Úc là điểm đến lý tưởng để học tập nhưng chi phí ở Úc rất đắt đỏ. Việc kiếm học bổng có giá trị cao/toàn phần cho bậc Cử nhân hay Thạc sĩ coursework ở Úc hiện nay không còn dễ dàng (ví dụ đối bậc Thạc sĩ coursework chủ yếu mọi người đều trông chờ vào Australian Awards chứ ít có lựa chọn nào khác), nhưng học bổng Thạc sĩ nghiên cứu (Research Masters) và Tiến sĩ (Research Doctorate) thì thực sự có rất nhiều cơ hội rộng mở đó mọi người ạ.
Cụ thể Chính phủ Úc hàng năm đều có học bổng Research Training Program (RTP) lên đến toàn phần, dành cho chương trình Research Masters và Research Doctorate. Sinh viên quốc tế hay nội địa Úc đều có thể nộp RTP. Ngành học RTP áp dụng cũng rất phong phú, từ khoa học kỹ thuật tới xã hội nhân văn, giáo dục, kinh tế, quản trị, chính sách… tóm lại tất cả các ngành có chương trình Research Masters và Research Doctorate ở Úc.
1. Giá trị học bổng:
Học bổng này được chia thành 3 block khác nhau:
- RTP Fee Offset: trị giá học phí. Chính phủ sẽ trực tiếp chi trả phần học phí này cho các cơ sở giáo dục, và sinh viên sẽ không cần đóng học phí cho trường.
- RTP Stipend: trị giá sinh hoạt phí, sẽ trả trực tiếp cho sinh viên.
- RTP Allowances: chi phí hỗ trợ cho học sinh làm nghiên cứu và hỗ trợ bảo hiểm sức khỏe cho sinh viên và người phụ thuộc (nếu có).
Học bổng trao cho từng ứng viên có thể gồm 1 hoặc 2 hoặc 3 blocks.
2. Cách nộp hồ sơ:
Để ứng tuyển hồ sơ học bổng RTP, các bạn chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ duy nhất và trực tiếp nộp tới các trường trong danh sách thành viên. Mỗi trường thành viên có quy trình tuyển chọn riêng, hạn nộp từ khoảng tháng 4 tới tháng 10 hàng năm.
Ứng viên có thể nộp RTP tại nhiều trường ĐH khác nhau, hoặc nộp nhiều chương trình khác nhau trong cùng 1 trường ĐH. Khi nộp hồ sơ vào mỗi trường, sinh viên sẽ được xếp loại các ứng viên cùng nộp hồ sơ vào trường năm đó. Bạn nào được xếp hạng cao sẽ nhận được gói học bổng gồm cả 3 blocks, các bạn xếp hạng thấp hơn sẽ nhận ít block hơn.
3. Bạn có thể nộp RTP tại những trường ĐH nào của Úc?
Có 42 trường ĐH của Úc có quỹ RTP, danh sách cụ thể tại https://www.dese.gov.au/research-block-grants/higher-education-providers-eligible-research-block-grants. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có quỹ RTP như nhau. Trong file Research block grant allocations for 2020, chính phủ Úc đưa ra các con số cụ thể cho thấy trường University of Melbourne được cấp nhiều tiền nhất (A$103,597,249), tiếp đến là University of Queensland (A$ 95,936,204), University of Sydney (A$95,936,204), thấp nhất là Torrens University Australia A$101,887. Điều này đồng nghĩa các trường lớn sẽ có quỹ cao hơn, nhiều slots hơn, nhưng cũng cạnh tranh hơn. Ngoài yếu tố RTP grant allocations, các bạn có thể cân nhắc chất lượng học tập và giảng dạy của các trường qua trang Quality Indicators for Learning and Teaching để chọn trường phù hợp.
Lưu ý rằng:
- RTP không hề giới hạn ứng viên chỉ được nộp 1 trường ĐH, nên các bạn cũng có thể chọn nộp cả trường mơ ước – trường vừa tầm với – trường an toàn.
- RTP không yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp loại xuất sắc/First Class Honors mới được nộp. Bên cạnh thành tích học tập trước đó, chất lượng hồ sơ RTP có thể phụ thuộc cả vào kinh nghiệm làm việc liên quan, kinh nghiệm nghiên cứu/thành tích nghiên cứu, thư giới thiệu… nhìn chung sẽ tùy thuộc vào tiêu chí tuyển chọn của từng trường.
- RTP cũng không giới hạn rằng ứng viên đã học chương trình cao học nghiên cứu trước đó rồi sẽ không được nộp hồ sơ nữa. Ví dụ nếu bạn đã từng học Thạc sĩ (dù coursework hay research work) trước đó rồi nhưng muốn học thêm Thạc sĩ nghiên cứu nữa dưới dạng học bổng RTP thì bạn vẫn có thể nộp.
Hy vọng thông tin trong bài viết này phần nào hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu học bổng RTP.
P/S: Anh Dũng Dương, co-founder của Opty Hunting đã và đang hướng dẫn nhiều bạn nộp RTP thành công (và supervise các bạn trong dự án nghiên cứu luôn); mọi người có thể liên hệ page/anh Dũng để được anh Dũng hướng dẫn.
Credit hình ảnh: Hotels.com