“Biết người biết ta” khi nộp học bổng – Case study về Green Futures

Hôm trước, khi mình đăng tin rằng có bạn mentee của Opty Hunting (hay gọi thân thương là Opty Hunter) đạt được học bổng toàn phần Thạc sĩ Green Futures trị giá 35,500 bảng Anh tại ĐH Exeter, Anh Quốc thì có một bạn độc giả đã bình luận rằng “vô đc Exeter không dễ, kiếm được học bổng 3000-5000 của trường đã khó, đây còn toàn phần đài thọ ăn ở. Đỉnh của chóp.” Quả thực mình cũng công nhận học bổng này không hề dễ: University of Exeter còn là 1 trong 24 trường thành viên của Russell Group – nhóm các trường ĐH hàng đầu Anh Quốc về nghiên cứu, chất lượng giảng dạy, và trải nghiệm học tập nên có nhiều người muốn theo học; còn học bổng chỉ cho tối đa 9 bạn sinh viên quốc tế từ ngoài các nước thu nhập cao, mà xét tận trong 39 chương trình Thạc sĩ của trường chứ không chỉ cho một chương trình cụ thể nào cơ mà.

Để ứng tuyển học bổng, các ứng viên sẽ cần nộp một bài luận 500 từ, nêu vì sao ứng viên muốn theo học chuyên ngành Thạc sĩ đã chọn, chương trình Thạc sĩ đó liên quan gì tới việc phát triển một “Green Future” ở nước nhà, ứng viên đã có những nỗ lực theo đuổi chuyên ngành đó ở nước nhà ra sao, ứng viên mong sẽ học hỏi thêm gì tại Exeter và đóng góp gì cho Exeter, sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì và giữ mối liên hệ chặt chẽ với Exeter như thế nào.

Nếu như ứng viên là người có sẵn nguyên liệu để chế biến bài luận (thông qua những gì đã học, làm và đóng góp cho trường học/tổ chức/xã hội), thì mình – với vai trò mentor – sẽ giúp ứng viên tìm ra công thức chế biến để ra một “món luận” vừa sử dụng hết các nguyên liệu đặc trưng, lại vừa ngon miệng (đủ ý), ngon mắt (câu từ gọn gàng, logic, dễ đọc hiểu mà vẫn chính xác, sâu sắc), phù hợp với những điều hội đồng tuyển sinh đang tìm kiếm.

Mà để làm được việc đó, mình cũng cần đi tìm hiểu cụ thể về học bổng, bên cạnh việc tìm hiểu về nguyên liệu đặc trưng của bạn ứng viên đó. Nói về học bổng, Green Futures mới được mở ra năm nay, do quyên góp từ alumni của trường và từ chính trường, nhằm giúp các cá nhân có khả năng và tiềm năng, không kể hoàn cảnh tài chính thế nào, được theo học khóa Thạc sĩ ở Exeter rồi về đóng góp cho nước nhà theo các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Học bổng đặc biệt chú trọng giúp ứng viên trau dồi các kiến thức, kỹ năng và công cụ thuộc nhiều chủ đề như ô nhiễm plastic, khoa học khí hậu, an ninh thực phẩm và nước, kinh tế tuần hoàn, năng lượng bền vững… thúc đẩy các ứng viên góp phần tạo ra các giải pháp cho các vấn đề về môi trường và khí hậu mà thế giới đang đối mặt. Vì vậy, dù bạn có đang làm ngành nghề gì đi nữa, nếu định ứng tuyển cho học bổng này năm sau thì hãy nhìn lại quá trình phát triển của bản thân và liên hệ thử xem mình có thể liên quan tới mục tiêu học bổng ra sao nhé; có “biết người biết ta” mới có cơ hội chiến thắng các ứng viên còn lại/thuyết phục được hội đồng tuyển chọn mà. Cũng như bạn Opty Hunter, dù học về Commercial Law, nhưng vẫn được học bổng công nhận rằng bạn í có đóng góp và động lực trong việc phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam, nên quyết định chọn bạn í để trao học bổng.

Đây là “sương sương” góc nhìn của mình – một mentor, còn trải nghiệm chính xác của bạn Opty Hunter như thế nào thì mọi người đợi mình nhờ bạn í chia sẻ chia tiết nhé.