Mình vừa nhận được thư nhận vào chương trình Erasmus Mundus Master in Research & Innovation in Higher Education – MARIHE. Trong thời gian apply đã nhờ Minh đọc hồ sơ và giúp quay clip giới thiệu (và mình yêu thương Minh rất nhiều 😡 ) nên hôm nay nhận lời Minh viết bài tâm sự với mọi người và cũng để tự ngẫm lại tại sao 2 năm trước mình trượt mà năm nay lại đỗ.
Mình biết đến MARIHE chính xác là 12 ngày trước khi hết hạn, hiện mình đang học năm 2 thạc sĩ nên nếu theo MARIHE sẽ là bằng thạc sĩ thứ 2. Từ cái nhìn đầu tiên là mình đã thích chương trình rồi vì rất phù hợp với định hướng nghiên cứu hiện tại của mình, nhưng sau khi dạo một vòng profile của alumni thì mình đoán người đã đi làm trong ngành (ví dụ các cơ quan nhà nước, sở/bộ giáo dục hoặc giảng viên các trường ĐH) sẽ có lợi thế. Mà mình thì chỉ là sinh viên thạc sĩ với 3 tháng thực tập ở 1 viện nghiên cứu nên cũng không ôm ấp quá nhiều cơ hội. Chưa kể là thời gian còn lại gấp và chứng chỉ tiếng Anh đã hết hạn. Nhưng Minh đã động viên mình rất nhiều, nên mình quyết định give it a try!
1) Giấy tờ và chứng chỉ tiếng Anh: Trong vòng 12 ngày đó tất cả các suất thi IELTS và TOEFL trên nước Nhật đã hết sạch, mình tuyệt vọng đến nỗi tìm cả ở Việt Nam và Singapore cũng không có. May sao đọc lại guideline thấy có chấp nhận cả PTE mà 2 ngày có kết quả luôn, nên mình đăng kí PTE ở Tokyo, đọc qua format rồi vác xác đi thi. Mình hiểu là dù thi gấp một chứng chỉ mới nhưng không cần đặt nặng điểm số vì hội đồng hoàn toàn có thể hiểu khả năng tiếng Anh của mình qua hồ sơ và video giới thiệu bản thân. Mình đang học ở Nhật nên các giấy tờ xác nhận sinh viên, bảng điểm đều thể in ra bằng tiếng Anh rất nhanh chóng.
2) CV và xác định điều gì sẽ là chủ đạo trong bộ hồ sơ của mình: CV là thứ mình làm tiếp theo, vì nó giúp nhìn lại tổng thể quá trình học và nghiên cứu. Làm xong CV sẽ giúp mình keep track những thành tích và kinh nghiệm, để đảm bảo được là những điều cần được mention sẽ được mention, cần được nhấn mạnh sẽ được nhấn mạnh ở đâu đó hoặc là trong thư giới thiệu, trong CV, trong video hoặc SoP hoặc essay để tạo một sự thống nhất. Ngay từ đầu mình đã xác định mình không phải người có kinh nghiệm làm việc, nhưng mình có background khá ổn về học thuật và là một sinh viên quốc tế ở Nhật. Nên mình quyết định lấy 2 ý đó làm điểm mạnh xuyên suốt bộ hồ sơ. Mình cũng list ra luôn 2 key words mà mình quan tâm trong giáo dục đại học là “internationalization” và “commercialization” để lấy đó làm kim chỉ nam lúc nào cũng nhìn vào khi viết bài. Sau khi xác định được tinh thần chung của bộ hồ sơ và những thứ râu ria có thể làm trong vòng 1 ngày thì mình tập trung giải quyết thư giới thiệu từ 2 thầy cô trước, đây là thứ mà bản thân mình không nắm được trong tay mà phải phụ thuộc vào người khác.
3) Thư giới thiệu: khi nhìn lại việc trượt một chương trình ERASMUS về business 2 năm trước, mình nhận ra một trong những vấn đề lớn của mình là không communicate rõ ràng với hai thầy cô viết thư giới thiệu về học bổng của mình, nên có lẽ các thầy cô viết rất chung chung. Một là thư giới thiệu chung chung là một lá thư rất nguy hiểm. Lần này, ngay từ email nhờ vả đầu tiên mình đã trình bày mục tiêu và tiêu chí chọn ứng viên của MARIHE và nhờ hai thầy cô nhấn mạnh vào khía cạnh này hay trải nghiệm kia của mình trong thư giới thiệu làm sao phù hợp với tiêu chí của chương trình nhất. Hai người đều bảo mình gửi thêm SoP để hiểu hơn về định hướng của mình mà viết cho chi tiết. Các thầy cô trường mình bên Nhật đều quen viết LoR nên chỉ nói sơ qua là thầy cô hiểu, điểm này mình rất may mắn. Mình giữ quan hệ rất ổn với các thầy cô đã từng học, luôn thành thật chia sẻ và hỏi han qua lại kể cả khi không nhờ vả, đến lúc cần mới thấy thật sự đáng quý. Cả hai người đều gửi lại trong vòng 1 ngày nhận được SoP của mình, khiến mình vững tâm hơn rất nhiều.
4) SoP: Nhận được gật đầu của thầy cô rồi là mình đi tiếp đến SoP và bài luận. Khi viết SoP mình cố gắng nhấn mạnh GPA, kinh nghiệm nghiên cứu, có đề cập đến 1 trường trong consortium vì trường từng host một hội thảo về mảng mình quan tâm, nhấn mạnh rằng mình có định hướng rõ ràng muốn học gì từ MARIHE và muốn làm khóa luận về đề tài gì nếu được nhận. Ngày nào mình cũng vào website của chương trình dùng kinh nghiệm đi hóng chuyện và stalk lâu năm để “soi” từng chi tiết một để hiểu họ ưu tiên gì trong nội dung giảng dạy, mặt mũi các sinh viên alumni như thế nào, tốt nghiệp thì alumni thường làm ở đâu, các trường host là ai và thế mạnh của họ là gì? Mình đoán MARIHE coi trọng mảng chính sách và thích sinh viên reflect về chính nền giáo dục từ nơi họ đến từ chứ không chỉ học về giáo dục châu Âu – điều này thể hiện trong các course ở curriculum, nên cố gắng lái sang đề tài nghiên cứu hiện tại về chính sách khoa học công nghệ ở Việt Nam.
5) Essay: Đề essay của MARIHE là “From your own experience: What would you change at your university?”. Mình xem website thì có vẻ MARIHE chưa từng có sinh viên từ Nhật, nên mình quyết định lấy điểm trừ làm điểm mạnh, viết bài luận từ góc nhìn sinh viên quốc tế có 5 năm mài đũng quần ở 2 ngôi trường công của Nhật để đánh giá quá trình quốc tế hóa giáo dục của MEXT như thế nào. Vì mình không chỉ là sinh viên, mà chính là một chủ thể tham gia và làm nhân chứng cho quá trình đó. Điều đó giúp mình vừa khoe được thành tích và hoạt động trong quá trình học, vừa thể hiện được khả năng quan sát, phân tích và kiến thức của cá nhân. Trong 12 ngày đó thực sự là mình đã ăn ngủ cùng bài luận và bài SoP. Lúc đi siêu thị hay trên tàu mình liên tục tự hỏi xem có thể có thêm ý tưởng gì không, làm sao để dàn trải khoe thành tích mà không trùng nhau, mình có điểm đặc biệt gì khác với những người khác nhỉ? 2 năm trước khi nộp GLOCAL mình viết xong hồ sơ sát nút chương trình mà không có nhiều thời gian đọc đi đọc lại, nói chung là trượt cũng rất đáng. Tin mình đi, qua mỗi đêm đọc lại bài sẽ lại thấy một vấn đề mới nảy sinh, hãy cố gắng nộp một bản hồ sơ tốt nhất mình có thể ở thời điểm ấy thì không có nuối tiếc gì cả.
Quá trình chuẩn bị rất căng thẳng vì mình phải làm cả khóa luận tốt nghiệp, nộp hồ sơ tiến sĩ nữa. Nhưng nhờ thật sự có đam mê với chương trình và sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy cô và bạn bè mà mình rất vững tâm. Khi nộp hồ sơ xong trước deadline 4 tiếng lận mình ngồi thừ ra thấy rất thanh thản vì không có gì nuối tiếc cả. Cảm giác khác hoàn toàn với lần apply trước khi mình có cả mấy tháng chuẩn bị nhưng vội vã nộp trước deadline mấy phút và mọi thứ cứ rối tung lên.
Tóm lại, bài học của mình sau khi nộp Erasmus đến lần thứ 2 mới đỗ là tìm được một chương trình phù hợp với bản thân, nghiên cứu thật kĩ chương trình và biết mình mạnh gì yếu gì đặc biệt ở đâu so với alumni của họ. Nghe không có gì mới lạ đúng không vì vẫn là những thứ các bạn được nghe ở nhiều bài chia sẻ khác. Nhưng đúng là phải kinh qua thì mới thấy gật gù. Mỗi người sẽ thành công khi tìm được điểm rơi của mình và nhất định là không được bỏ cuộc, thế nên mọi người đừng sốt ruột nhé ^^ .
Bài chia sẻ dành riêng cho Opty Hunting, mong các bạn nếu sao chép hãy ghi rõ nguồn và tag page vào nhé ❤. Và ping chúng mình để tham gia lớp apply hoặc mentor 1-1.