Kinh nghiệm chinh phục học bổng Tiến sĩ từ 7 trường top đầu thế giới

Bạn Nguyễn Xuân Bách, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Hóa tại ĐH Nagoya, Nhật Bản. Trong đợt apply vừa qua, Bách đã nhận học bổng Tiến sĩ toàn phần từ ĐH Harvard, Duke, Cornell, Rockefeller, Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), ĐH British Columbia (Canada), trị giá khoảng 500.000 – 672.000 USD trong 5-6 năm ở mỗi trường; Bách cũng được nhận vào ĐH Oxford (Anh Quốc) nữa. Mình cũng vinh dự biết Bách từ hồi Bách tìm hiểu về du học Nhật (vì mình làm Gakutomo nên có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các bạn apply đi Nhật) cách đây 4 năm. Hồi đó, mình cũng đã ấn tượng vì Bách học giỏi, giải quốc gia Hóa, được nhận vào cả ĐH Nagoya, Nhật và ĐH Johns Hopkins của Mỹ, mà vẫn rất cập nhật xu hướng vì là fan K-pop, rồi còn công khai và ủng hộ LGBT+ nữa.

Quay lại với chủ đề chính, Bách có chia sẻ về cách chinh phục học bổng Tiến sĩ với những điểm chính như sau:

  1. Trước khi apply, các bạn nên tự hỏi xem bản thân có sẵn sàng học Tiến sĩ hay không? Ở Mỹ thường Tiến sĩ thường kéo dài 5-6 năm sau bậc Cử nhân (4 năm) (vì chương trình Tiến sĩ ở Mỹ tương đương Master 1-2 năm & PhD 3-4 năm combined ở các quốc gia khác). Liệu bạn có quyết tâm để theo đuổi quá trình nghiên cứu vất vả, cô độc và đôi khi mờ mịt; nếu không hoàn thành chương trình đúng hạn, có thể bạn sẽ gặp áp lực về tinh thần nữa đó.
  2. Khi xác định nộp hồ sơ Tiến sĩ, các bạn nên nhớ rằng trường sẽ quan tâm tới điểm số, kinh nghiệm và tư duy nghiên cứu của bạn.
  3. Bài luận để nộp hồ sơ Tiến sĩ cần thể hiện ý tưởng và kinh nghiệm nghiên cứu, cũng như lý do vì sao bạn muốn theo đuổi ý tưởng/lĩnh vực nghiên cứu này. Bách lưu ý rằng cần thể hiện mình là người có tư duy thông qua các nghiên cứu cá nhân, chứ không chỉ đơn thuần thông qua kỹ thuật hay máy móc – những công cụ phục vụ nghiên cứu. Và khi viết, nên đưa ra dẫn chứng cụ thể để người đọc cảm nhận được tính trung thực trong câu chuyện của bạn. Bạn cũng nên nhờ cả cố vấn chuyên môn (ví dụ: giảng viên) để nhận xét về ý tưởng và thông tin chuyên ngành, và cố vấn không chuyên (ví dụ: bạn bè xung quanh) để kiểm định tính mạch lạc, dễ hiểu của bài luận.
  4. Nên chọn những người thực sự hiểu mình và nghiên cứu mình đang theo đuổi để viết thư giới thiệu cho mình. Các bạn cũng nên liên hệ sớm với những người viết thư giới thiệu để hoàn thành hồ sơ đúng hạn. Lúc nhờ, các bạn cũng nên soạn sẵn file excel gồm tên trường, chương trình bạn ứng tuyển, email trường đó, ngày hết hạn nộp thư giới thiệu để người viết thư giới thiệu tiện theo dõi, sắp xếp công việc. *Mình nghĩ lời khuyên này áp dụng với cả chính bạn, bạn nên có file excel lên danh sách các trường/chương trình định apply/application checklist để đỡ “nhớ nhớ quên quên” :>.
  5. Điểm GPA không cao vẫn có thể khắc phục bằng các yếu tố khác như bài luận, kinh nghiệm nghiên cứu, và cần giải thích tại sao GPA của mình lại chưa cao như vậy… Bạn của Bách có GPA 2.8/4.0 vẫn đỗ Harvard.
  6. Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ cần qua mức yêu cầu đầu vào của trường (thường là IELTS 6.5) chứ không nhất thiết phải rất cao/tuyệt đối, do chương trình Tiến sĩ yêu cầu khả năng nghiên cứu khoa học, còn ngôn ngữ là công cụ thôi mà.
  7. Về phỏng vấn với các trường ở Mỹ, Bách được trò chuyện với hội đồng tuyển sinh trong 7-10 phút, sau đó chọn 5-6 giáo sư để nói chuyện riêng, mỗi người khoảng 30 phút. Có thể các giáo sư sẽ hỏi sâu về kiến thức chuyên môn, có thể sẽ chỉ hỏi thăm trò chuyện vui vẻ. Bách khuyên mọi người nên tìm hiểu trước về các giáo sư, nghiên cứu họ đã và đang làm để có thể trò chuyện suôn sẻ.

Tóm tắt trên đây của Opty Hunting được đúc rút từ bài chia sẻ dài và chi tiết của Bách tại bài viết trên vnexpress. Các bạn đọc bài gốc để xem có take-away thêm được gì cho bản thân không nhé :>.

Hình ảnh Harvard trong bài được down về từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.