Kinh nghiệm nộp học bổng du học Pháp

Hệ thống giáo dục Pháp uy tín, chất lượng, học phí ở các trường công lập cũng rất rẻ, cơ hội học bổng đa dạng, và hôm nay Opty Hunting mới tìm được 1 bài viết tâm huyết và chi tiết (nhất mà mình từng đọc trước giờ) về du học Pháp từ anh Trịnh Hải Thắng. Anh Thắng học Thạc sĩ ở Pháp theo học bổng Excellence của chính phủ Pháp; trong bài chia sẻ này, anh Thắng giới thiệu hệ thống giáo dục Pháp, các học bổng ở Pháp và cách thức tìm trường & học bổng, liên hệ giáo sư hướng dẫn đối với các bạn làm nghiên cứu, và cách thức apply (đặc biệt đối với học bổng Excellence). Vì bài viết đã từ năm 2016 nên có nhiều thông tin đã thay đổi (như học bổng Vallet hay Mekong Pharma không còn), Opty Hunting đã xin phép anh Thắng được cập nhật dựa trên khung bài của anh và chia sẻ lại bài viết với các bạn đọc. Mình chắc chắn bài viết sẽ rất hữu ích với các bạn muốn du học Pháp.


Tôi nghĩ đối với một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên đều cho rằng du học là điều gì đấy rất xa vời, không khả thi và ngoài tầm với, chỉ dành cho những gia đình có điều kiện hoặc những bạn rất rất giỏi. Thật nhiều vấn đề cần đắn đo: điều kiện tài chính, tương lai sau đi học sẽ được gì, làm gì, xa sự bảo bọc của gia đình sẽ sống như thế nào, tất cả rắc rối đều phải tự xoay xở, tự quyết định rồi còn khi người yêu bảo hay chúng ta chia tay nhau đi, yêu xa anh/em mình chịu hổng nổi thì sao? Đến một đất nước khác, mọi thứ hoàn toàn khác, từ bảng chỉ dẫn, phong cách sống, hơn cả là ngôn ngữ, người ta thì tiếng Tây xi xô, còn mình thì tiếng Tay kết hợp bồi Tây, nếu bản thân không có sự chuẩn bị sẽ bị sốc văn hóa, cứ như cho một con gà vào một chuồng vịt vậy.

Sau khi đọc những dòng trên mà bạn vẫn muốn đi du học và không e ngại gì, nhất là tại Pháp thì rất tốt, chỉ còn mỗi vấn đề tài chính gây bức bối thì tôi nghĩ bài viết này sẽ phù hợp với bạn.

Có hai con đường để giải quyết, hoặc là dựa vào năng lực tài chính của gia đình, họ hàng bạn, vay tiền ngân hàng hoặc là dựa vào nỗ lực và may mắn chính bản thân bạn, đó là đạt học bổng du học.

Tôi từng may mắn đạt được học bổng du học Pháp cho bậc học thạc sĩ năm hai tại Pháp về hóa học. Đây cũng là một cái kết tốt đẹp cho niềm mong ước được đi học hỏi và trải nghiệm thêm nhiều điều mới lạ từ phương Tây. Riêng về mảng nghiên cứu khoa học, nếu cứ ở mãi trong nước thì sẽ không thể nào hình dung được ở ta còn kém và khá lạc hậu so với thế giới, như ông bà ta đã nói: ếch ngồi đáy giếng. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tôi đã tự rút ra một vài kinh nghiệm nhỏ nay chuyển đến những ai quan tâm đến việc xin học bổng, mong sẽ giúp ích phần nào. Bài viết ưu tiên cho những bạn quan tâm đến bậc học cao (thạc sĩ, tiến sĩ).

Nội dung gồm có 6 phần: 

(click trực tiếp vào các phần mà bạn muốn xem hoặc xem lần lượt từ trên xuống)

Trước khi vào nội dung chính, tôi có lưu ý nhỏ nhưng quan trọng. Khi bạn có kế hoạch du học Pháp, tôi khuyên không nên qua bất kì trung tâm giới thiệu du học nào, vừa tốn tiền mà độ tin cậy không cao. Theo tôi (tôi không quảng cáo), một cách khách quan, dù bạn ở bất kì vùng miền nào trên cả nước, nếu có internet và di động, hãy tìm đến văn phòng CampusFrance VietNam (CFVN): văn phòng chính thức của Đại sứ quán (ĐSQ) Pháp, phụ trách du học sinh Việt Nam tại Pháp. Sau này bạn muốn xin visa du học (ở ĐSQ hay Tổng lãnh sự) hoặc nộp hồ sơ xin học các trường đều phải thông qua CFVN. Nếu bạn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thì rất thuận tiện cho bạn.

Website của CFVN: Trên đấy có đầy đủ thông tin cần thiết về các thủ tục hành chính, hành trang du học. Vào nội dung chính tôi cũng sẽ cần dùng đến website trên nhiều. Chọn vào mục liên hệ để lấy địa chỉ, số di động, email 2 văn phòng chính (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh) hoặc chi nhánh (Huế, Đà Nẵng) để được tư vấn miễn phí, hướng dẫn kế hoạch du học Pháp một cách cụ thể và đáng tin cậy.

Ngoài ra còn có website của ĐSQ và tổng lãnh sự:

I/ Bạn biết gì về du học Pháp? 

Tôi không quảng cáo cho Pháp, nhưng bạn có đồng ý với tôi Pháp là một quốc gia có nhiều cảnh quan đẹp, xanh và công trình nổi tiếng lâu đời thế giới, lâu đài như nấm trải dài khắp cả nước, với những con người sành ăn, khá là lịch thiệp (trừ một số dân nhập cư), bánh mì baguette, fromage. Pháp còn là nợi thích hợp cho những ai yêu thích sự lãng mạn với mùa thu vườn Luxembourg hay đi bộ dọc sông Seine ngắm chiều tà. Mùa đông có tuyết rơi, mùa xuân có hoa đào nở. Thiên nhiên đẹp, kiến trúc đẹp, văn hóa đồ sộ, thật đáng để trải nghiệm và học hỏi. Ngoài ra là một quốc gia nằm trong khối Schengen, tiếp giáp cả Anh, Bỉ, Luxembourg, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Monaco, gần gần thì có Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, vv.. nên chỉ cần có visa du học Pháp là bạn có khả năng thỏa chí du lịch và thưởng ngoạn những nét đẹp của châu Âu.

i) Học phí

Pháp nổi tiếng với học phí giá rẻ, rất rẻ so với Anh, Mỹ, Úc, Singapore, Nhật nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục cao và tiên tiến. Học phí năm học 2019-2020 được áp dụng trong tất cả các cơ sở đào tạo công lập như sau: 2770 € một năm đối với bậc Cử nhân [1], 3770 € một năm đối với bậc Thạc sĩ [1] và Tiến sĩ [2], nhưng chính phủ sẽ hỗ trợ 2/3 mức nói trên, và sinh viên cần tự chi trả 1/3 còn lại (hoặc được miễn giảm thông qua học bổng từ trường hoặc chính phủ hoặc các tổ chức).

Đối với các trường tư, thương mại thì học phí cao hơn bên công lập, chưa kể các khoản phí dịch vụ và phí ghi danh. Nhưng theo tôi, tôi đảm bảo các trường công lập (thường là các trường đại học tổng hợp-đa ngành) cũng đủ hài lòng bạn.

ii) Chương trình đào tạo

Các trường đại học công lập ở Pháp đa phần theo hệ chương trình BAC+8 (BAC = tú tài): 3 năm đại học (licence), 2 năm thạc sĩ (master), 3 năm tiến sĩ (PhD) (nếu ai làm tiến sĩ medicine thì thêm một năm nữa). Đối với các trường kĩ sư 5 năm học tương đương bằng kĩ sư. Bằng kĩ sư ở Pháp được công nhận ngang với trình độ thạc sĩ.

Thạc sĩ có hai hướng cho bạn lựa chọn, thạc sĩ nghiên cứu hoặc thạc sĩ nghề nghiệp. Hai chương trình này khác nhau ở mục đích đào tạo. Thạc sĩ nghiên cứu có vẻ là hướng đi tốt để bạn xin học bổng học tiếp lên tiến sĩ, còn thạc sĩ nghề nghiệp sẽ giúp bạn có kĩ năng và kiến thức để bạn có nhiều cơ hội xin việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Hệ thống giáo dục Pháp Nguồn: http://www.usa.campusfrance.org/en/page/licence-masters-doctorate-and-other-academic-programs
Hệ thống giáo dục Pháp-Nguồn:  https://www.campusfrance.org/en/French-degrees-LMD-equivalences (hình cũ anh Thắng down từ cách đây 4 năm, giờ đã không tồn tại. Opty Hunting cập nhật link mới hơn, tuy nhiên bảng thông tin trong nguồn bằng tiếng Pháp).

Để hiểu rõ hơn nữa về hệ thống giáo dục đại học Pháp, các bạn có thể tham khảo các bài viết trên campusfrance.

Sự lựa chọn chương trình học tùy thuộc mục đích và mong muốn của bản thân bạn, ngoài ra việc bạn được nhận vào chương trình học và trường bạn muốn hay không điều đó lại phụ thuộc vào bản thân bạn, CV của bạn và yêu cầu của nhà trường.

iii) Việc xét tương đương văn bằng ở Việt Nam để du học Pháp

Đối với các bạn muốn học cử nhân, khi bạn đang bắt đầu học ở Việt Nam hoặc đã học được vài năm nhưng đột ngột chuyển dự định sang du học Pháp thì tùy bảng điểm, các môn bạn học, xem có phù hợp với hướng học bạn muốn không thì phía trường nhận bạn sẽ có quyết định cho bạn học từ năm 1 hay học luôn năm 2/năm 3. Ví dụ bạn đang học kinh tế 2 năm, đùng một phát bạn muốn theo học cử nhân nông nghiệp thì người ta phải xem xét lại.

Đối với các bạn muốn học thạc sĩ, vì đại học ở Việt Nam đào tạo mất 4 năm (BAC+4) nên khi xét hồ sơ nhận học, các bạn có 2 sự lựa chọn: hoặc là học 2 năm thạc sĩ như bình thường, hoặc học thẳng năm 2. Bằng cấp của hai sự lựa chọn mang lại đều giống nhau, học 1 năm hay 2 năm bạn đều nhận bằng master. Học thẳng năm 2 thì các bạn tiết kiệm được thời gian, nhưng bù lại đòi hỏi sự nỗ lực gấp đôi để thích nghi và quen với cách học. Tùy theo trường và chương trình các bạn muốn học, khi Campusfrance VietNam (CFVN) gửi hồ sơ của các bạn để xem xét thì có trường sẽ nhận bạn vào học thẳng năm 2 thạc sĩ, hoặc người ta sẽ cho bạn học từ năm 1, hoặc người ta sẽ từ chối không nhận nếu không phù hợp các yêu cầu. Nhưng theo tôi chỉ cần đúng con đường các bạn đang đi, với ngoại ngữ đạt yêu cầu (DELF B1 tiếng Pháp trở lên), bảng điểm khá (tức 7.0/10 trở lên thì đa phần các trường sẽ nhận bạn vào năm 2). Dĩ nhiên còn tùy trường, chương trình học vì quyết định cuối cùng thuộc về nhà trường. Nhưng nếu các bạn học thạc sĩ thì không cần lo lắng quá nhiều vì có nhiều sự lựa chọn dành cho các chương trình bạn quan tâm.

iv) Ngôn ngữ du học

Đến đây tôi nghĩ có bạn sẽ thắc mắc vậy có thể du học Pháp bằng tiếng Anh không? Hiện nay ở Pháp cũng có nhiều chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhất là ở các trường kĩ sư, kinh tế, thương mại. Yêu cầu trình độ tiếng Anh tùy thuộc vào chương trình bạn muốn học nên cũng khó nói ở đây. Tuy nhiên vẫn phải bỏ túi tiếng Pháp (nên A2) để còn biết đọc các loại giấy tờ cần phải làm, các hình thức khuyến mãi khi đi siêu thị, hỏi đường khi đi lạc. Nếu không sẽ khổ sở cho các bạn đấy.

II/ Các loại học bổng nào để du Pháp mà bạn cần biết? 

Về các loại học bổng rất nhiều trang web du học đã đề cập, nay tôi chỉ thống kê lại và thông tin trong tầm hiểu biết của mình. Các loại học bổng sau đây là các loại học bổng chung chung, còn một số loại dành cho các ngành đặc thù như Y, thiết kế thì tôi không rõ.

 i) Học bổng phải nộp xét tuyển, sau đó qua vòng phỏng vấn

  • Học bổng chất lượng cao của ĐSQ (tiếng Pháp và cả tiếng Anh): cho thạc sĩ năm 2, tiến sĩ; bạn có 3 nguyện vọng (3 trường để lựa chọn)
    • Thời hạn cuối nhận hồ sơ: khoảng đầu tháng 1 hằng năm.
    • Bạn ở Pháp hay ở Việt Nam đều có thể xin học bổng này.
  • Học bổng Erasmus Mundus: cho thạc sĩ, tiến sĩ  (đa phần bằng tiếng Anh). Thông tin chi tiết: 
    • Danh sách chương trình hàng năm được cập nhật trên website của Erasmus Mundus.
    • Học bổng này tùy thuộc vào chương trình đào tạo mà bạn muốn học và sẽ có tối đa 4 học kì ở 4 trường khác nhau. Vì vậy yêu cầu của mỗi chương trình khác nhau. Tuy nhiên vì là học bổng quốc tế và dựa vào thành tích học tập xuất sắc, giải thưởng và thành tích nghiên cứu nên cũng sẽ khó đạt. Ít khi nào vừa tốt nghiệp bạn sẽ đạt học bổng này cho bậc học thạc sĩ (trừ khi bạn học thật xuất sắc), đa phần các thầy cô giảng dạy trẻ đi học thạc sĩ (theo tôi biết là như vậy). Chuẩn tiếng Anh thường tối thiểu B2 (6.0-6.5 trở lên).

 ii) Học bổng do trường nhận bạn trước và sau đó nộp để xét tuyển mà KHÔNG CẦN phỏng vấn (bạn PHẢI tự liên hệ với người phụ trách (responsable) chương trình học hoặc thầy cô nào đấy, thầy cô sẽ giới thiệu lại cho responsable, sau đó bạn nộp giấy tờ theo hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ, khoa nhận bạn sẽ gửi lên trường, trường xem xét rồi sau đó gửi lên bên phụ trách học bổng)-Về quy trình xin học bổng tôi sẽ trình bày ở phần III

  • Học bổng Eiffel cho thạc sĩ từ năm 1 hoặc năm 2 và cả kĩ sư (nhìn chung từ 12 tháng đến 36 tháng tùy chương trình học), cũng có tiến sĩ nhưng không nên nộp vì chỉ cung cấp được 10 tháng học bổng
    • Thời gian: bắt đầu từ tầm giữa tháng 10 hằng năm.
    • Đây là học bổng quốc tế có thể nói giá trị khá lớn (trên 1000 €/tháng với các đặc quyền như miễn visa, miễn vé máy bay, tiền học phí, bảo hiểm,..).
    • Học bổng này khó nói về kết quả, vì không phải hồ sơ rất tốt là sẽ được, nhưng không cần phải phỏng vấn và do trường bên Pháp nộp. Cần lưu ý chỉ được gửi hồ sơ 1 lần, nếu thất bại thì năm sau bạn không có quyền gửi lại.
    • Lưu ý: Không được nhờ một lúc hai trường gửi hồ sơ cho bạn, vì khi xem xét bạn sẽ bị loại ngay. Vì thế chỉ chọn mặt gửi vàng vào trường bạn muốn học nhất.
  • Học bổng Ile de france (tôi nghe nói chỉ các bạn thuộc khối pháp ngữ ở Hà Nội và các bạn phải chọn chương trình học tại trường ở vùng Ile de France của Pháp mới được xét học bổng này).
  • Học bổng Paris Saclay dành cho thạc sĩ năm 1 và năm 2 (với điều kiện bạn phải chọn chương trình thuộc trường thành viên của hợp khu Paris-Saclay, dưới 30 tuổi và lần đầu tiên học tại Pháp)
    • Paris Saclay là hợp khu của một số trường lớn hàng đầu, ENS và đại học tổng hợp nước Pháp: gồm trường École polytechnique, Paris Sud, ENS Cachan..).
    • GIá trị 10000 €/năm và không quá 1000 € cho chi phí đi lại.
    • Thời hạn nộp do khoa gửi về ban bình duyệt năm 2020 là ngày 27/05 (Các bạn cần được chương trình Thạc sĩ nhận trước mới được nộp học bổng, và nên liên lạc với thầy cô bên Pháp sớm hơn deadline này để chuẩn bị hồ sơ)
    • List các chương trình master của Paris Saclay có trên website trường
  • Học bổng vùng Rhone Alpes, dành cho các trường nằm ở các thành phố Chambéry, Grenoble, Lyon, Saint-Étienne, Annemasse, Privas, Rovaltain, Bourg-en-Bresse, thạc sĩ năm 2.
  • Học bổng Bourse d’acceuil của vùng Pays de La loire, dành cho licence năm 3.

iii) Một số học bổng khác 

  • Học bổng của tổ chức AUF
  • Học bổng tại các nước nói tiếng Pháp như Bỉ, Canada, Thụy Sĩ
  • Chương trình học thạc sĩ ngành DƯỢC Mekong Pharma (dành cho Việt Nam Lào, Campuchia): hiện không thấy cập nhật kể từ năm 2018.
  • Hằng năm trường École Polytechnique đều qua Việt Nam tổ chức thi tuyển với các môn học bằng tiếng Anh (các bạn học ở các trường Bách Khoa biết rõ nhất), khi vào học trường sẽ hỗ trợ chi phí ăn ở hàng tháng, miễn học phí và nhiều ưu đãi khác.

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm về các loại học bổng khác để đi du học tại Pháp tại trang sau.

Quy định về lợi ích của học bổng, hồ sơ, cách thức xét tuyển, thời gian tương đối hằng năm để nộp các loại học bổng đều năm trong các link đính kèm trên. Nếu các bạn muốn biết thông tin chi tiết từng loại học bổng đã dịch sang tiếng Việt, tôi nghĩ các trang chuyên về thông tin học bổng sẽ phù hợp hơn, các bạn có thể tự tìm hiểu bằng search từ khóa “học bổng trường ABC, quốc gia XYZ”.

III/ Các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ 

Các bạn đều xin được tất cả các học bổng tôi đã nêu trên, tốt hơn là nên rải tất cả học bổng để có nhiều cơ hội.

 i) Xác định bản thân muốn học gì, làm gì sau khi học xong (cần thực hiện trước thời điểm tính đi du học tầm 1-2 năm)

Điều gì làm cho các bạn cảm thấy thích thú, sau này bạn muốn trở thành ai, làm nghề gì, nghiên cứu, giảng dạy hay làm ở các tập đoàn thì các bạn nên cân nhắc, chọn hướng đi cho mình, tin tưởng bản thân và lên kế hoạch học tập, chuẩn bị hồ sơ. 

 ii) Sau khi có động cơ (motivation) thì bạn hãy xây dựng từ bây giờ kế hoạch học tập 

Chọn chương trình học: Sau khi đã xác định bản thân muốn làm và học gì, bạn sẽ tìm kiếm chương trình đào tạo tại Pháp cho phù hợp với nguyện vọng.

  • Đầu tiên vào trang http://www.vietnam.campusfrance.org/vi
  • Nhìn theo dấu mũi tên theo hình dưới đây, ở đó chính là khung tìm kiếm các chương trình học sẽ được đề nghị theo từ khóa (mot-clé) mà các bạn chọn. Gồm 2 mụctrình độ và mot-clé (phải điền từ khóa bằng tiếng Pháp hoặc Anh). Ví dụ, tôi quan tâm đến việc học master tại Pháp, tôi đã chọn trình độ là thạc sĩ, còn mot-clé là hóa hữu cơ (organic chemistry hoặc chimie organique). Ngoài ra tôi có thể chỉ cần điền chemistry/chimie thì sẽ cho nhiều chương trình tổng quát liên quan đến hóa học hơn.
master pro
Thạc sĩ nghề nghiệp (Master professionnel)
  • Kết quả tìm kiếm hiển thị như trên, gồm 13 kết quả. Tại đây các bạn có thể tìm thấy các thông tin liên quan đến chương trình đào tạo của từng trường.
    • Cột Study program: Mô tả tên chương trình đào tạo, nếu là về đào tạo kĩ sư sẽ ghi là diplôme d’ingénieur, còn đào tạo thạc sĩ sẽ ghi rõ thạc sĩ nghiên cứu (Master recherche hoặc Master sciencestechnologies) hoặc thạc sĩ nghề nghiệp (Master professionnel). Ngoài ra các bạn có thể biết thêm tên mentionspécialité (chuyên ngành).
    • Cột kế bên: Cho biết trình độ đào tạo: M2 (Master năm 2), M1, vv
    • Cột City: Tên thành phố nơi trường đặt tại đó.
    • Khung thông tin phía bên phải: Chi tiết về chương trình đào tạo (Study program), thời gian đào tạo, tên trường, thông tin liên lạc, website trường/chuyên ngành để tìm kiếm thêm thông tin khác. Ngoài ra còn đính kèm brochure giới thiệu chương trình và sổ tay sinh viên dưới dạng file pdf.
mastersci
Thạc sĩ khoa học, công nghệ, chuyên ngành hóa hữu cơ: les matériaux au vivant. (hướng về vật liệu), do trường ENS de Cachan đào tạo

Từ công cụ trên các bạn có thể lựa chọn được chuyên ngành mà các bạn ưa thích. Ở mục tìm kiếm contact tôi sẽ nói sơ lại quy trình này.

Ngoại ngữ: Anh, Pháp. Nếu bạn nào muốn học bằng tiếng Pháp thì tối thiểu DELF B1, tuy nhiên bằng cấp càng cao thì cơ hội càng lớn. Đối với các ngành luật, văn học, xã hội học, kinh tế… thì thường yêu cầu trình độ ngoại ngữ đạt mức DELF B2, DALF C1 (chỉ cả tiếng Pháp và tiếng Anh). Ngoài ra các bạn cần luyện tốt kĩ năng nghe, nói để khi vào được vòng phỏng vấn học bông hay khi du học sẽ đỡ bỡ ngỡ. Tiếng Anh tùy thuộc yêu cầu từng chương trình và từng trường.

– CV: Bảng điểm, các cuộc thi, giải thưởng, nghiên cứu khoa học (báo quốc tế), hoạt động sinh viên (tổ chức hoạt động, tham gia đội nhóm, hoạt động tình nguyện, vv..), kinh nghiệm thực tập,.. rất rất nhiều thứ bạn nên chuẩn bị để xin học bổng. Lưu ý điểm số phải ráng từ loại khá trở lên (tức 7.0/10). Nhìn chung thời sinh viên đừng lười biếng, học hết mình chơi hết mình không phải sướng hơn sao? CV càng tốt thì càng có lợi, nhất là thành thích học tập xuất sắc.

– Kĩ năng: Hơn nữa bạn cũng nên tự trang bị một ít kĩ năng như học cách nấu một vài món ăn (như cơm với mì thì không ổn), rèn luyện sức khỏe, tự dọn dẹp, tự lập, bớt phụ thuộc cha mẹ, chuẩn bị tâm lí để còn đi học. Mà trước hết hãy tập tự làm và tự lên kế hoạch để đạt những thứ mà các bạn muốn. 

 iii) Rải hồ sơ

a-Xin mail liên hệ (contact)

Các bạn nào đã tốt nghiệp, ai đã đi làm sẽ được lợi thế có sẵn bằng cấp và chỉ cần nộp hồ sơ. Đối với các bạn năm cuối đại học có ý định xin học bổng du học thì việc liên lạc trước với thầy cô khó khăn hơn.

Thông thường các học bổng sẽ chốt lại vào khoảng tháng 1 năm bạn muốn nhập học. vì vậy việc liên lạc nên bắt đầu sớm hơn, bắt đầu từ khoảng tháng 9, tháng 10 năm trước đó.

Bạn có thể liên lạc thông qua ba cách:

  • Lấy contact thông qua các mối quan hệ của thầy cô hướng dẫn bạn, hoặc nhờ bạn bè, anh chị khóa trên đang học tập tại Pháp đề nghị hoặc giới thiệu giùm.
  • Trường hợp bạn không có ai giới thiệu thì chọn trường, ngành và chuyên ngành bạn muốn học. Sau đó bạn vào website của văn phòng campus france: http://www.vietnam.campusfrance.org/viChọn vào mục “Tìm chương trình đào tạo”, chọn trình độ đào tạo, chọn từ khóa (mot-clé). Sau đó nhìn bên tay phải có thông tin về website của trường/chuyên ngành (hoặc bạn có thể tự search google website của trường + chuyên ngành bạn muốn học). Sau khi tìm được mail của thầy cô hoặc responsable chương trình bạn muốn học, bạn viết mail liên lạc trực tiếp. Hoặc không thì các bạn tìm kiếm từ khóa “Direction des relations internationales” (phụ trách quan hệ quốc tế) + tên trường trên google, sau khi lấy địa chỉ liên lạc thì viết mail trực tiếp cho người ta rồi sẽ tự chuyển đến bên người phụ trách khoa-ngành mong muốn. Ngoài ra các bạn có thể gửi các thắc mắc đến bộ phân quan hệ quốc tế của trường bạn quan tâm để được giải đáp và chỉ dẫn.
  • Hằng năm vào khoảng tháng 10 sẽ có “Ngày hội du học Pháp” ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, các bạn có thể tìm trên google để biết thêm thông tin. Các bạn có thể gặp gỡ trực tiếp đại diện một số trường tại Pháp tham gia.

b-Viết mail

Đầu tiên ghi chào Ông/Bà…,

Sau đó các bạn tự giới thiệu, trình bày nguyện vọng theo học, ghi rõ là bản thân sẽ tốt nghiệp/đã tốt nghiệp vào thời gian nào, đính kèm giấy tờ gồm bảng điểm đến thời điểm hiện tại, CV, lettre de motivation/cover letter (nếu muốn), chứng nhận ngoại ngữ, thành tích nổi bật đi kèm (đã dịch sang tiếng Pháp/Anh). Nếu có thêm thư giới thiệu (lettre de recommandation/ recommendation letter) từ thầy cô phía Việt Nam thì càng tốt. Các bạn trình bày một cách đàng hoàng, lịch sự về việc mình rất muốn học chương trình đó, liệu có phù hợp để nhận bạn không? Có được học master năm 2 luôn hay từ năm 1 (ví dụ). Nếu được thì có hỗ trợ tài chính nào không? Hoặc nếu muốn xin nhận học tiến sĩ và xin fund thì cần chuẩn bị thêm projet de recherche (research proposal) bàn về định hướng và cách thức bạn sẽ tiếp cận đến hướng nghiên cứu của mình như thế nào, sau đó là nêu kế hoạch để đạt được kết quả tốt trong thời gian làm tiến sĩ.

Cuối thư thì các bạn cảm ơn. (Các bạn có thể tham khảo các formule de politesse/polite modals bằng cách dùng google).

c-Trao đổi và chấp nhận hồ sơ

Sau khi trao đổi nếu người ta đồng ý thì làm hồ sơ và bạn cung cấp giấy tờ theo yêu cầu đối với các học bổng không cần phỏng vấn. Nếu bạn chọn được trường thì nên chọn học bổng Eiffel riêng một trường, học bổng Ile de France riêng trường khác, vì các học bổng đó do trường nộp lên, nên tôi nghĩ không biết trường có khả năng cao chỉ xin cho bạn một cái,điều này tôi không chắc nên tôi nghĩ nên chọn các trường khác nhau. Với học bổng chất lượng cao ĐSQ Pháp (HB Excellence) có thể bạn vừa xin Eiffel hay Ile de France, nếu được bạn xin thầy cô hoặc responsable cho bạn cái lettre de recommandation, trong đó ghi là sẽ nhận bạn vào học với điều kiện bạn bạn chắc chắn sẽ tốt nghiệp và hoàn tất thủ tục campus france, như vậy sẽ tăng giá trị hồ sơ xin học bổng của ĐSQ Pháp. Đối với các học bổng không cần phỏng vấn thì sau khi hoàn tất giấy tờ với responsable, các bạn chỉ việc ngồi rung đùi, làm việc tốt để mong gặp may mắn đạt được học bổng.

 d- Vòng phỏng vấn

Erasmus tôi không nộp nên không biết khi phỏng vấn người ta sẽ hỏi gì. Nhưng đối với HB Excellence để xin master, năm tôi người ta đã hỏi như sau:

  • Mở đầu tôi được chọn phỏng vấn theo tiếng Anh/Pháp, sau đó 5′ tự giới thiệu bản thân
  • Sau đó hội đồng người Pháp sẽ đặt câu hỏi quanh CV, lettre de motivation của tôi, về những dự định tương lai, vì sao lại chọn trường này, có thầy cô nào nhận chưa? Vv..
  • Sau đó người ta sẽ hỏi tôi còn nộp học bổng nào khác không? Tôi có thể nói tiếng Anh không (nếu bạn phỏng vấn bằng tiếng Pháp)?
  • Câu hỏi quan trọng: Nếu tôi không được học bổng năm nay tôi sẽ làm gì?
  • Cuối cùng tôi có thắc mắc gì không?

Quan trọng là cách trả lời của các bạn sẽ quyết định một phần kết quả của cuộc phỏng vấn. Hơn nữa học bổng Excellence không chỉ dựa vào hoàn toàn vào phỏng vấn để trao học bổng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thành tích, điểm số, CV của các bạn.

IV) Những lưu ý nhỏ cho hồ sơ 

– Viết mail nhớ để subject, trình bày bản thân là ai trước, sau đó vào nội dung chính, tránh dài dòng.

– CV phải có references, tức là địa chỉ email thầy cô ở Việt Nam đã giới thiệu hoặc ví dụ là giảng viên hướng dẫn đề tài khóa luận, để khi thầy cô bên Tây thắc mắc xin ý kiến về mình còn có địa chỉ để hỏi, nhất là đối với mấy ứng cử viên PhD.

– Đối với học bổng chất lượng cao ĐSQ Pháp (học bổng Excellence) tuy attestation de pré-inscription (giấy chứng nhận tiền ghi danh) là một yêu cầu không bắt buộc, nhưng theo tôi nghĩ hồ sơ các bạn sẽ mạnh lên nhiều khi không dễ để các ứng cử viên khác có. Đối với các bạn ngay thời điểm đó chưa có tờ giấy đó được vì phải thông qua quy trình Campusfrance, vì vậy khi đó các bạn nên xin các responsables tờ giấy lettre de recommandation (recommended letter), trong đó có ghi sẽ nhận các bạn vào học nếu thỏa mãn yêu cầu là sẽ tốt nghiệp (đối với các bạn năm cuối đại học) và hoàn tất thủ tục Campusfrance.

– Theo ý kiến cá nhân tôi, học bổng Excellence, Paris-Saclay có xu hướng trao cho các bạn theo hướng nghiên cứu khoa học; còn Eiffel thì ưu đãi cho hướng đi làm doanh nghiệp. Ngoài ra Eiffel ưa thích cho các bạn học từ năm 1 thạc sĩ hơn là năm 2, và cả may mắn hay xui nữa, đôi khi không phải hồ sơ bạn tốt mà bạn đạt được học bổng Eiffel.

– Các bạn nên chọn trước chương trình bạn muốn, trường bạn thích nhất và dành nhiều thời gian để viết lettre de motivation (motivation letter), projet professionnel (professional project) vì rất mất thời gian và chất xám của mình. Sau đó nhờ thầy cô hay những ai giỏi ngoại ngữ hơn bạn để đọc, góp ý và chỉnh sửa đến khi bạn thấy nó thật súc tích, không sai chính tả và thật đủ ý tứ. Tin tôi đi, từ tháng 9 chuẩn bị là không muộn.

Tôi lấy ví dụ hồ sơ nộp học bổng Eiffel, thầy cô có thể nhận các giấy tờ sau (để hoàn thiện hồ sơ). Hồ sơ (bạn này xin học về nghiên cứu, thạc sĩ năm 1) bao gồm:

  • Lettre de motivation de la candidate (Thư động cơ)
  • Projet professionnel de la candidate (Dự định nghề nghiệp)
  • Curriculum Vitae de la candidate (CV)
  • Relevés de notes des 3 dernières années (Bảng điểm 3 năm học gần nhất)
  • Photocopie du passeport (Bản sao passport)
  • Certificat de concours et d’activités scientifiques (Chứng nhận các cuộc thi và hoạt động khoa học)

V/ Những lưu ý nhỏ về vấn đề dịch thuật 

– Giấy tờ cái nào có sẵn tiếng Anh thì không cần dịch, còn nếu không yên tâm hoặc trường bắt buộc thì dịch sang tiếng Pháp.

– Không cần dịch học bạ THPT nếu đi học thạc sĩ hay tiến sĩ. (Điều này bạn tôi năm nay lên hỏi phía Campusfrance thì lại bắt cần có bảng điểm THPT, nên để cho chắc các bạn nên liên hệ phía văn phòng Campusfrance Việt Nam để hỏi và kiểm chứng lại, còn năm tôi thì người ta bảo không cần).

– Sau này khi các bạn qua Pháp rồi, làm thủ tục xin CAF thường dễ bị gặp vấn đề đối với giấy khai sinh. Có thể do con dấu không hợp lệ (tức là văn phòng tư pháp Việt Nam chỉ có dấu công chứng, trừ các bạn xin dấu ngoài ĐSQ Pháp là khác, chỗ này tôi không rõ), do không phân biệt được họ (NOM), tên (Prénom) trong bản dịch. Vì vậy khi đi dịch giấy khai sinh để cho chắc và nếu suôn sẻ không cần phải dịch lại tại Pháp thì các bạn nhớ yêu cầu chỗ dịch tách rõ HỌ và tên riêng biệt. Còn nếu phải dịch lại, tôi có biết 1 anh ở Pháp tên là Hồ Cao Kiên, văn phòng ở Strasbourg, con dấu hiệu lực toàn nước Pháp. Khi tôi dịch lại thì được bên CAF chấp nhận. Phí dịch khá rẻ, đến thời điểm cuối năm 2014 là 10€/bản và 1,5€ tiền tem thư. Bản dịch sẽ được gửi đến chỗ bạn bằng lettre suivie. Email liên lạc: hk67000@yahoo.com

– Dù dịch ở bất cứ đâu, Việt Nam hay Pháp thì vẫn có xảy ra sai sót, cần phải kiểm tra lại kĩ và đối chiếu thông tin trong bản dịch với bản gốc, nếu sai cứ mạnh dạn yêu cầu chỗ dịch sửa lỗi lại và không mất phí.

VI/ Một số giải đáp quanh hồ sơ học bổng chất lượng cao ĐSQ Pháp (Học bổng Excellence) 

Sau đây là câu trả lời cho một số thắc mắc thường gặp về học bổng Excellence:

  • Như em thấy đề cương chuyên ngành (projet professionnel) (đề cương học tập, đề cương cá nhân) rất quan trọng trong bộ hồ sơ. Vậy em nên viết bao nhiêu trang và viết gì trong đề cương này. Nó có cần phải là Research Proposal?

Tôi xin khẳng định đề cương chuyên ngành không phải research proposal (chỉ dành cho ứng viên xin tiến sĩ). Đề cương này có nhiều cấu trúc khác nhau, nhưng suy cho cùng phải làm bật được mục đích nghề nghiệp sau này của các bạn, phải logic và bật được motivation của chính bản thân bạn.

+ Về nội dung: 

“Đề cương cá nhân phải đảm bảo trình bày sao cho hội đồng giám khảo biết dựa vào những tiêu chí nào thí sinh lựa chọn trường, lựa chọn chương trình học, sự liên quan giữa chương trình đã học trước đấy với nghề nghiệp trong tương lai, cũng như lý do thí sinh lựa chọn đề tài này. Không có nguyên tắc nào được đặt ra, quan trọng là thỏa mãn các tiêu chí nêu trên.” (Theo FAQ của học bổng ĐSQ Pháp).

Các tiêu chí này gần giống với đề cương nghề nghiệp. Còn theo tôi thì đề cương gồm một phần giới thiệu bản thân (quá trình học tâp), các kĩ năng nghiên cứu, hoạt động hoặc training bạn được học và trải nghiệm chính yếu. Tiếp đó là dự định học tập sau này của bạn, bạn sẽ học hỏi được gì khi học chương trình và trường đó. Cuối cùng phần quan trọng nhất là mục tiêu nghề nghiệp, tức là học xong bạn định làm gì? Càng chi tiết về những việc đã học và sẽ học ảnh hưởng đến mục tiêu nghề nghiệp của mình càng tốt. Tôi lấy ví dụ là học xong thạc sĩ thì sẽ học tiếp tiến sĩ, sau đó về giảng dạy, đóng góp vào xây dựng chuyên ngành còn non yếu của đất nước. Nhưng sau cùng tôi nghĩ tốt nhất vẫn nêu quan điểm là quay trở về phục vụ đất nước, nếu thực sự bạn mong muốn vậy thì dễ viết hơn.

+ Về hình thức: viết ngắn gọn, rành mạch, nếu rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu thì người ta sẽ ít đặt câu hỏi ở vòng phỏng vấn hơn (cái này tôi nghĩ vậy vì tôi tự đã từng phỏng vấn). Số lượng trang thì không giới hạn, nhưng tôi nghĩ đây là nộp học bổng nên người ta sẽ không có nhiều thời gian để đọc bài viết dài lê thê, tôi viết chỉ có 1 trang A4 thôi. Tôi nghĩ tốt hơn hết bạn nên gói gọn trong 1 tờ A4, CV thì 1-2 trang, letter of motivation 1 trang.

  • Trong bộ hồ sơ có yêu cầu 1 thư xin học bổng. Em cũng chưa được rõ là nên viết bao nhiêu trang và nội dung nên viết gì?

Thư xin học bổng tôi nghĩ là letter of motivation. Nên viết súc tích một trang, tập trung chủ yếu nội dung dự định bạn sẽ học và làm gì (trước đó cũng nói về bản thân một ít-ngắn gọn), vì sao lại cần dùng học bổng cho việc học của bạn, phục vụ gì cho mục đích của bạn, bạn muốn học gì và trở thành người như thế nào trong tương lai (phải hợp lí và đồng bộ ý với đề cương nghề nghiệp). Đây cũng là cơ sở để người ta đánh giá và đặt câu hỏi ở vòng phỏng vấn.

Các bạn lưu ý là việc lựa chọn 3 nguyện vọng của học bổng Excellence rất quan trọng vì đó sẽ là 1 trong 3 trường bạn phải học nếu bạn đạt học bổng. Nhưng không bắt buộc bạn phải có hết 3 nguyện vọng (NV) đó. Xếp theo thứ tự ưu tiên đối với bạn từ trên xuống, NV1 dành cho chương trình bạn thích nhất, rồi từ đó bạn viết nội dung thư xin học bổng và dự định nghề nghiệp, chỉ cần 1 thư cho mỗi loại chứ không cần 3 thư cho 3 trường.

  • Em đang học ở nước ngoài có nộp được không?

Chắc chắn được, dù bạn đang học ở bất cứ đâu, miễn bạn đảm bảo đủ các giấy tờ yêu cầu, nộp trước thời hạn quy định và chắc chắn phải có hồ sơ giấy nộp về văn phòng học bổng. Năm 2013 tôi biết có một đàn anh đang học ở bên Pháp vẫn được học bổng, ngoài ra năm tôi thì tôi nhớ không lầm khoảng 3-4 bạn đang học tại Pháp đạt được.

Và đừng bao giờ từ bỏ hi vọng khi nghe kết quả từ tháng 4 của học bổng Excellence. Hãy tin tôi, vì biết đâu đến tháng 8 bạn lại được biết tin mình được nằm trong danh sách “đậu vớt“, tôi biết có nhiều trường hợp may mắn như vậy và đã khuyên như thế. Vớt cũng được, không cần tự ti như một số bạn đã từng nói với tôi, quan trọng là bạn không phải lo lắng gì nữa cho giấc mơ du học Pháp của chính bạn. Nếu chẳng may không đạt được thì cũng không sao, hãy tiếp tục nộp cho năm sau, rèn luyện những kĩ năng tốt hơn để có CV tốt hơn và tìm hiểu kĩ hơn các loại học bổng khác.

Đi đi rồi các bạn sẽ được mở mang nhiều thứ, chí ít cũng tự thấy bản thân mình đã trưởng thành được một ít và sau này nhìn lại cũng đỗi tự hào. 

Lời kết: Tôi chỉ mới được trải nghiệm 1 năm du học Pháp chứ không được như các bạn khác, các anh chị từng học hơn 5 năm, 8 năm, và đi làm, đã sống hơn chục năm tại Pháp nên bài viết chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị để đạt học bổng du học và mong bài viết sẽ hữu ích phần nào cho các bạn. Mọi đóng góp về nội dung và thắc mắc vui lòng các bạn bình luận (hoặc gửi về email trinhhaithang06@yahoo.com) để bài viết được hoàn thiện hơn và thể hiện sự hữu ích của nó. 

Trân trọng.