(Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân, cảnh báo bài dài)
ĐỂ MỖI HÀNH ĐỘNG LÀ MỘT SỰ CỐ GẮNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Xin chào, mình là Minh, cựu sinh chương trình eMpowering Youths Across ASEAN (EYAA) năm 2023. Bài viết này mình xin phép được chia sẻ các thông tin và trải nghiệm cá nhân trong chương trình này. Mình sẽ cố gắng viết đầy đủ và ngắn nhất có thể. Mong mọi người không nản sau khi đọc xong :))), và sẽ mạnh dạn ứng tuyển cho chương trình EYAA 2024 hiện đang mở đơn tới 3/3/2024 với sự tài trợ toàn phần.
I. Giới thiệu chương trình
EYAA là chương trình thường niên của Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation), đồng tài trợ bởi Quỹ Maybank (Maybank Foundation), được tổ chức từ năm 2018 tới nay với mục tiêu phát triển các sáng kiến khu vực nhằm đẩy mạnh sự tham gia của thanh niên ASEAN trong việc dẫn dắt các thay đổi có ý nghĩa trong khu vực. EYAA tập trung vào 4 lĩnh vực: Nghệ thuật và Văn hóa, Xây dựng Cộng đồng, Giáo dục, Môi trường (chủ đề mà mình đăng ký năm 2023 là Môi trường).
II. Các hoạt động trong chương trình
1. Xây dựng đề án trực tuyến
Khi tham gia chương trình, mọi người sẽ được xếp nhóm với các bạn ở các nước ASEAN để học tập + thảo luận trực tuyến xây dựng đề án cho dự án cộng đồng trong khoảng 2 tuần. Việc xếp nhóm này sẽ dựa trên đơn đăng ký của các bạn và đây cũng sẽ là nhóm mà bạn sẽ chung sống cùng cho 2 tuần làm dự án trực tiếp ở 1 nước ASEAN (năm của mình thì các dự án trải dài tại 5 nước: Cambodia, Indonesia, Malaysia, Phillipines và Singapore). Đừng cảm thấy lo lắng nếu bạn nghĩ mình đơn độc ở giai đoạn này, sẽ có các tổ chức xã hội dân sự (CSO) hoặc doanh nghiệp xã hội ở địa phương (SE) giúp bạn xây dựng đề án thành công cũng như đảm bảo việc ăn ở của bạn khi triển khai dự án trực tiếp vào tháng 7.
2. Phát triển bản thân
Sau khi nộp đề xuất vào tháng 6, các bạn sẽ tham gia một loạt các chương trình, hội thảo đào tạo xây dựng năng lực cá nhân, các yếu tố tạo nên một dự án thành công trong một tuần của tháng 7 tại đại học Chulalongkorn (Thái Lan). Các buổi huấn luyện này là một cơ hội tốt để bạn tận dụng thảo luận và kết nối với các bác lãnh đạo ở Quỹ ASEAN, Quỹ Maybank cũng như các giáo sư, diễn giả đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau (thời điểm này, kiến thức mới mà mình nạp vào là về tài chính và kinh tế). Buổi cuối cùng ở Thái Lan, các nước sẽ trình diễn văn nghệ để giới thiệu văn hóa nước mình. Năm ngoái, đoàn Việt Nam chọn nhảy bài See Tình + Bo xì bo của Hoàng Thùy Linh, mặc dù không chuẩn truyền thống như mọi người vẫn hay mặc định nhưng mình nghĩ buổi trình diễn đã đạt được mục tiêu là khiến mọi người hào hứng (dù đây là phần trình diễn cuối cùng). Bên cạnh các buổi học tập ban ngày, buổi tối, các đoàn cũng rủ nhau khám phá Bangkok. Đây cũng là thời gian mà đoàn Việt Nam chúng mình được ở cùng nhau.
3. Thực hiện dự án cộng đồng
Như đã nói ở trên, mỗi nhóm thực hiện dự án sẽ bao gồm các bạn đến từ các nước ASEAN khác nhau và mỗi dự án có thể được thực hiện ở các nước Cambodia, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore và Thái Lan. Dự án mà mình tham gia có tên là Danger to Dear (D2D) ở Kinta Nature Park, Malaysia dưới sự hướng dẫn tận tình của SEAD (SE của chúng mình trong chương trình này). Tùy vào mỗi dự án mà điểm đến của người tham gia sẽ khác nhau. Nơi mà mình ở điều kiện khá khó khăn. Mình đã sống trong 2 tuần không dùng nổi mạng, sóng điện thoại, không chỗ giải trí và thỉnh thoảng còn mất điện. Nghe người dân kể, mấy năm trước làng còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng mình thực sự biết ơn vì được đến nơi này bởi trước khi đi, mình mong muốn được làm dự án ở địa phương càng khó khăn càng tốt. Công việc của chúng mình là hỗ trợ SEAD giải quyết tái tạo 60 ha đất sỏi đá do từng được khai thác quặng thiếc và cải thiện chất lượng nước đồng thời xử lý tình trạng xâm lấn bèo ở hồ trung tâm – khu vực dự trữ quan trọng của các loài chim và các sinh vật dưới nước thông qua giáo dục và truyền thông. Sau 2 tuần làm dự án trực tiếp, mình học quá trời các bài học: từ kiến thức môi trường, kinh doanh, việc vận hành một dự án của các anh chị sáng lập tổ chức, sự chuyên nghiệp khi tham gia bất cứ hoạt động nào đến suy nghĩ cho từng lời nói, hành động của bản thân. Ngoài ra, đây cũng là lúc mình sử dụng các kinh nghiệm trong sư phạm để kết nối với dân làng khi hai bên dùng hai ngôn ngữ giao tiếp khác nhau.
Kết thúc 2 tuần quý giá ở Malaysia, chúng mình nộp lại nhật ký ghi lại hành trình vừa qua và tiếp tục hoạt động trực tuyến cho đến tháng 11. Lúc này, bọn mình cần cùng nhau viết báo cáo cho chương trình cùng với SEAD. Báo cáo sẽ bao gồm ảnh, video cho mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tik Tok), Youtube cùng bài viết trên chục trang. Sau khi ban tổ chức nghiệm thu xong thì chương trình chính thức khép lại cùng với email gửi giấy chứng nhận tham gia chương trình.
III. Kinh nghiệm của mình
1. Vòng hồ sơ
Bạn sẽ cần phải điền khá nhiều thông tin trong vòng này, tốt hơn hết hãy viết hết ra Word trước rồi sau đó mới viết vào đơn hệ thống sẽ không lưu lại bản nháp. Năm ngoái, mình phải viết 2 bài luận, mỗi bài dài 300 từ (năm nay bạn chỉ cần viết 1 bài trong khoảng từ 300 – 500 từ trả lời các câu hỏi được cho sẵn). Để hoàn thiện phần này, bạn nên lập dàn ý, viết hết ra những gì mà bạn nghĩ rồi sắp xếp lại sao cho liền mạch nhất. Hãy luôn nhớ rằng bạn muốn chương trình nhưng chương trình cũng cần bạn nên đừng nghĩ rằng mình sẽ không làm được nhé. Đây là chương trình về phát triển cộng đồng nên khi điền các thông tin liên quan tới kinh nghiệm trước đây, hãy lựa chọn những chương trình nào thể hiện rõ nhất vai trò của bạn trong cộng đồng, chứ đừng điền những sự kiện không liên quan nhé, đẹp nhất là những sự kiện đó có liên quan đến nội dung trong bài luận và vòng phỏng vấn của bạn.
2. Vòng phỏng vấn
Năm của mình là quay video trực tuyến trả lời câu hỏi phỏng vấn được gửi trước đó rồi nộp lại theo đường link. Ưu điểm của việc này là mình không cần phải đi đâu cả, mình cũng có thể viết trước kịch bản những điều mình muốn nói và quay tới khi nào mình ưng ý thì dừng. Nhưng nó cũng khá bất tiện vì thời gian mình được nói chỉ gói gọn trong 3 phút mà phải trả lời tận 3 câu hỏi (mình đã phải vận dụng cả IQ, EQ và AQ thì mới quay xong chiếc video thứ 17)
3. Chương trình trực tuyến
Trước khi sang Thái, bạn cần tham gia các buổi thảo luận trực tuyến nên hãy đảm bảo là đường truyền mạng của bạn ổn định để nói chuyện với mọi người dễ dàng nhé. Bạn cũng cần lưu ý là chương trình có thể sẽ ảnh hưởng tới công việc hiện tại của bạn nên nếu đã xác định đi là phải làm nhiệt tình đến cùng nha.
4. Chương trình trực tiếp
Đây là chương trình được tài trợ toàn phần, trước khi đi bạn sẽ cần chi trả trước phí mua bảo hiểm du lịch tới các nước trong ASEAN, tuy nhiên khoản tiền này sẽ được hoàn trả khi bạn tới Thái Lan. Các bạn ở Việt Nam sẽ chỉ cần dùng hộ chiếu để nhập cảnh vào các nước trong ASEAN nên hãy làm hộ chiếu sớm nhất có thể và kiểm tra thật kỹ các thông tin trong hộ chiếu. Mình đã có trải nghiệm nhớ đời khi thông tin trong hộ chiếu cũ bị in sai, báo hại phải làm lại hộ chiếu mới, may mà vẫn kịp để nộp lại vào giờ chót.
Thời tiết vào mùa hè ở các nước ASEAN nhìn chung khá giống nhau nên trước khi khởi hành, hãy đảm bảo là bạn mang đủ đồ cần thiết để tránh nắng, mưa, muỗi và thuốc phòng trường hợp cảm cúm nhé. Chi phí cho đồ ăn, uống và quà tặng cũng không quá đắt nên nếu muốn mua về cho gia đình thì bạn nên đổi trước tiền ở Việt Nam rồi sang đó mua nhé. Ban đầu mình cũng đổi tiền ở Phố Hà Trung mà sau đó thấy cái gì ở Việt Nam cũng có hết nên chẳng mua cái gì đem về cả. Mấy đồ ăn vặt theo cảm nhận cá nhân của mình thì không khác gì mua ở Việt Nam hết nên thay vì đem về thì mình đem quà Việt Nam mang sang tặng các bạn. Cũng nên tính đến việc mua sim mà có thể nghe gọi và dùng mạng được ấy, mình mua sim chỉ dùng được mạng do tự tin đã chuyển sim Viettel sang vùng quốc tế nên đến lúc cần dùng thì không có cái nào dùng được hết. (Trộm vía) May là có các bạn trong nhóm giúp đỡ chứ không ngơ như mình chắc sau đó khỏi về quá.
Ở Thái Lan, tất cả mọi người sẽ cùng ở trong một khách sạn trong 1 tuần. Trong quá trình ở Bangkok, nếu bạn muốn ăn chơi nhảy múa gì thì cứ tham khảo các bài chia sẻ trên mạng hoặc hỏi luôn các bạn Thái Lan trong chương trình nhé (chú ý là nhớ kiểm tra giờ mở và đóng cổng các chùa nếu bạn muốn ghé qua đây). Sử dụng tàu (MRT) ở Bangkok vừa rẻ vừa thuận tiện nên hãy cứ nhắm tàu mà đi nhé, nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác “lướt sóng” trên đường thì có thể tham khảo Grab, còn nếu muốn thử đi Tuk Tuk thì nhớ thể hiện trình độ trả giá thượng thừa vào nhé.
2 tuần sau đó, mọi người sẽ đi theo nhóm tới 1 nước ASEAN khác (mình đã liệt kê ở trên) để thực hiện dự án. Phần này thì mình sẽ chia sẻ về Malaysia nha. Khoản di chuyển thì chúng mình sử dụng xe đạp hoặc đi cùng luôn với người ở SEAD, hơn nữa chỗ bọn mình cũng không có khu vực giải trí gì nên xin phép bỏ qua. Đồ ăn ban đầu mình thấy cũng ổn nhưng vì các món chủ yếu là chiên, xào nên nếu ăn lâu dài sẽ rất nhanh chán. Các món ăn truyền thống của Malay mà mình thưởng thức chủ yếu là đồ ngọt và các loại bánh được rán vàng, Với một đứa cũng gọi là khá kén ăn như mình thì việc đóng gói sẵn mấy gói mỳ là điều cần thiết (rất may mình đã làm như vậy). Việc xảy ra một số mâu thuẫn khi sống dưới một mái nhà với 8-10 người đến từ những nơi khác nhau, sử dụng ngôn ngữ và có văn hóa khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Nên trước khi nói hay hành động bất cứ điều gì, bạn cùng cần suy nghĩ kỹ, trao đổi với các bạn trong nhóm, người của CSO hoặc SE trước nhé. Thêm một điều nữa, mình nghĩ bạn chỉ cần đảm bảo vui chơi hết mình, học hỏi hết sức và làm việc hết công suất để tận hưởng một chuyến đi ý nghĩa nhất. Thay vì lúc nào cũng nghĩ là đem một hình ảnh của người Việt Nam thùy mị, nết na, đoan trang, nhẹ nhàng, mình chỉ đơn giản đem chính con người mình tới bởi mình tin mình chính là một phần của Việt Nam.
TỔNG KẾT
Mình rất biết ơn khi được là một phần của EYAA. Nhờ chương trình mà mình không chỉ khám phá những điều mới mà còn học hỏi những bài học về sự thành công kèm thất bại từ những câu chuyện của mọi người. Ở đó mình được gặp những người bạn mà nếu có đi sang các nước ASEAN sau này, mình sẽ chẳng bao giờ phải lo chỗ ăn ngủ, vui chơi trong thời gian ngắn. Đặc biệt là sự chăm sóc, quan tâm lẫn nhau của chính các bạn Việt Nam trong đoàn. Hy vọng bài viết này phần nào giải đáp được các thắc mắc của mọi người trong quá trình tìm hiểu về chương trình.
*Lưu ý từ Opty Hunting: bạn viết bài này là một Opty Hunter (làm việc với mình chương trình khác chứ không phải EYAA) cũng họ Nguyễn, cũng tên Hồng Minh, y hệt như Minh của Opty Hunting. Mong mọi người không nhầm trải nghiệm của bạn Opty Hunter là của Minh Opty Hunting.