Kinh nghiệm nộp học bổng Tiến sĩ tại Mỹ

PhD ở Mỹ hay Canada thường là chương trình 𝙏𝙝𝙖̣𝙘 𝙨𝙞̃ + 𝙏𝙞𝙚̂́𝙣 𝙨𝙞̃ 𝙘𝙤𝙢𝙗𝙞𝙣𝙚𝙙, tức kéo dài 5 năm, cũng tương đương như bạn học các chương trình rời 1-2 năm Thạc sĩ rồi nộp tiếp 3-4 năm Tiến sĩ ở các quốc gia khác. Đối với các chương trình Thạc sĩ + Tiến sĩ combined, bạn hoàn toàn có thể nộp khi đang học năm cuối Đại học.

Bài viết dưới đây kể về cách chuẩn bị các thành phần trong 1 bộ hồ sơ nộp PhD ở Mỹ khi đang học năm cuối ĐH của bạn P., hy vọng sẽ hữu ích cho những ai đang tìm hiểu học bổng Tiến sĩ tại Mỹ. Again, bài viết chia sẻ luôn luôn được viết riêng cho Opty Hunting, nên các bạn có repost thì nhớ ghi nguồn và tag chúng mình vào nhé.

——————————————————-

Mình đã apply thành công chương trình tiến sĩ ngành cơ học tính toán (computational mechanics) của đại học Utah (với 100% funding học phí + sinh hoạt phí như mọi chương trình tiến sĩ khác ở Mỹ) và muốn chia sẻ quá trình chuẩn bị hồ sơ cũng như đánh giá độ quan trọng của từng yếu tố trong hồ sơ.

Quá trình chuẩn bị hồ sơ cao học Mỹ của mình bắt đầu từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 12, nhưng thời gian thực chất mình đầu tư vào quá trình chỉ bao gồm 2 tháng.

1. Về các bài thi chuẩn hóa GRE và TOEFL:
Trong vòng 1 tháng (từ đầu đến cuối tháng 9) mình tập trung ôn thi cao độ cho kỳ thi GRE (14 tiếng 1 ngày chỉ luyện verbal vì mình nghĩ toán chỉ cần bỏ ra 3-4 ngày làm quen tay là được đối với những bạn vốn đã học bên kỹ thuật / tự nhiên) và mình sử dụng magoosh cũng như bài thi thử mà ETS cho khi mình đăng ký thi GRE. Vốn mình định dành ra 2 tháng để ôn GRE do mình rất kém verbal nhưng 1 tháng đầu mình chỉ lăn lộn nghĩ làm sao được điểm cao nên chốt lại là không được chữ nào vào đầu, nên tháng 9 mới phải đâm đầu vào học như vậy. Mình thi lần đầu điểm verbal quá thấp nên mình dành tiếp 2 tuần sau khi thi để cố cải thiện điểm verbal bằng cách học từ mới và điểm lần 2 của mình được gọi là tạm chấp nhận được để apply (152V 168Q). Để luyện verbal thì mình luyện đọc từ LSAT (đọc càng khó càng không hiểu thì lên càng nhanh) còn từ vựng mình chỉ học đúng có 1 gói đầu trong app học từ vựng của magoosh (đâu đấy có mấy chục từ nhưng lại hay vào). Vì đã ôn luyện khổ sai nên sau tuần thi lại lần 2 GRE mình thi luôn TOEFL mà không ôn (mặc dù chưa thi TOEFL lần nào, đủ để biết là quá trình chuẩn bị GRE là dư sức để thi TOEFL). Khi các bạn thi TOEFL thì hãy cố gắng đạt điểm nói cao, trên 26 là tốt nhất vì 1 số trường sẽ offer Teaching Asssistantship (TA) thay vì Research Assistantship (RA) mà TA thì 1 số trường sẽ có yêu cầu về điểm tiếng Anh, như trường mình TA yêu cầu nói TOEFL trên 26 hoặc IELTS trên 7.

2. Chuẩn bị Statement of Purpose (SOP), Thư giới thiệu (LOR) và application form:
1 tuần rơi đâu đấy vào tháng 11 mình dành để viết SOP, nhờ bạn mình peer đúng 1 lần rồi nộp, chỉ đạt nội dung nhưng mặt từ ngữ rất là thô (quyết định này rất là liều và mình khuyến cáo các bạn dành nhiều thời gian hơn, thậm chí là nên đầu tư nhiều nhất vào cái này, lý do mình sẽ nêu ở phần đánh giá độ quan trọng của các yếu tố trong hồ sơ).

1 tuần còn lại mình dành để chạy loăng quăng xin các thầy thư giới thiệu. Bạn nên xin thư từ người có ảnh hưởng lên bạn nhất và có thể đánh giá khả năng của bạn tốt nhất. Mình xin 1 thư của thầy cố vấn nghiên cứu (đồng thời thầy cũng từng dạy mình 3 lớp), 1 thầy của bộ môn đã từng dạy mình 3-4 môn và 1 thầy dạy mình môn phương trình vi phân từng phần (thầy này thì mình bí quá không nghĩ ra ai nên mới xin, ngành mình cũng có liên quan đến phần này nên mình nghĩ xin thầy sẽ là quyết định tốt).

Sau đó mình chỉ điền hồ sơ trong vòng 1-2 ngày và thế là mình hoàn tất quá trình nộp hồ sơ. Trong hồ sơ của mình có phần điền giáo sư mình muốn theo nghiên cứu, và vô tình kĩ năng và hướng nghiên cứu của mình lại là thứ giáo sư mình điền trong danh sách mong muốn, nên sau khi nộp hồ sơ được 3 ngày thì mình được giáo sư liên lạc hẹn lịch phỏng vấn. Nhưng theo mình, các bạn nên chủ động liên lạc giáo sư để đảm bảo cơ hội tốt nhất cho mình. Các bạn có thể lên trang của lab của giáo sư các bạn muốn theo nghiên cứu để xem mình có phù hợp không rồi liên lạc và trình bày nguyện vọng của mình (nội dung thư trình bày có thể giống như trong Statement of Purposes(SoP)).

Một chú ý nữa là về vấn đề tên tuổi. Các bạn nên chỉ dùng họ và tên, không điền tên đệm, để đi thi GRE, TOEFL cũng như điền hồ sơ. Mình sử dụng tên đệm để đi thi và điền hồ sơ. Tuy nhiên ở ETS họ có ô tên đệm để điền nhưng ở hồ sơ trường họ chỉ có tên và họ nên mình đã điền tên đệm ở phần tên. Do khác biệt về format tên nên hệ thống trường đã không cập nhật được điểm thi của mình mãi cho đến khi sau hạn nộp hồ sơ 1 ngày. Bên trường mình chỉ lấy đủ chỉ tiêu thì họ ngừng chứ không xét toàn bộ các hồ sơ được nộp, nên có thể bạn là thiên tài nhưng nộp vào hạn chót thì trường cũng không có cơ hội để đọc hồ sơ của bạn.
=> Để quá trình apply (cả admission, học bổng hay visa sau này) được thuận tiện, bạn có thể tham khảo cách điền tên như sau. Ví dụ: tên Nguyen Thi Hong, thì hãy điền family name là Nguyen, và first name là Thi Hong chứ không tách biệt middle name là Thi và first name là Hong.

3. Đánh giá chủ quan về độ quan trọng của các yếu tố trong hồ sơ:
Tiếp theo mình muốn chia sẻ đánh giá của mình về độ quan trọng của những yếu tố trong hồ sơ. Thứ tự sẽ được đánh giá như sau

SoP > GPA = Thư giới thiệu > GRE > Kinh nghiệm nghiên cứu > TOEFL

Với SoP, mình chỉ giới thiệu qua về background của bản thân, còn lại nhấn mạnh về việc mình muốn làm gì, học gì tại ngôi trường/ phòng nghiên cứu mình muốn tham gia, càng cụ thể càng tốt. Bạn cũng nên móc nối background của mình với dự định của mình cho dù có thể nó không quá liên quan (quan trọng nhất là không được nguỵ tạo nội dung để phù hợp với dự định).

Tiếp đến là GPA và Thư giới thiệu. Vì bạn ở bậc cử nhân, không giáo sư nào sẽ có 1 kỳ vọng quá cao về kĩ năng nghiên cứu, nên điều kiện để đánh giá năng lực học sinh sẽ là điểm GPA và thư giới thiệu. GPA các bạn chỉ cần duy trì ở 1 mức tầm tầm (với mình là 3.7) là ổn.
Tiếp theo là điểm GRE. GRE, theo mình, sẽ có vai trò đánh giá khả năng giao tiếp ở tầm chuyên môn để xem bạn có khả năng làm việc ở môi trường đó không. Nghiên cứu có thể sẽ là nghiên cứu theo nhóm, và bạn cũng phải thường xuyên trao đổi với giáo sư nên khả năng giao tiếp là rất cần thiết.

Khả năng nghiên cứu như mình đã nói ở trên, có thì quá tốt, không có thì cũng không sao, vì ở các trường đại học ở Mỹ theo mình được biết, là chỉ có học sinh ở chương trình tài năng mới được làm đồ án.

Cuối cùng là TOEFL. Theo mình nghĩ, nếu điểm TOEFL đã vượt qua được yêu cầu hồ sơ thì mình không cần thiết phải lo về nó nữa.

Trên đây là những kinh nghiệm từ mình. Các bạn có thắc mắc hay câu hỏi gì cứ nhắn/để lại comment nhé.