Mình (là Minh) học cấp 3 ở trường Tổng hợp – tên chính thức là THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, đồng nghĩa với việc nhìn xung quanh toàn người đáng ngưỡng mộ. Nhắc tới các công ty, tổ chức hay trường học uy tín, mình đều thấy có người quen cả.
Các bạn có ý định hoặc làm nghiên cứu ở châu Âu chắc hẳn biết tới Marie Curie Fellowships vì độ cạnh tranh, môi trường nghiên cứu chuyên sâu mà quốc tế phối kết hợp giữa trường học, viện nghiên cứu, công ty… Và như mình nói phía trên, nhìn đâu cũng thấy bạn bè; bạn cấp 3 của mình hiện cũng có người đang theo Marie Curie Fellowship. Bài chia sẻ dưới đây hy vọng sẽ đưa thêm góc nhìn về các cơ hội và môi trường học thuật, nghiên cứu ở châu Âu cho các bạn quan tâm.
—————————————————————————-
Mình luôn cảm thấy việc đi học không phải là bắt buộc, nhưng sống ở trên đời thì học là sự bắt buộc. Cuộc đời con người là một cuộc hành trình khám phá bản thân, mà cuộc hành trình này thì bắt đầu từ lúc ta được sinh ra cho đến khi ta chết đi. Không dài không ngắn, chỉ vừa đủ cho những người nào cần.
Hôm nay được một cao trung đồng học (hoa văn phượng vĩ của “bạn cấp ba”) mở lời kêu mình viết bài, tự nhiên thấy cực kỳ vinh dự. Vì mình biết cái page mà các bạn ý lập nên nó có ý nghĩa như thế nào, và mọi người cũng yêu quý tin tưởng các bạn ý ra sao. Nên đầu tiên là thấy vui mừng hưng phấn, rồi xong lại thấy cảm giác hơi bị nặng nề, sợ mình viết linh tinh mà toàn là đồ vô dụng. Nhưng thôi, lão đồng học đã tin tưởng mình, thì mình cũng phải tự mình tin mình mới được.
Nói sơ qua, mình chỉ là một kẻ lười mèo mù vớ cá rán, mà trong cái sự học dài cả đời người, mình hoàn toàn tình cờ được nhận vào cái học bổng này, mà mãi sau này mình mới biết nó là học bổng Marie-Curie gì gì đó, có vẻ khá nổi tiếng (vì mình thấy nhiều bạn bè mình biết).
Ngắn gọn mà nói, Marie Skłodowska-Curie Actions (MSCA) là một chương trình hỗ trợ nghiên cứu, lấy tiền của Liên minh châu Âu để xài, mục đích là phát triển và đào tạo các bạn trẻ hoặc không được trẻ cho lắm. MSCA được thành lập vào năm 1996, tính ra cũng 24 tuổi đời rồi. Đứa nhỏ này mặc dù còn ít tuổi, nhưng được cái ăn lắm đẻ nhiều, chỉ tính riêng giai đoạn 2014 đến nay (2020), đã ngốn hết hơn 6 tỉ (euros) của EU, đẻ ra khoảng 65000 researchers đủ mọi quốc tịch màu da, đủ mọi xó xỉnh trên thế giới. Mà thực ra MSCA chỉ có 5 người con đẻ:
• Research Networks (ITN – Innovative training networks),
• Individual Fellowships (IF),
• Research and Innovation Staff Exchanges (RISE),
• Co-funding of regional, national and international programs involving mobility (COFUND),
• European Researchers’ Night (NIGHT).
Mình tự thấy từ dân số đến tài nguyên của MSCA có thể sánh ngang với một quốc gia nhỏ, nên nếu viết ra chắc phải mất mấy ngày mới đọc hết. Nên thôi bạn nào có nhu cầu tìm hiểu có thể trực tiếp vào website chương trình để hiểu thêm chi tiết.
Hôm nay mình chỉ nói đến ITN, có lẽ gần với các bạn nhất. Nhà ITN được phân làm ba nhánh chính:
• European Training Networks;
• European Industrial Doctorates; and
• European Joint Doctorates.
Mình muốn nhấn mạnh là MSCA đầu tư cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, nên chỉ cần bạn thích nghiên cứu, bạn tuỳ tiện google tìm học bổng Marie Curie về lĩnh vực của bạn, kiều gì cũng ra một vài dự án. Mỗi dự án sẽ tài trợ cho vài đến vài chục đứa con côi, gọi là ESR (Early-stage researcher), mà trong ngôn ngữ phổ thông thì sẽ là các nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD student). Bạn nộp hồ sơ (không bắt buộc đã nhận bằng Master lúc nộp, chỉ cần có Attestation trước ngày khởi đầu dự án là được), rồi phỏng vấn, rồi có thể phải viết luận nữa nếu người ta yêu cầu. Xong, qua, bạn được nhận. Và bạn bắt đầu chuỗi ngày lang bạt hành tẩu giang hồ.
À, mình quên nói chuyện quan trọng nhất. PhD của MSCA là những đứa cực ưa mạo hiểm và thích sống cuộc đời du mục. Bạn có thể 3 tháng ở nước này, 4 tháng ở nước nọ, lại họp hành ở nước kia. Tóm lại di chuyển không khác chim cò, mà vẫn phải đảm bảo kết quả nghiên cứu. Bạn phù hợp nếu bạn thích thế, bạn có thể tận hưởng những thứ mới lạ, được làm việc trong nhiều lab khác nhau, được dạy về làm việc phải nghĩ đến đồng bọn (vì bạn chắc chắn không phải PhD student duy nhất trong một dự án). Bạn còn được dạy khoảng 1 tỉ rưỡi những kĩ năng không liên quan (Design thinking, Public speaking, Team working, …) và được đi khoảng một tỉ rưỡi những nơi mà bạn không bao giờ nghĩ sẽ đặt chân tới. Chưa nói đến việc được làm việc với một hệ thống supervisors khủng bố (mình có 7 co-supervisors tất cả, trong đó có 2 supervisors chính), chỉ tính đến việc được ăn hết của ngon vật lạ của nhân gian đã đủ để mình xông pha trận mạc, apply ngay lập tức khi nhìn thấy cái offer. (Mình apply vào phút cuối cùng trước deadline, vì chả có thời gian ngồi suy nghĩ).
Chuyện quan trọng thứ hai cần nói, là tài chính bên này đủ để bạn sống sót khả thoải mái trong thời kỳ PhD. Nếu thực sự thiếu (gạch chân bôi đậm “thực sự”) thì có thể xin thêm; thỉnh thoảng có người của Uỷ ban Châu Âu đến thanh tra, bạn có thể cà kê con bọ cạp kể với người ta những khó khăn của bạn, nói chung chơi bài khổ nhục kế, đảm bảo được giải quyết trong một nốt nhạc.
Một dự án giống của MSCA như là một gia đình, ví như mình thì nhà mình tổng cộng có 14 anh em PhD students, và hơn ba chục thầy cô hướng dẫn, ở tất cả các bên Universities, Research Institutions và Industrial partners nữa, ở 7 nước khác nhau. Nhìn chung là vui.
Vậy thôi viết quá dài rồi, ai quan tâm thì từ từ tìm hiểu. Nếu có thắc mắc thêm, mình sẵn lòng giải đáp (ảnh mình chụp ở tháp nghiêng Pisa).