Kinh nghiệm nộp học bổng toàn phần tiến sĩ RTP của Chính phủ Úc

Linh nhận được 02 đề nghị học Tiến sĩ ngành Management tại Australian National University (ANU) và Macquarie University từ năm 2020. Hai trường cũng đồng ý trao cho Linh học bổng tiến sĩ Research Training Program (RTP) của Chính phủ Úc. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, Linh quyết định chọn chương trình nghiên cứu tại ANU. Linh sẽ chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng RTP của Chính phủ Úc tại hai trường này để các bạn có thêm thông tin tìm hướng đi nghiên cứu tại Úc.

Học bổng RTP của Chính phủ Úc

Cộng đồng săn học bổng du học thạc sĩ và tiến sĩ thường quen với các học bổng Chính phủ Úc như Endeavour Leadership Program, Australia Awards Scholarships (AAS).

Endeavour Leadership Program đã dừng tuyển sinh từ năm học 2019-2020. AAS có khoản sinh hoạt phí cao với nhiều chương trình hỗ trợ ưu việt nhưng lại có ràng buộc, yêu cầu học viên quay trở lại Việt Nam sau khóa học. Hơn nữa, Linh cũng từng thất bại khi xin AAS vào năm 2014 nên muốn tìm học bổng khác phù hợp hơn.

Linh đã mày mò tìm tài trợ từ các trường đại học Úc và phát hiện ra RTP là một học bổng rất tốt. RTP thuộc Commonwealth Scholarships, một nguồn học bổng của Chính phủ Úc dành cho thạc sĩ và tiến sĩ, nhưng do các trường đại học Úc điều phối. Sinh viên có quốc tịch Úc và sinh viên quốc tế đều có thể nộp hồ sơ xin học bổng này.

Bạn có thể hình dung đây là một quỹ học bổng nghiên cứu mà Chính phủ dành cho các trường đại học Úc. Các trường đại học được quyền tuyển học viên theo tiêu chí của trường, quản lý, điều phối học viên và học bổng. Nếu Endeavour và AAS yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ học bổng qua cơ quan điều phối riêng, đồng thời phải nộp hồ sơ xin học tại các trường (nộp 02 hồ sơ), thì RTP được các trường xét song song với hồ sơ xin học (chỉ cần nộp 01 hồ sơ).

Đối với sinh viên quốc tế, RTP có các gói gồm học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm, sắp xếp nơi ở, hỗ trợ con cái phụ thuộc, hỗ trợ làm đề tài nghiên cứu. Về sinh hoạt phí, mức hỗ trợ được tính theo thời giá từng năm, ví dụ năm 2019 là $27,596AUD/năm, năm 2020 là $28,092AUD/năm. Các gói hỗ trợ này được tách riêng chứ không trọn gói toàn phần như AAS hay Endeavour.

Chẳng hạn, trường có thể dành gói học phí cho sinh viên A, gói sinh hoạt phí cho sinh viên B, gói bảo hiểm cho sinh viên C, hoặc dành cả ba gói cho sinh viên D. Trong trường hợp của Linh, ANU dành cho Linh 03 gói cơ bản gồm học phí, sinh hoạt phí và bảo hiểm; còn Macquarie University chỉ dành cho Linh 02 gói học phí và sinh hoạt phí.

Các trường xét học bổng RTP theo tiêu chí cạnh tranh. Trong cùng một khóa tuyển sinh, ứng viên nào có hồ sơ tốt hơn sẽ nhận được nhiều gói RTP. Các hồ sơ điểm thấp sẽ nhận gói lẻ có giá trị thấp hơn. Trong trường hợp của Linh, có khả năng hồ sơ cùng khóa tuyển sinh của Linh tại ANU tốt hơn các ứng viên khác nên được nhận 03 gói RTP, nhưng hồ sơ của Linh tại Macquarie lại xếp dưới các ứng viên khác nên chỉ nhận được 02 gói RTP.

Bạn có thể tìm đọc thông tin chi tiết về RTP tại website chính thức của Chính phủ Úc.

Để biết trường đại học nào có học bổng RTP, bạn phải vào website của từng trường tìm hiểu. Hầu như các trường đều có phần thông tin học bổng rất hữu ích và thuận lợi. Ngoài RTP còn có nhiều loại học bổng khác để các bạn lựa chọn. Ví dụ: website ANUMacquarie University.

Hồ sơ của Linh

Một hồ sơ cá nhân tốt đóng vai trò rất quan trọng để xin học bổng đào tạo của Chính phủ các nước. “Tốt” ở đây không hẳn là có nhiều giải thưởng, vị trí công việc cao hay nhiều bài báo khoa học. “Tốt” theo Linh là phải phù hợp với các tiêu chí của học bổng.

Năm 2014, tại thời điểm nộp hồ sơ học bổng Phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ Nhật Bản (JDS) để học thạc sĩ, Linh chỉ đạt IELTS 5.5 và không có bài báo khoa học. So với một số ứng viên đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu thì hồ sơ của Linh không thể xuất sắc bằng. Thế nhưng, Linh là công chức trong cơ quan hành chính địa phương và có đề cương nghiên cứu phù hợp với ngành, lĩnh vực của JDS nên đáp ứng được các tôn chỉ, mục đích của JDS về phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công Việt Nam. Vậy nên Linh đã giành được học bổng.

Khi xin học bổng tiến sĩ tại Úc, Linh xác định cần tập trung xây dựng một hồ sơ học thuật thật tốt vì học bổng dành cho tiến sĩ hướng đến tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động nghiên cứu.

Để các bạn dễ theo dõi, Linh xin được sơ lược một số thông tin về hồ sơ học thuật của Linh.

– Lĩnh vực nghiên cứu: Management (Organizational Behavior).

– Cử nhân ngành Quản lý văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, được tài trợ toàn phẩn bởi Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của UBND thành phố Đà Nẵng, tốt nghiệp thủ khoa (8.39/10.0).

– Thạc sĩ ngành Quản lý công, trường Đại học Quốc tế Nhật Bản, được tài trợ toàn phần bởi học bổng Phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ Nhật Bản (JDS), tốt nghiệp thủ khoa (3.92/4.0). Trong quá trình học thạc sĩ, Linh làm Teacher Assistant 02 môn học và Facilitator hỗ trợ các lớp bồi dưỡng nhân viên của một số tập đoàn như Mitsubishi Heavy Industries, Development Bank of Japan, Yamada Manufacturing, Mizuho Bank, Fuji Xerox, Rikkyo University.

– Về nghiên cứu, luận văn thạc sĩ của Linh sử dụng phương pháp kết hợp cả định tính và định lượng nên thể hiện được khả năng nghiên cứu trên cả hai phương pháp. Luận văn được đánh giá High Distinction. Linh có 02 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế Lex Localis (thuộc danh mục Scopus và ISI) và International Review of Public Administration (thuộc danh mục Scopus).

– Tiếng Anh IELTS 6.5. Sau khi trở về từ Nhật Bản, Linh chần chừ mãi không thi, công việc thường ngày cũng không dùng tiếng Anh nên điểm thi thấp hơn mong đợi. Linh nhận định điểm tiếng Anh chưa cao là điểm yếu khiến hồ sơ của Linh thiếu tính cạnh tranh và phạm vi nộp hồ sơ bị giới hạn (chỉ có thể nộp các trường chấp nhập IELTS 6.5).

Tiếp theo là quá trình chuẩn bị hồ sơ và nộp tại ANU và Macquarie University để bạn tham khảo nhé.

Quá trình chuẩn bị

Linh chuẩn bị một bộ tài liệu gồm CV học thuật, đề cương nghiên cứu, bảng điểm thạc sĩ để liên hệ giáo sư. Linh cũng tìm hiểu nhiều gợi ý về cách viết thư cho giáo sư trước khi viết một lá thư của riêng mình. Một trong những bài viết mà Linh thấy rất hữu ích là chia sẻ của chị Trương Thanh Mai, một nghiên cứu sinh ở Mỹ, trên trang blog của chị.

Linh tìm đến website các trường tại Úc có đào tạo Tiến sĩ ngành Management, lọc danh sách các trường mà Linh đảm bảo tiêu chí đầu vào. Từ danh sách này, Linh đọc CV của các giáo sư để tìm người có lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với đề cương nghiên cứu. Kết quả là có 02 giáo sư ở ANU và Macquarie University được đưa vào danh sách tiềm năng để liên hệ.

Linh cũng liên hệ 03 giáo sư từng dạy khóa thạc sĩ ở Nhật Bản để xin thư giới thiệu. Các thầy đều là Tiến sĩ tại các trường nổi tiếng ở Mỹ: Yale University, Indiana University và American University. Linh đã khá nghiêm túc khi làm nghiên cứu và học với các thầy, cũng đã tạo quan hệ khá tốt nên tin rằng các thầy dành lời lẽ “có cánh” cho mình. Khi đánh giá lại hồ sơ, Linh nhận thấy các thư giới thiệu của mình rất có giá trị, chiếm tỷ lệ lớn về sức thuyết phục cho hồ sơ.

Nộp hồ sơ tại ANU

Linh liên hệ một giáo sư đang hướng dẫn hai luận văn tiến sĩ có đề tài tương tự đề cương nghiên cứu của Linh. Ban đầu Linh khá tự tin cho rằng thầy sẽ thích hướng dẫn sinh viên có đề tài tương tự. Tuy nhiên, thầy trả lời thư khá dè dặt, chỉ bảo rằng thầy sẽ chờ kết quả xét duyệt của trường đối với hồ sơ của Linh. Sau phản hồi này, Linh nhận định tỷ lệ được chấp nhận là khá thấp, có lẽ thầy đang lịch sự từ chối. Hơn nữa, ANU là trường thuộc top cao của Úc, rất cạnh tranh. Dẫu vậy, Linh vẫn nộp hồ sơ ANU, hy vọng mình đủ may mắn.

Đối với các ứng viên muốn xin học bổng trường (bao gồm RTP), ANU không yêu cầu ứng viên đăng ký cụ thể bất cứ học bổng cụ thể nào. Ứng viên chỉ cần điền vào đơn xin học, ghi muốn xin học bổng của trường. Trường sẽ tự xét, xếp thứ tự chất lượng ứng viên từ cao xuống thấp để cấp học bổng.

Giữa tháng 9, Linh nhận được thư của College of Business and Economics báo rằng một nữ giáo sư đã nhận hướng dẫn Linh, sau đó là vòng xét của ANU. Linh rất bất ngờ về điều này. Mặc dù Linh đề xuất một thầy hướng dẫn nhưng trường đã tìm và giới thiệu giáo sư khác phù hợp hơn khi thầy từ chối. Thật may mắn khi cô đã nhận Linh vào nhóm nghiên cứu của mình. Ngay sau khi nhận được thư này, Linh đã chủ động liên hệ với cô. Nếu không có sự chấp nhận của cô, chắn chắn Linh không thể đi tiếp vòng sau.

Giữa tháng 10, Linh nhận được thư báo trúng tuyển của ANU. Một tuần sau đó, bộ phận xét học bổng của ANU báo tin Linh được trao học bổng RTP.

Nộp hồ sơ tại Macquarie University

Giáo sư mà Linh liên hệ ở Macquarie University đã dành cho Linh một cuộc nói chuyện trực tuyến. Hai cô trò trao đổi khá vui vẻ và hứng thú về nhau. Sau cuộc nói chuyện, cô đồng ý sẽ nhận Linh vào nhóm nghiên cứu của cô. Theo yêu cầu của Macquarie University, cô còn viết một thư gửi cho bộ phận xét học bổng để giới thiệu Linh làm ứng viên học bổng. Do có sự chắc chắn từ giáo sư nên Linh khá tự tin khi nộp hồ sơ tại Macquarie University.

Website của Macquarie University có một trang riêng giới thiệu về các học bổng, trong đó có nhiều học bổng dành cho sinh viên quốc tế làm nghiên cứu sinh. Sau khi tìm hiểu, Linh chọn học bổng RTP. Bạn lưu ý, tại cổng nộp hồ sơ trực tuyến phải chọn cụ thể học bổng RTP (đây là điểm khác so với nộp hồ sơ tại ANU). Mình đã từng nộp một số trường thì thấy Macquarie University yêu cầu khá nhiều thành phần hồ sơ, so với ANU thì cũng phức tạp hơn. Bạn nên chuẩn bị kỹ từng hồ sơ theo yêu cầu, nhất là các thư giới thiệu phải được giáo sư gửi đúng hạn.

Đối với Macquarie University, nếu muốn xin học bổng RTP cho năm học sau, bạn nên nộp hồ sơ trước 30/8 của năm trước. Trường sẽ bắt đầu báo kết quả từ tháng 10. Nếu có người từ chối học bổng thì sẽ dành cơ hội cho người tiếp theo trong danh sách cạnh tranh. Trong trường hợp của Linh, kết quả được báo đầu tháng 11. Có lẽ trước đó có người đã từ chối học bổng, rồi mới đến lượt Linh.

Do kết quả của ANU đến trước Macquarie University, nếu không trả lời kịp thời, ANU sẽ chuyển học bổng cho ứng viên khác nên Linh đã nhận lời đề nghị của ANU. Thật sự Linh cũng khá tiếc Macquarie University vì cô giáo sư ở đây có hồ sơ học thuật rất xuất sắc, kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu và làm dự án. Dẫu vậy, cơ hội đến thì phải nắm bắt. Tốt nghiệp từ một trường top cao như ANU cũng sẽ giúp Linh thuận lợi khi xin việc sau này.

Lời kết

Mặc dù RTP không có các hỗ trợ toàn phần về đi lại và chuẩn bị trước khi lên đường như AAS và Endeavour, đây là một học bổng khá hấp dẫn. Mặc dù là học bổng của Chính phủ Úc, RTP do các trường tự xét và quản lý nên thuận lợi trong quá trình nộp hồ sơ. Sau khi tốt nghiệp, học viên không bắt buộc quay trở lại Việt Nam như AAS. Một điểm cộng nữa của RTP là học bổng này được xếp vào diện học bổng Chính phủ nên học viên được miễn phí visa (năm 2019, mức phí visa cho nghiên cứu sinh tiến sĩ là khoảng 10 triệu đồng).

Mong rằng bài viết của Linh về RTP sẽ giúp bạn có thêm thông tin tìm kiếm học bổng nghiên cứu bậc tiến sĩ tại các trường đại học của Úc. Có rất nhiều lựa chọn cho chúng ta nếu chịu khó mày mò tìm kiếm. Cứ đi thì mới đến được, đừng bỏ cuộc bạn nhé!


Trên đây là kinh nghiệm về việc nộp hồ sơ học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ RTP của chính phủ Úc được viết bởi chị Bùi Thu Linh đồng ý chia sẻ với bạn đọc Opty Hunting. Các bạn theo dõi blog của chị Linh để tìm hiểu thêm thông tin hữu ích khác về học bổng JDS và RTP cũng như quá trình sinh sống, học tập của chị Linh tại Nhật và Úc nhé. Hình ảnh nhà hát con sò ở Úc được down từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.