching là đào tạo các nhà lãnh đạo trong tương lai, những người có mối quan tâm đặc biệt với Trung Quốc, giúp kết nối Trung Quốc với các quốc gia khác trên thế giới. Nổi bật nhất phải kể đến việc Yenching Academy tập trung đào tạo nghiên cứu liên ngành. Khoa có sáu chuyên ngành nhỏ: (1) Literature and Culture, (2) History and Archaeology, (3) Philosophy and Religion, (4) Law and Society (5) Economics and Management (6) Politics and International Relation. Khi tốt nghiệp, học sinh sẽ nhận bằng ứng với chuyên ngành mà mình chọn, tuy nhiên, khi học tại khoa gần như các bạn sẽ phải học cả những môn ở những chuyên ngành khác nữa. Chính vì thế mà Yenching scholars hay được xem như là những nhà nghiên cứu về “China Studies” hơn, khác với các bạn ở Schwarzman nơi mà các bạn tập trung nhiều hơn vào business.

***Mọi người có thể tìm hiểu về chương trình Yenching cụ thể tại đây.

Được nhận vào Yenching Academy đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ nhận fellowship từ trường có giá trị trong vòng một (hoặc hai năm tuỳ theo việc bạn chọn theo học hệ 1 năm hay 2 năm). Giá trị học bổng bao gồm 100% học phí, vé máy bay khứ hồi, tiền stipend (ăn, ở) hàng tháng, và tiền đi nghiên cứu thực địa (field trips).

Cụ thể hơn, trong một năm tại Yenching, mình đã nhận được các hỗ trợ sau:

  • Mình ở tại ký túc xá trong trường free cùng các bạn Yenching scholars khác.
  • Mỗi tháng nhận 3000 yuan trợ cấp.
  • Được tài trợ đi nghiên cứu thực địa một tuần đến Thành Đô (những năm trước mình là Tây An) cùng với cả khoa.
  • Được tài trợ đi nghiên cứu thực địa theo lớp (tuỳ theo môn bạn chọn mà sẽ được đi những chỗ khác nhau). Phần lớn lớp nào cũng có field trip cả, đi gần có mà đi xa cũng có!
  • Ngoài ra còn nhận được tài trợ thực hiện nghiên cứu tuỳ chọn tại một địa phương ở Trung Quốc (khoảng tầm 5000 yuan một nhóm 4 bạn).
  • Yenching scholars cũng được cho phép apply học bổng Dean’s Research Grant để thực hiện một nghiên cứu thực địa. Mình đã apply và nhận được học bổng trên.
  • Nếu là học sinh châu Á, các bạn eligible để apply cho học bổng của Baixian Asia Institute. Mình cũng đã đạt học bổng trên, và được nhận thêm 6000 yuan tiền tài trợ cho dự án nghiên cứu cá nhân, được tài trợ thêm để đi nghiên cứu ở một vài địa phương bất kì (mình có chọn đi nghiên cứu ở Quảng Châu), được tham gia trại hè của Baixian Asia Institute (năm 2019 được tổ chức tại Nhật, 2020 dự định tại Thượng Hải tuy nhiên đã bị dời lại do dịch COVID-19), cũng như tham gia các hoạt động sinh hoạt của Baixian Asia Institute, đa số tập trung vào đào tạo kĩ năng lãnh đạo.

***Bạn có thể chọn tốt nghiệp sau 1 năm hoặc 2 năm. Mình chọn track 2 năm, nên mình phải đảm bảo các yêu cầu của trường về GPA, thành tích học tập, ngoại khoá, etc. mới được cấp học bổng năm 2 (giống hệt năm 1). Nhưng điều này không khó tẹo nào cả.

Nói ngắn gọn, sau khi mình cân nhắc hai yếu tố chính trên, đặc biệt là so sánh với các offer khác mà mình nhận được, mình cảm thấy Yenching là nơi cho mình nhiều cơ hội phát triển nhất. Môi trường quốc tế với các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới giúp mình được mở rộng tầm nhìn. Chương trình đào tạo chuyên sâu về Trung Quốc giúp mình thỏa mãn đam mê học thuật. Tài trợ toàn phần cộng với rất nhiều offer khác giúp mình thỏa sức vẫy vùng, do đó mà mình quyết định “nhích” thôi!!

2. Cảm nhận của mình qua một năm tại Yenching Academy of Peking University

***Về chất lượng đào tạo/môi trường học thuật tại Yenching Academy

Điểm tốt

  • Nhìn chung, mình cảm thấy khá hài lòng. So với chương trình đào tạo của mình tại Ritsumeika APU, mình đánh giá cao Bắc Đại hơn. Curriculum ở YCA theo như mình đánh giá phù hợp nhất với các bạn IR/Politics major. Chương trình ở YCA theo hướng nghiên cứu hơn là coursework, nên cho dù có phải chọn lớp để học thì lớp cũng toàn là đánh giá theo bài nghiên cứu cuối kì, rất ít lớp có kiểm tra.
  • Các lớp học tại YCA mỗi lớp tối đa chỉ trên dưới 20 người, thế nên hầu như là seminar-style classes, vì vậy mà Yenching scholars có rất nhiều không gian để trao đổi, tranh luận. Chỉ có 1, 2 lớp bắt buộc 125 bạn sẽ học chung với nhau. Ví dụ như lớp Topics in China Studies Lecture Series được tổ chức dưới dạng conference hàng tuần, mỗi tuần sẽ mời một chuyên gia về một chủ đề hoặc lĩnh vực liên quan đến Trung Quốc đến để deliver lecture và trao đổi với các bạn sinh viên. Hai trong số những gương mặt tiêu biểu mà mình đã được gặp gỡ thông qua lớp này phải kể đến Peter Hessler và Paul G. Pickowicz
  • Vì YCA muốn đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành, khi chọn môn, chúng mình không được chọn toàn bộ các môn chuyên ngành mà chắc chắn phải chọn các môn ngành khác. Mình có học History, có học Philosophy và học cả Law/Society. Do đó mà cái nhìn của mình về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc theo cá nhân mình đánh giá là toàn diện và nhiều chiều hơn, mình cũng đã nghĩ ra thêm được nhiều topics nghiên cứu cho sự nghiệp học thuật tương lai nữa!
  • Chúng mình cũng có thể take lớp của PKU. Lớp của PKU thường đông đúc hơn, có thể có tới tận 100-200 bạn, phong cách dạy cũng khác một chút, đa số là lecturing thôi. Nhưng cũng rất đáng để thử vì sẽ được học với các bạn sinh viên Bắc Đại khác, những người được mệnh danh là top của top ở Trung Quốc đấy. Nếu ai tốt tiếng Trung có thể take lớp tiếng Trung, mình thì không có cơ hội vì tiếng Trung còn kém quá, nhưng qua lời đánh giá chung của mọi người, mình nghe bảo là rất hay!
  • Đội ngũ giáo sư tại Yenching Academy hoàn toàn là giáo sư của các khoa khác từ Đại học Bắc Kinh đến để giảng dạy, mà thường thì các thầy cô tại Bắc Đại đa số là đầu ngành tại Trung Quốc nên rất giỏi. Có một vài giáo sư được mời đến YCA/PKU dạy từ các trường đại học khác như Cornell University, Stanford University, University of Toronto, vv. Mình học cùng các giáo sư này thì đều cảm thấy rất thích vì họ rất tận tình, luôn luôn tạo cơ hội cho sinh viên được nêu lên quan điểm cá nhân một cách tự do khác.
  • Nói về việc tự do ngôn luận, mình từng nghe một vài lời nhận xét rằng nếu học ở Trung Quốc thì sẽ không được “tự do” lắm. Cách suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Mình không cảm thấy có bất kì trở ngại nào trong việc nêu lên ý kiến và suy nghĩ cá nhân dưới tư cách là một IR major. Ví dụ như kì Fall 2019, mình có take một lớp dạy bởi Nguyên Phó Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc He Yafei. Trong lớp, chúng mình đã debate về tất cả những vấn đề được xem là nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc, Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, biển Đông, etc. Các chủ đề nghiên cứu của chúng mình trong suốt quá trình học cũng hoàn toàn được tự do thiết kế.  
  • Nhưng điều tuyệt vời nhất ở YCA chính là các Yenching scholars khác! Các bạn theo chương trình đều cực kì academic-driven, rất giỏi và đặc biệt rất tham vọng. Tuy nhiên đa số các bạn đều rất đáng mến, tụi mình chỉ có hơn 100 người thôi nên là cũng thân nhau hơn. Ở cạnh các bạn xuất sắc như vậy, mình có động lực cố gắng nhiều, học hỏi được vô vàn kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống. Có nhiều bạn có personal background rất truyền cảm hứng, làm mình ngưỡng một cực kì. Không đâu xa, chị Trang là tiền bối của mình ở YCA (4th cohort) có thể nói đâu tầm 5,6 thứ tiếng gì đấy, và đã từng đi khắp nơi, cũng đã từng đạt học bổng Erasumus Mundus… Có bạn thì từng xách ba lô rong ruổi khắp vùng Trung Đông, hay là bỏ lên núi…tu một năm chẳng hạn. Một bạn khác thì lại từng phỏng vấn trực tiếp các nạn nhân comfort women ở Hàn và nạn nhân thảm sát Nam Kinh, đứng trước đại sứ quán Nhật tại Hàn để biểu tình, vv. Ai ai cũng có những câu chuyện rất đặc biệt mà không phải lúc nào mình cũng được nghe.
  • Chúng mình cũng tích cực lập các hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm hoặc cơ hội trong circle Yenching với nhau và cả với các trường khác như chương trình Schwartzman của Tsinghua University chẳng hạn (bọn mình từng đến gặp các bạn ở Schwartzman, được các bạn mời bia và cho tham quan kí túc xá đấy, vui lắm). Tụi mình cũng có nhóm Slack bao gồm các anh, chị alumni từ các cohort cùng tham gia. Đến với Yenching, mình đã thực hiện nghiên cứu chung với khá nhiều bạn: publish bài ở The Diplomat với một bạn từ Nigeria, thực hiện tổ chức webinar với một bạn người Singapore, nghiên cứu về chính sách xoá đói giảm nghèo và quyền phụ nữ với một bạn Trung Quốc, nghiên cứu về historical memories và emotions với một bạn người Nhật và bốn giáo sư khác, etc. Mình dám khẳng định YCA là nơi tốt nhất cho networking!

Điểm trừ

  • Vì nghiên cứu liên ngành, nên có một vài bạn học Economics và Law đánh giá rằng chất lượng courses của hai chuyên ngành trên không thoả mãn nhu cầu của các bạn. Những kiến thức trong các lớp trên khá chung chung, ngoài ra vì do còn phải dành thời gian học các chuyên ngành khác nên các bạn không có đủ thời gian đầu tư vào ngành chính. Do đó mà khi đặt lên bàn cân với các chương trình MBA, Master of Economics, Master of Law khác thì không bằng.
    ***Cá nhân mình thấy với IR thì không bị ảnh hưởng mấy đâu, mình cũng tin rằng trình độ master IR thì việc học hỏi cách thực hiện nghiên cứu độc lập; tìm research interests và vận dụng kiến thức nền tảng đã có từ cấp đại học tự để đi sâu tìm tòi bản chất vấn đề; tận dụng cơ hội trao đổi kiến thức cùng các academicians khác quan trọng hơn là kiến thức rập khuôn.
  • Giáo sư có thể sẽ không quan tâm bạn nhiều, vì dù sao YCA cũng là một chương trình đặc biệt của PKU. Khoa không có dàn faculty members ổn định, toàn bộ các giáo sư đều là giáo sư của các khoa khác thế nên đôi lúc họ không xem việc làm việc với YCA scholars quan trọng như khoa của họ.
  • Đối với các bạn không có tiếng Trung hoặc yếu Tiếng Trung (như mình…) thì sẽ hơi gặp bất lợi một chút trong nghiên cứu vì không tiếp cận tốt các nguồn nghiên cứu địa phương. YCA có lớp tiếng Trung, nhưng cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Không có tiếng Trung cũng có nghĩa là mình mất đi nhiều cơ hội thực tập nữa!

***Về cuộc sống tại Trung Quốc

Điểm cộng

  • Cuộc sống ở Trung Quốc khá thoải mái. Giá cả ở Bắc Kinh đắt đỏ hơn những nơi khác, tuy nhiên vì bọn mình sống trong kí túc xá và hay ăn tại nhà ăn của trường (được trường trợ giá) nên không tốn kém mấy, tiền stipend toàn dư ra để dành đi du lịch hoặc dùng vào các việc khác.
  • Đồ ăn thức uống thì mình khá hợp (hoặc vì tính mình cũng dễ ăn uống), nhưng ăn nhiều sẽ hơi dầu mỡ, không tốt cho sức khỏe. Cơ mà trong trường câu lạc bộ sinh viên nhiều, còn có nhiều gym và có cả sân thi đấu Olympic nên là ăn dầu mỡ thì đành…đi tập thể dục cho giảm béo vậy. Mình có chơi bóng bàn, có thử thi đấu một lần trời ơi thì thua tan tác…cơ mà kết bạn được nhiều cũng vì chơi môn này, âu cũng là cơ hội luyện tập thêm tiếng Trung.
  • Trường Bắc Đại nổi tiếng với kiến trúc đẹp, khuôn viên cổ kính nên là bạn nào đam mê nhiếp ảnh sẽ thích lắm đấy! Kèm cho các bạn một vài tấm hình nhen! Ở Bắc Kinh cũng toàn những chỗ siêu đẹp, nên lúc nào mình cũng thích đi khám phá. Mình cũng có đi những chỗ khác nữa trong những lần field trips, tự đi cũng có, nói chung là phong cảnh hữu tình lắm các bạn ạ.
  • Một điều thú vị khác là Bắc Kinh có rất nhiều…xe đạp! Vì chính phủ Trung Quốc và Bắc Kinh hiểu được tình trạng ô nhiễm nguy hiểm, họ khuyến khích sử dụng xe đạp và xe điện nhiều hơn. Thế nên học sinh bọn mình cứ hay dùng xe đạp đi đây đi kia chơi, cũng hay ho lắm, xem như là thể dục tốt cho sức khỏe.
  • Người Trung Quốc cực kì dễ thương và hiếu khách. Có lần, mình cùng giáo sư đi thăm một ngôi làng ở ngoại ô để phỏng vấn, thế là bạn của cô nghe thế cử hẳn con trai chạy xe ô tô lên đón. Nhà bác không khá giả, vì ở nông thôn mà, nhưng khi biết có mình tới bác nấu hẳn một … đại tiệc để đãi mình, cứ hỏi han mãi là ăn no chưa, ăn có ngon không, lúc về còn cho cả một đống quà. Giờ nhớ lại mình vẫn còn xúc động. Hoặc có lần mình đi chơi bóng bàn, không biết bắt cặp với ai, thế là có một em học sinh rủ mình chơi cùng. Chơi xong thì trời mưa, em ấy đội mưa về kí túc xá nhất quyết dúi vào tay mình chiếc dù, bảo là hôm sau rồi trả. Những câu chuyện be bé như thế này mình gặp hoài thôi, nên cũng có cảm tình hơn với người dân Trung Quốc. Đương nhiên chỗ nào cũng có người này người kia, có lẽ do mình may mắn nữa.
  • Cái tệ nhất chính là thời tiết và ô nhiễm môi trường. Bắc Kinh rất khô…thời tiết thì khắc nghiệt, rất lạnh vào mùa đông. Còn ô nhiễm không khí thì chao ôi, thật khủng khiếp. Có những hôm mình lúc nào cũng phải kè kè khẩu trang lọc bụi, vì đi ra nhìn như một lớp sương mù vậy. Mình nghe các bạn Trung Quốc nói rằng hiện bây giờ đã đỡ hơn 10 năm trước rất nhiều, bây giờ không phải ngày nào cũng bị như vậy, ngày trước còn ô nhiễm đến mức mùa đông không có nổi tuyết. Thế nên nếu sang thì phải chuẩn bị tinh thần chú ý sức khoẻ một chút.
Khuôn viên ĐH Bắc Kinh (Nguồn ảnh: Dương).
Khuôn viên ĐH Bắc Kinh (Nguồn ảnh: Dương).
Dương trong khuôn viên ĐH Bắc Kinh (Nguồn ảnh: Dương).

Có thể là những điều mình vừa chia sẻ có phần phiến diện vì toàn là đánh giá cá nhân của mình thôi. Có thể các bạn khác tại YCA sẽ có đánh giá khác, thậm chí trái ngược với mình thì sao? Nhưng mình nghĩ rằng ai cũng sẽ đồng ý trải nghiệm tại YCA thực sự là có 1 trong 2 trong đời! Mình vẫn hi vọng thông qua lời kể của mình, các bạn sẽ thêm phần hứng thú vào YCA và PKU. Hãy cứ mạnh dạn thử sức nhé.

Phần tiếp theo, mình sẽ chia sẻ cùng các bạn một vài lưu ý khi apply vào YCA/PKU nhé!

3. Lưu ý khi apply

Điều kiện/Yêu cầu về hồ sơ apply học bổng chi tiết ở tại đường link này.

Yêu cầu:

  • Ít nhất là bằng đại học (bất kì chuyên ngành nào); hoặc đang theo học tại một chương trình đại học và tốt nghiệp không trễ hơn ngày 31 tháng 8 năm 2021;
  • Lý lịch học tập xuất sắc
  • Có hứng thú đặc biệt với nghiên cứu liên ngành về Trung Quốc
  • Có kinh nghiệm hoạt động ngoại khoá, hoạt động xã hội và cộng đồng. Có tiềm năng và tốt chất lãnh đạo.

Bạn cần phải apply qua hệ thống online của trường trước hạn 4/12/2020. Bộ hồ sơ apply bao gồm:

  • SOP (tối đa 750 chữ)
  • Đề án nghiên cứu (tối đa một trang)
  • Curriculum Vitae
  • Bảng điểm
  • Bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp;
  • Hai thư giới thiệu
  • Yêu cầu về tiếng Anh:
    • IELTS (Academic): Overall 7.0
    • TOEFL (iBT): Overall 100
    • Cambridge English Scale (Advanced): Overall 185
    • CEFR: C1 level
    • CET 6: Overall 600
    • TEM 4: Pass level of “良好” or above

Những bạn đã học chương trình dạy bằng tiếng Anh ở Đại học sẽ không cần phải nộp chứng chỉ tiếng Anh. Các chứng chỉ tiếng Anh chỉ được công nhận nếu bạn thi sau ngày 1 tháng 9 năm 2019.

Nếu bạn đậu vòng hồ sơ, bạn sẽ phải tham dự phỏng vấn. Kết quả thường có vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Mình chỉ có ba lời khuyên be bé như sau.

  • Vì YCA là chương trình nghiên cứu chuyên sâu về Trung Quốc (China Studies/Sinology), các bạn sẽ chỉ pass nếu các bạn thể hiện rõ niềm đam mê và sự liên quan đặc biệt của bản thân với các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Điều này phải được chứng minh RẤT RÕ RÀNG VÀ CHI TIẾT qua SOP, chủ đề nghiên cứu, kinh nghiệm nghiên cứu, các hoạt động ngoại khoá khác, etc. Bạn không cần phải tốt nghiệp chuyên ngành liên quan, nhưng nhất thiết phải quan tâm đến các vấn đề dính líu đến Trung Quốc.
  • Bạn cũng nên chú ý nhấn mạnh đến sự yêu thích của bản thân và khả năng thực hiện nghiên cứu liên ngành, cũng như khả năng lãnh đạo đặc biệt là trong môi trường đa văn hoá nhé!
  • Bạn nên đầu tư THẬT KỸ vào research proposal, vì theo mình, đây là thước đo hiệu quả nhất xem bạn có tiềm năng hay không. Sau khi đậu vòng hồ sơ, các bạn sẽ phải tham dự phỏng vấn. Trong buổi phỏng vấn mình đã bị các giáo sư hỏi rất kĩ về đề tài nghiên cứu của mình. Mình có chuẩn bị tinh thần trước, có nhờ giáo sư sửa và comment hộ trước khi nộp, thậm chí chuẩn bị thiết kế cả slides để trình chiếu (phỏng vấn qua Skype) như thesis defense nhưng vẫn hơi khớp một chút.

Mình xin phép được gửi thêm một vài tips apply thạc sĩ và học bổng nói chung dành cho mọi người nhé!

PHÙ HỢP, PHÙ HỢP, và PHÙ HỢP.

Mình không thể nào nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của “sự phù hợp” trong việc tìm trường và săn học bổng thạc sĩ. Có nhiều bạn hay nghĩ rằng chỉ cần “học thật giỏi”, “GPA thật cao”, “giành nhiều giải thưởng” thì kiểu gì cũng sẽ được nhận vào trường và đạt học bổng thôi. Điều này đúng, nhưng cũng không đúng. Mình nghĩ rằng admission committee sẽ không chọn bạn vì bạn giỏi không, mà vì năng lực, thành tựu, giá trị riêng của bản thân bạn, tính cách của bạn, và hoạch định tương lai của bạn phù hợp với trường, với khoa: bạn sẽ phát triển tốt nhất tại ngôi trường đó/khoa đó và qua đó, bạn cũng sẽ đem lại lợi ích nhiều nhất cho trường/khoa. Một bộ hồ sơ thành công sẽ là một bộ hồ sơ đảm bảo chỉ ra được sợi dây liên kết mật thiết này. Hãy tìm hiểu về bản thân và ngôi trường bạn hướng tới thật nhiều. Chỉ khi bạn biết mình muốn gì, mình làm tốt điều gì, mình cần phải làm gì hơn nữa, bạn mới tìm ra nơi phù hợp với bạn và có đủ sức thuyết phục admission committee rằng bạn xứng đáng là một phần của trường/khoa. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến SOP của các bạn. Mình từng có cơ hội may mắn được trao đổi SOP và CV với một vài bạn có nguyện vọng theo học thạc sĩ. Rất nhiều những bài viết này theo phong cách “self-branding”, nhấn mạnh rất nhiều đến thành tựu cá nhân, ấy vậy mà các bạn lại không hề đầu tư SOP để chỉ ra tại sao những thành tựu hay kinh nghiệm cá nhân đấy của bạn biến bạn thành một ứng viên tiềm năng cho trường và khoa bạn chọn. Có nhiều bạn cũng đã từng hỏi mình thông tin về cách thức apply YCA thậm chí chưa hề đọc hết trang thông tin của trường cơ. Điều này giống như bạn đi đánh trận mà không hiểu đối thủ mình là ai vậy đấy.

3 nguyên tắc viết SOP của mình: cô đọng, cụ thể, chân thật

  • Cô đọng: Dài không có nghĩa là hay, ngắn mà chất (concise) mới tốt! Bạn chỉ có 750 chữ thôi mà! Một tips be bé của mình để bài cô đọng hơn chính là tìm key-word. Hãy nghĩ về bản thân bạn và chọn 3 từ khoá bạn muốn admission committee biết về bạn qua SOP đó. Hãy viết SOP của bạn bám sát 3 từ khóa trên. Đến lúc này thì chắc các bạn cũng hiểu là 3 key words nên liên quan trực tiếp đến những gì trường và khoa có thể offer phải không? Ngoài ra, các bạn cũng nên cố gắng xây dựng structure cho bài SOP thật tốt để flow ideas của bạn hài hoà! Mình hay đọc sách hướng dẫn viết SOP để tham khảo cách dẫn dắt ý, từ đó học và viết theo!
  • Cụ thể: đừng bao giờ chỉ viết “tôi có hứng thú đặc biệt với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc” mà không có lấy một bằng chứng cụ thể. Bật mí cho các bạn một bài tập be bé. Khi viết SOP, mình đã tự vẽ “perfect-self” trong đầu trong 10 năm sắp tới, càng cụ thể càng tốt. Làm ở công ty/tổ chức nào, sống tại đâu, quan tâm đến điều gì, đã đóng góp được gì, etc. Tác dụng của bài tập này là để giúp mình cung cấp cho admission committee một cái nhìn thật rõ ràng việc môi trường học thuật tại YCA sẽ giúp cho mình phát triển trong vòng 5 hay 10 năm sắp tới như thế nào.
    Cụ thể hơn, ví dụ như chủ đề nghiên cứu tại YCA sẽ giúp mình ra sao, liên quan gì đến sự nghiệp tương lai của mình, môn học nào tại YCA sẽ trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết để hiện thực hoá ước mơ này, giáo sư nào tại đây có kinh nghiệm làm việc với lĩnh vực trên để cho mình lời khuyên, vân vân.
  • Chân thật: Có lẽ, đây là điều tốt nhất mà mình đã làm với bộ hồ sơ apply YCA. Chỉ có thật lòng mới giúp bạn tạo nên một bài viết mang tính cá nhân cao, cảm xúc và hấp dẫn với người đọc. Đôi lúc, mình hay nghĩ viết SOP như viết thư tỏ tình vậy!

Bài chia sẻ đã dài, mình xin cám ơn cả nhà đã theo dõi. Chúc cả nhà nhiều sức khoẻ và thành công! Mình luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc nhé!