Bàn luận về các bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới

Nhân việc rầm rộ “Đại học Tôn Đức Thắng là ĐH duy nhất ở VN lọt top 1000 ĐH trên thế giới”, chúng mình cùng bàn luận về mấy cái bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới nhé.

Trong 1 năm, chúng ta lại nghe công bố vài bận Bảng xếp hạng ĐH thế giới, lúc trường này top 1000, lúc trường này top 2000. Trong cùng 1 năm sao biến động nhanh vậy?

Thật ra thì cũng tương tự như các cuộc thi Hoa hậu tầm thế giới, có nhiều đơn vị tổ chức, thành ra cùng năm có nhiều cuộc thi: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái Đất, …

Bảng xếp hạng Đại học cũng thế, khác Ban Giám khảo và tiêu chí, chỉ là các “thí sinh” thì vẫn vậy.

Dĩ nhiên là không có “Giám khảo” nào được cả thế giới đồng thuận, nên không có bảng xếp hạng nào có tiêu chí được coi là chuẩn nhất, hay chính xác nhất. Chỉ có các BXH nổi tiếng hoặc nhiều người biết đến nhất thôi 😁.

Trong số hàng chục BXH, có 3 BXH được coi là được biết đến nhiều nhất.

1. QS World University Rankings

  • Ra đời: 2004
  • Đánh giá, công bố bởi:
    • 2004-2009: Quacquarelli Symonds (QS) hợp tác với Times Higher Education (THE)
    • 2010-nay: Quacquarelli Symonds (QS)
      Quacquarelli Symonds (QS) là công ty của Anh quốc chuyên về lĩnh vực phân tích Giáo dục sau phổ thông (Higher Education) của các cơ sở giáo dục trên thế giới.
  • Là BXH có nhiều lượt xem nhất trên Internet, theo thống kê của Alexa.
  • Tiêu chí đánh giá của QS Rankings dựa trên các yếu tố sau:
    • Khảo sát giáo dục: chiếm 40%. Dựa trên các cuộc thăm dò ý kiến của các Viện sĩ (giảng viên, nhà nghiên cứu) của nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới, xem xem những trường nào thuộc hàng top ở ngành của họ. QS cũng sẽ công bố chức danh và phân bổ khu vực của những người tham gia. Đây là tiêu chí gây nhiều tranh cãi nhất của BXH này.
    • Tỉ lệ giảng viên/học viên: 20%
    • Tỉ lệ trích dẫn nghiên cứu, luận văn/giảng viên: 20%
      Trước, QS dùng dữ liệu của Thomson Reuters, sau lại dùng dữ liệu của Scopus, mà dữ liệu của 2 bên này lại rất khác nhau.
    • Đánh giá của nhà tuyển dụng/người sử dụng lao động: 10%, thông qua thăm dò ý kiến của những người tuyển dụng các cựu sinh viên của trường.
    • Tỉ lệ học viên quốc tế: 5%
    • Tỉ lệ cán bộ nhân viên quốc tế: 5%
  • Các Đại học VN trong top 1000 (theo BXH năm 2020):
    • 701-750. ĐHQG TPHCM
    • 801-1000. ĐHQG HN

2. Times Higher Education World University Rankings

  • Ra đời: 2010
  • Đánh giá, công bố bởi: Times Higher Education (THE). Times Higher Education (THE) là tạp chí số 1 của Anh quốc trong mảng đưa tin về giáo dục sau phổ thông. Trước đây, THE làm chung BXH với QS, đến 2010 thì tự làm BXH riêng
  • Tiêu chí của BXH:
    • Hiệu quả kinh tế, tức bình quân thu nhập từ thành quả các nghiên cứu của trường/cán bộ nhân viên: 2.5%.
    • Tính quốc tế: gồm tỉ lệ cán bộ nhân viên quốc tế (3%) và tỉ lệ học viên quốc tế (2%)
    • Môi trường giáo dục:
      • Thăm dò chất lượng giảng viên: 15%
      • Tỉ lệ Tiến sĩ (PhD)/giảng viên: 6%
      • Tỉ lệ giảng viên/học viên: 4.5%
      • Kinh phí đầu tư nghiên cứu hàng năm: 2.25%
      • Tỉ lệ giữa Tiến sĩ (PhD) với học viên: 2.25%
    • Chỉ tiêu nghiên cứu:
      • Thăm dò danh tiếng của các nghiên cứu (được trích dẫn nhiều): 19.5%
      • Thu nhập từ thành quả nghiên cứu hàng năm: 5.25%
      • Tỉ lệ bài báo so với số nghiên cứu và số cán bộ nhân viên: 4.5%
      • Thu nhập từ nghiên cứu công khai so với tổng thu nhập từ nghiên cứu: 0.75%
    • Danh tiếng nghiên cứu:
      • Danh tiếng trích dẫn, tính theo tỉ lệ trích dẫn/bài báo: 32.5%
      • Dữ liệu đánh giá nghiên cứu: Thomson Reuters
  • Các Đại học VN trong top 1000 của THE năm 2020:
    • 801-1000. ĐH Bách Khoa HN
    • 801-1000. ĐHQG HN

3. Academic Ranking of World Universities

  • Ra đời: 2003
  • Đánh giá, công bố bởi:
    • 2003-2008: Đại học Giao thông Thượng Hải
    • 2009-nay: Công ty tư vấn đánh giá Giáo dục Thượng Hải (Shanghai Ranking Consultancy)
      Vì vậy nó còn có tên là BXH Thượng Hải.
      Đại học Giao thông Thượng Hải là 1 trong những Đại học lâu đời nhất ở Trung Quốc, nằm trong C9 League của nước này. C9 League tương tự như Ivy League của Mỹ, gồm các ĐH: ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh, ĐH Chiết Giang, ĐH Nam Kinh, ĐH Giao thông Tây An, ĐH Giao thông Thượng Hải, ĐH Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, ĐH Khoa học Kĩ thuật Trung Quốc, ĐH Phục Đán
  • Tiêu chí của BXH:
    • Chất lượng giáo dục (Số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và Fields): 10%
    • Chất lượng giảng viên:
      • Số cán bộ nhân viên giành giải Nobel và Fields: 20%
      • Số cán bộ nhân viên được trích dẫn nhiều ở 21 lĩnh vực chính: 20%
    • Chất lượng nghiên cứu:
      • Số lượng bài báo Tự nhiên và Khoa học được công bố: 20%
      • Dựa trên dữ liệu của Scopus
    • Số lượng trích dẫn trên SSCI và SCI (SSCI và SCI là 2 bảng đánh giá chỉ số trích dẫn Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội): 20%
    • Hiệu quả (Các tiêu chí trên chia bình quân đầu người): 10%
  • Các Đại học VN trong top 1000 của ARWU năm 2020:
    • 701-800: ĐH Tôn Đức Thắng

Nhân việc rầm rộ "Đại học Tôn Đức Thắng là ĐH duy nhất ở VN lọt top 1000 ĐH trên thế giới", chúng mình cùng…

Opportunity Huntingさんの投稿 2020年8月18日火曜日

Ở cả 3 Bảng xếp hạng, top 50 hay top 100 hầu như chỉ là Đại học danh tiếng nhất thế giới (họ mạnh tất cả các mặt), nên ở top 100 hầu như không sai khác quá nhiều (dù vẫn có).
Còn ngoài top 100 ra, các vị trí phía sau rõ ràng có sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là đến thứ hạng hàng trăm hàng nghìn thì càng lệch nhiều.

Tùy theo các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, họ sẽ tham khảo BXH khác nhau.

Mỗi BXH đều có những điểm tranh cãi riêng.
– BXH của QS thì có tiêu chí liên quan đến thăm dò ý kiến (survey)
– BXH của THE nhấn mạnh trọng số cho trích dẫn bài báo, nghiên cứu, đề cập cả đến vấn đề kinh phí, nên các trường về xã hội sẽ bị đánh giá thấp. Các trường có sinh viên sau ra trường đi làm hơn nghiên cứu, tính theo kinh phí thì hiệu quả đầu tư sẽ bị thấp
– BXH Thượng Hải bị nhận xét là quá chú trọng vào giải thưởng và số lượng nghiên cứu, nặng về đánh giá học thuật, và chưa có 1 số tiêu chí về chất lượng giảng dạy, chất lượng chung của học viên như 2 BXH kia.

Về cơ bản, muốn “leo rank” ở BXH nào thì cứ tập trung vào tiêu chí trọng số cao của BXH đó. Đó là lý do mà trường ĐH Tôn Đức Thắng với nhiều bài báo quốc tế (dù họ mua, nhưng không hề vi phạm pháp luật) đã lọt vào top 701-800 trong bảng xếp hạng ARWU năm nay.

Tuy nhiên ở môi trường quốc tế, mình thấy các trường lâu đời hoặc có tiếng ở Việt Nam như ĐHQG, Bách Khoa, KTQD, Ngoại thương, … vẫn được đánh giá cao bất chấp vị trí nào trên các BXH trên. Các trường này đã nhiều năm có các chương trình liên kết, tham gia các hội thảo, nghiên cứu khoa học, và có lượng sinh viên chất lượng đủ lớn để tạo nên danh tiếng hơn là thứ hạng của BXH.


Trên đây là phần giới thiệu và bình luận của anh Giang Truong về các bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Opty Hunting cảm ơn anh Giang Truong đã đồng ý chia sẻ bài viết với bạn đọc Opty Hunting :”), mong các bạn có ý kiến khác cứ tự do phản biện. Hình ảnh hiệu sách minh họa trong bài được mình chụp ở Utrecht, Hà Lan.