Chị Trần Thị Ngọc Phương là cựu sinh viên tại chương trình Thạc sĩ International Master of Science in Aquaculture, Đại học Ghent (UGENT) ở Vương quốc Bỉ (châu Âu) theo học bổng toàn phần chính phủ Bỉ VLIR-UOS khóa 2017 – 2019. Bài chia sẻ dưới đây về cuộc sống học tập ở UGENT hy vọng sẽ hữu ích với các bạn đang tìm hiểu về du học Bỉ hay châu Âu, hay du học thạc sĩ nói dung, đặc biệt với các bạn học nuôi trồng thủy sản. Opty Hunting rất cảm ơn chị Phương đã đồng ý chia sẻ với bạn đọc của trang <3.
Mình viết những dòng này khi mình vừa xong bảo vệ luận văn thạc sĩ, nên những cảm xúc sẽ còn nguyên vẹn và chân thành hơn lúc nào hết. Vì đây chỉ là cảm nhận mang tính cá nhân, nên nó sẽ đúng với một số người và khác với những người còn lại. Thêm nữa, ngành học của mình ở đây là INTERNATIONAL MASTER OF SCIENCE IN AQUACULTURE, nên mình sẽ chỉ nói những suy nghĩ về chương trình học của mình thôi. Do đó, bài viết này không mang tính chất đại diện cho những người đã học ở đây. Mình hi vọng những chia sẻ của mình có thể giải đáp những lăn tăn của các bạn đang có ý định sang Ghent University (UGENT) du học. Hơn nữa, mình viết ra đây để lưu lại cảm xúc hiện tại, về sau này lại có thể lấy ra, xem mình đã trải nghiệm được gì ở nơi đây.
VÌ SAO CHỌN GHENT UNIVERSITY?
Thành thật mà nói, do mình không có điều kiện đi học tự túc nên đã tìm hiểu về các học bổng toàn phần cho 2 năm thạc sĩ cho ngành nuôi trồng thủy sản, và tình cờ biết đến UGENT thông qua học bổng VLIR-OUS cho các nước đang phát triển. Sau khi tham khảo các điều kiện của học bổng thì mình quyết định nộp để thử vận may, hì. Về sau này, mình biết được UGENT là trường hàng đầu của Bỉ và nằm trong top 100 thế giới, bao gồm nhiều lĩnh vực từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng, nên mình cũng thấy tự hào và may mắn vì được vào học ở đây. Trường có nhiều campus nằm rải rác ở thành phố, nên đi đâu mình cũng dễ dàng nhìn thấy ‘Universiteit Gent’.
Trong campus có nhà ăn, có quầy bánh mì và quầy đồ ăn nóng (như cá, thịt, salad, cơm, khoai tây…), khi mua đồ ở đây cần phải dùng thẻ sinh viên để được giá như đã niêm yết trên từng món ăn, nếu không thì sẽ phải trả mắc hơn gấp 3-4 lần. Có thể trả bằng tiền mặt hoặc dùng tài khoản điện tử E-purse của trường thông qua thẻ sinh viên để thanh toán. Lưu ý, E-purse chỉ dùng để thanh toán cho các dịch vụ ở trường Ghent như in ấn và trả tiền ăn thôi.
CHƯƠNG TRÌNH HỌC
Chương trình học của mình thì không quá nhàn cũng không quá nặng đến mức mỗi ngày phải học từ sáng đến tối. Thời khóa biểu sẽ nằm gọn trong 5 ngày của tuần, thứ bảy và chủ nhật được nghỉ. Thời gian thi học kì cũng như deadline của các bài báo cáo sẽ được phổ biến rất sớm, nên chỉ cần mình chủ động sắp xếp thời gian thì không cần phải thức thâu đêm chạy deadline.
Các môn học thì có vài môn tương tự như hồi mình học đại học (mình học ngành thủy sản của trường Đại học Cần Thơ), nhưng sẽ đi sâu hơn và lượng kiến thức của 1 buổi học cũng nhiều hơn. Trong lúc giảng bài, giáo sư hay nói thêm những kiến thức không có sẵn trong bài giảng, nên nếu vắng 1 buổi thì rất thiệt thòi cho kì thi. Vì học chung với các bạn ở nước khác, và có người không có background về thủy sản, họ có những thắc mắc về 1 vấn đề mà có thể trước giờ mình cứ mặc định nó là như vậy cho đến khi giáo sư giải thích, nên mình cũng học hỏi được nhiều hơn. Ngoài học ở trên lớp, chương trình mình có nhiều môn được làm thí nghiệm, đi tham quan thực tế, có môn được đi sang nước khác cả tuần luôn (rồi về viết báo cáo, haha), nên nhìn chung là có thể liên kết được lý thuyết và thực tiễn.
Hình thức thi chủ yếu là thi cuối kì, có những môn yêu cầu làm báo cáo hay thuyết trình để lấy điểm phụ, không có thi giữa kì như hồi đại học của mình. Và tất nhiên, thi học kì là 1 trận chiến kịch liệt nhất với chính bản thân mình. Lịch thi thường kéo dài 1 tháng với 6 hoặc 7 môn, nên trung bình 1 tuần sẽ thi 2 môn, mỗi môn cách nhau 2-3 ngày. Nội dung thi thì rất chi là đơn giản, ‘tất cả những gì thầy đã dạy trên lớp’. Thêm nữa, 2-3 ngày đối với mình khá gấp rút để học 1 môn và thường trước kì thi sẽ có thời gian nghỉ lễ (như giáng sinh và năm mới hoặc Easter), nên mình hay học trước trong thời gian nghĩ lễ, đến khoảng trống giữa 2 môn thi thì mình sẽ ôn lại môn sắp thi ‘nhiều’ lần nữa. Như mình nói, đây là 1 trận chiến, nên quan trọng phải là phải giữ sức khỏe, tâm trạng thoải mái, nếu học không vô có thể đi dạo hay đi ngủ cho khỏe đầu óc rồi lại học tiếp. Không nên quá căng thẳng vì rất dễ dẫn đến trầm cảm, do trong thời gian này bạn bè cũng ít gặp nhau để trò chuyện giải khuây. Nếu lỡ không may thi trượt môn, vẫn có kì thi lại vào tháng 8, và việc bị trượt môn ở đây cũng rất bình thường (nhưng đừng trượt quá nhiều), có khi thi lại mà còn được điểm cao nữa ấy. Nên cứ lạc quan lên nha! Học kì cuối cùng sẽ là học kì làm luận văn (30 tín chỉ), 3 học kì đầu tiên mình chỉ cần học trên lớp thôi, không cần phải lên phòng thí nghiệm học hỏi kinh nghiệm gì cả. Vào cuối năm đầu tiên thì mình sẽ chọn đề tài luận văn, có thể là đề tài bạn tự nghĩ ra hoặc đề tài có sẵn từ những giáo sư đã giảng dạy trong chương trình.
Thang điểm cho mỗi môn là 20, những môn có 2 3 giáo sư dạy thì sẽ thi riêng từng phần của từng người dạy. Và tỉ lệ cho điểm thường là chia đều cho mỗi phần, nên nếu trung bình của các phần bạn được trên 10/20 (là qua môn) nhưng điểm thành phần dưới 10 thì vẫn bị tính là trượt.
Giáo sư hay nhân viên ở đây rất vui vẻ, luôn tạo môi trường thân thiện để giảm áp lực, căng thẳng cho sinh viên. Vậy nên học không hiểu gì có thể vô tư hỏi, có thắc mắc về hành chính hay thủ tục gì cứ email, có người từng nói với tụi mình ‘không có câu hỏi nào ngu ngốc cả’. Ngay cả lúc làm luận văn, mình cũng không thấy áp lực gì, vì nếu thí nghiệm ra 1 hướng mình không mong muốn, giáo sư sẽ gợi ý những hướng đi tiếp theo để giải quyết vấn đề, và hơn hết, họ tôn trọng nổ lực và cố gắng của mình.
Điều quan trọng nhất, mình chọn học thạc sĩ vì ngoài việc nâng cao thêm kiến thức chuyên ngành, mình còn muốn phát triển và khám phá bản thân. Vậy nên không phải lấy bằng thạc sĩ là mình phải biết tất cả, phải thuộc nằm lòng những kĩ thuật hay cách vận hành máy móc ra sao, mà là cách mình tư duy và nhìn nhận về 1 vấn đề. 1 người anh đã nói với mình 1 câu rất hay, ‘họ không dạy mình biết tất cả, họ dạy mình biết cách giải quyết vấn đề đó như thế nào; google không tính phí, chỉ cần biết keywords mà thôi’.
CUỘC SỐNG Ở GHENT
Khi vừa đến Ghent, mình như kiểu: ồ, đúng là châu Âu rồi. Đó là những tòa trông cổ điển, không quá mới không quá cũ kĩ, là dòng kênh có cây cầu bắc ngang, là tiếng chuông nhà thờ điểm 12h trưa. Và hơn hết, lúc mình mới sang (tháng 9), Ghent rất hay mưa! Có thể vì không khí bên đây hơi khô, nên nếu bị ướt mưa thì cũng nhanh khô lắm, ra đường mùa này nên mang dù (ô) vì không đoán được khi nào sẽ mưa. Mình trải qua 2 mùa đông đều có tuyết trắng xóa, thích lắm, nhưng cũng lạnh lắm, thường vào tháng 1, tháng 2, nên trang bị mũ len, gang tay chống thấm nước, áo giữ nhiệt, giày boot chống thấm nước và chống trượt là cần thiết.
Ghent là một thành phố tương đối yên bình, là thành phố của sinh viên nên hay có những hoạt động cho sinh viên như kick-off vào đầu năm học, party ngoài trời sau kì thi, hay bar pub thâu đêm (nhộn nhịp nhất là vào thứ 5 hàng tuần vì thứ 6 sẽ có nhiều bạn chạy về nhà ba má vào cuối tuần). Vào các dịp lễ tết thì sẽ dựng sân khấu, có các quầy trò chơi và đồ ăn, không khí sẽ nhộn nhịp hẳn lên. Ở đây học nói tiếng Hà Lan, nhưng đa số vẫn nói được tiếng Anh nên ngôn ngữ cũng không phải là rào cản quá lớn cho các bạn sang đây du học. Mình cảm nhận ở đây người ta rất biết tận hưởng cuộc sống, họ làm hết mình rồi tận hưởng cũng… hết hồn. Đa số các cửa hàng đóng cửa vào 6h chiều và chủ nhật hàng tuần, siêu thị thì đóng cửa lúc 8h tối, có những siêu thị mở cửa vào chủ nhật nhưng sẽ nghỉ 1 ngày khác trong tuần. 1 năm có rất nhiều ngày nghỉ, có đủ thời gian để sinh viên như mình lên kế hoạch đi chơi đây đó.
Ở đây người ta chạy xe đạp khá nhiều, khi mình sang đường ở những nơi không có đèn giao thông, thì xe đạp và xe hơi sẽ dừng lại nhường người đi bộ, xe hơi sẽ dừng lại để nhường xe đạp. Nếu đi xe đạp thì chú ý không chở người, phải có đèn trước và sau vào ban đêm, nếu police bắt gặp thì sẽ bị phạt (hình như khoảng 40eu). Ngoài ra, các phương công cộng cũng khá nhiều như train (để di chuyển giữa các thành phố, vẫn có train đi qua Paris hay Amsterdam), bus và tram để di chuyển trong thành phố. Bus và tram thuộc cùng 1 hãng Delijn nên 1 lượt vé có hiệu lực trong 1 tiếng đồng hồ, mình có thể đổi từ bus này sang bus kia, từ bus sang tram gì thoải mái. Có thể mua vé 10 lượt sẽ rẻ hơn là vé 1 lượt, đối với vé bus hay vé train. Giá vé train sẽ được tính khác nhau theo độ tuổi, dưới 26 tuổi sẽ rẻ hơn, 1 lượt vé bạn có thể đổi từ tàu này sang tàu khác nhưng phải cùng tuyến đường mà bạn đã ghi trên vé (đối với vé train 10 lượt) hoặc in sẵn trên vé 1 lượt.
Về nhà ở, mình ở 2 năm trong kí túc xá (ktx) của trường, hơi xa campus mình học nhưng vì đi xe đạp nên cũng không thành vấn đề. Phòng ktx là phòng đơn, có giường có nệm, có bàn học, đèn học, có tủ lạnh mini, có phòng tắm nước nóng lạnh, có máy sưởi bằng điện, cửa sổ thông thoáng. Nhưng mùa hè ở đây tương đối nóng nên cũng cần trang bị 1 cây quạt vào mùa hè (tháng 7-8). Bếp nấu ăn chung, 1 tầng sẽ có 3 nhà bếp, mỗi nhà bếp tương đối rộng, có 2 tủ bếp riêng cho từng phòng, 4 chậu rửa, 2 bếp nấu (mỗi bếp có 4 chỗ nấu) và ít khi xảy ra trường hợp không có chỗ nấu, những ngày trong tuần sẽ có người đến lau dọn bếp và hành lang. Có thang máy di chuyển lên xuống, ra vào bằng thẻ từ. Còn nếu bạn cảm thấy giá phòng ở ktx hơi cao thì có thể thuê những nhà trọ bên ngoài, thường là phòng đơn, nhà tắm và nhà bếp chung, chỉ cần chú ý khi thuê nhà là hỏi xem nhà đó có thể dùng địa chỉ để đăng kí thẻ cư trú hay không.
Chi phí tiêu dùng cho thức ăn và những vật dụng cần thiết hằng ngày cũng không quá cao, nếu không ra ngoài ăn thường xuyên, chăm nấu ăn 1 chút, không sắm hàng hiệu thì trung bình mình tiêu 1 tháng 200-250eu. Ở đây vẫn có nhà hàng Việt Nam, hay các nhà hàng châu á khác, có siêu thị châu á để mình mua gạo, các nguyên liệu nấu ăn như nước mắm, nước tương, bún khô, mì gói, mắm ruốc, mắm cá,… đều có. Ngoài ra, hầu hết các shop đều cho tính tiền bằng thẻ ngân hàng, nên mình không cần phải để tiền mặt quá nhiều trong người, chỉ cần tờ 5eu hay 10eu để đi giặt đồ là được. Có những tiệm giặt đồ bên ngoài, gần ktx, 1 máy giặt khoảng 7kg, và 1 máy sấy quần áo. Giá giặt khoảng 5eu-6eu cho 1 lần giặt và sấy, nước giặt và nước xả mình tự chuẩn bị.
Dịch vụ y tế, trường có dịch vụ khám chữa bệnh cho sinh viên (University Medical Service), mình chỉ cần đặt lịch hẹn online, đến gặp bác sĩ ở đó khám rồi lấy đơn thuốc, ra hiệu thuốc mua và xin hóa đơn. Sau đó về claim lại bảo hiểm để được trả tiền. Bảo hiểm của mình (MARSH) không bao gồm làm răng, cắt kính cận hay tiêm vaccine, chỉ dành cho những trường hợp bắt buộc phải khám chữa bệnh bên này.
Về mua sắm, lâu lâu tự thưởng cho bản thân 1 cái đồng hồ, 1 cái váy mới hay 1 thỏi son mới cũng không gì là quá đáng nhỉ. Ở đây có những con đường mua sắm, hay bên chỉ toàn là shop quần áo, mỹ phẩm, nước hoa, giày dép. Vào mỗi dịp đầu hè (tháng 6) hay dịp giáng sinh (tháng 11), sẽ có giảm giá đồng loạt ở các shop, đây cũng là lúc mọi người mua sắm nhiều nhất, nếu may mắn bạn sẽ mua được những món đồ tốt với giá rẻ hơn nhiều lần.
SẮP RỜI GHENT…
Có một tập hợp những cảm xúc vui buồn lẫn lộn xuất hiện khi mình đang dọn dẹp để chuẩn bị về Việt Nam. Một chút hào hứng vì sắp được về nhà, được ăn món mẹ nấu, tiếp tục thực hiện những dự định sắp tới; một chút tiếc nuối vì sắp rời khỏi nơi đây, những con người mình gặp, những kỉ niệm mình có ở đây, không ít thì nhiều cũng là những thứ đáng nhớ.
2 năm ở Ghent, mình đã thay đổi nhiều: Tuổi tăng, cân tăng, suy nghĩ tích cực hơn, có nhiều bài học hơn, duy chỉ có chiều cao là vẫn vậy (T.T). Hỏi mình sẽ nhớ Ghent? Có chứ, đó là con đường tới trường rợp bóng cây bên con kênh bé xíu; đó là làn gió lành lạnh những ngày đầu thu làm mình nhớ Tết Việt như điên dại; đó là những ngày tuyết phủ trắng xóa, mình tí tởn như 1 đứa dở hơi trên đường đời tấp nập; đó là những con người lúc nào cũng niềm nở, không có vấn đề gì là không thể giải quyết; đó cũng là những ngày ngồi ăn kebab mà nhìn mâm cơm Việt trên màn hình vi tính để tưởng tượng như đang ăn cơm nhà. Đi học xa nhà có cái những niềm vui và khó khăn rất riêng như vậy, riêng cho mỗi cá nhân, không ai cảm thấy giống ai cả. Hỏi mình có muốn quay lại nơi này? Có chứ, như 1 chuyến về thăm lại người bạn cũ, người đã chia ngọt sẻ bùi trong suốt 2 năm cuộc đời mình, ngắn thôi nhưng chắc sẽ vỡ òa.
Vậy đó, cuộc sống đôi khi rất kì diệu, rồi sẽ đến lúc những điều chúng ta chờ đợi trở thành sự thật. Nên hãy trân trọng hiện tại, đừng bao giờ ngừng cố gắng, cứ đi đi vì mỗi con đường đều có ngã rẽ, đi nhầm ngõ cụt thì đi lại ngã khác. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình và bạn, những con người không ngừng nuôi dưỡng ước mơ!
Hình ảnh Ghent, Bỉ trong bài được down từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.