A. Thông tin học bổng
- Học bổng bao gồm
- Mục tiêu, sứ mệnh
- Bạn có phù hợp với học bổng này không?
- Chuẩn bị hồ sơ và thời gian nộp
- Lựa chọn trường đại học
B. Chia sẻ kinh nghiệm
- Nên apply chương trình 2 năm thay vì 1 năm
- Bám sát với thông tin mới nhất trên si.se
- Một vài mẹo khi chuẩn bị hồ sơ
- Nộp hồ sơ ở năm cuối ĐH khi chưa có bảng điểm cuối cùng
- Vài nút cổ chai trong quá trình nộp học bổng
- Học ở Thuỵ Điển có cần học tiếng Thuỵ Điển không?
- Làm thế nào để tạo ra may mắn?
Học bổng SISGP
Học bổng Swedish Institute Scholarships for Global Professionals (SISGP, trước năm 2018 có tên là SISS) là học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ (`Master’s degree) tại các trường đại học ở Thuỵ Điển (Sweden) dành cho các ứng viên từ 34 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Năm 2017, mình nhận được học bổng này cho chương trình Thạc sĩ về Toán ứng dụng 2 năm tại trường Uppsala University. Trong mục này, mình muốn chia sẻ thông tin kèm theo một vài mẩu kinh nghiệm mình thu thập được từ các anh chị cũng nhận được học bổng này những năm gần đây. Mỗi năm có khoảng từ 7-10 sinh viên Việt Nam nhận được SISGP.
A. Thông tin học bổng
Trong mục này mình tóm tắt các thông tin chung về học bổng SISGP. Hi vọng bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan và xác định được SISGP có phải là học bổng phù hợp với định hướng và nền tảng của mình không.
1. Học bổng bao gồm
SISGP chi trả những chi phí sau:
- Toàn bộ học phí cho chương trình học
- Chi phí sinh hoạt 10 000 SEK/ tháng
- Vé máy bay đi và về 15 000 SEK (cấp 1 lần)
- Bảo hiểm Kammarkollegiet (là bảo hiểm tốt)
- Phí làm resident permit (visa dài hơn 3 tháng): 1500 SEK
Những chi phí khác bạn phải chi trả:
- Phí nộp hồ sơ đại học trên trang University Admissions (sẽ đề cập sau): 900 SEK
- Các chi phí phát sinh nếu bạn mang theo gia đình
Những người nhận được học bổng SI trở thành thành viên của mạng lưới các nhà lãnh đạo toàn cầu tương lai (NFGL). Trong quá trình học tập tại Thụy Điển, thành viên của NFGL sẽ có các cơ hội tham dự các hội thảo, sự kiện hoặc các chương trình trao đổi có liên quan đến ngành học, rất có ích cho cơ hội nghề nghiệp cũng như sự phát triển cá nhân và khả năng lãnh đạo.
Nói qua một chút về Thuỵ Điển. Thuỵ Điển luôn nằm trong top 3 quốc gia có chất lượng sống cao nhất/hạnh phúc nhất thế giới (theo US News). Quốc gia này có 70% diện tích phủ xanh, một trong những quốc gia có hệ thống tái chế rác tốt nhất (~48% lượng rác được tái chế), tiêu chuẩn về đồ ăn, sản phẩm điện tử cao nhất thế giới, bình đẳng, quyền con người,… Nói chung là thiên đường của những người yêu thiên nhiên, vegetarians, vegans, LGBTs.
2. Mục tiêu, sứ mệnh
Học bổng SISGP tìm kiếm những nhà lãnh đạo trẻ tương lai có góp phần vào thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững 2020 của Liên Hợp Quốc. Ứng viên được chọn được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy mối quan hệ lâu dài giữa quốc gia của ứng viên và Thuỵ Điển.
Ứng viên lý tưởng của học bổng này là
- Những người trẻ có thành tích học tập tốt. Theo mình đánh giá thì đây là mục tiêu ít quan trọng hơn các mục tiêu sau đây.
- Có kinh nghiệm làm việc (bắt buộc)
- Có kinh nghiệm lãnh đạo. Đây là yếu tố mà SISGP lựa chọn các ứng viên tốt nhất.
3. Bạn có phù hợp với học bổng này không?
Yếu tố bắt buộc: Học bổng này yêu cầu chứng minh tối thiểu 3000 giờ làm việc (~2 năm full time), và kỹ năng lãnh đạo.
Theo kinh nghiệm của những anh chị đi trước thì yếu tố quan trọng nhất không phải là thành tích học tập khủng hay kĩ năng học thuật mà là kinh nghiệm làm việc và kĩ năng lãnh đạo. Vì vậy chỉ cần bạn được nhận vào trường là được, GPA bao nhiêu không ảnh hưởng lắm (đừng thấp lắm là được). Tiêu chí lựa chọn của học bổng SISS là sự nổi bật của ứng viên, thể hiện qua kinh nghiệm học thuật/chuyên môn và khả năng lãnh đạo, tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Tuy vậy, khả năng lãnh đạo không phải là điều gì đó quá to tát mà đơn giản chỉ là những điều mình tiên phong làm để tạo ra sự thay đổi tích cực và tác động lên sự thay đổi của người khác. Đó có thể là một dự án dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ hay vai trò quản lý dự án nào đó thể hiện sự tiên phong (initiative) của bạn.
4. Chuẩn bị hồ sơ và thời gian nộp
Quy trình nộp hồ sơ gồm 2 phần độc lập: (1) từ khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 1 hàng năm: apply vào một trường đại học tại Thuỵ Điển trên trang universityadmissions.se, (2) từ khoảng mùng 10 tháng 2 đến 20 tháng 2: nộp SISGP trên trang si.se. Tới tận đầu tháng 4 bạn sẽ nhận được kết quả của bước (1). Có nghĩa là khi bạn làm bước (2), bạn sẽ chưa biết là bước (1) có thành công hay chưa. Đầu tháng 4 sau khi SI nhận được kết quả của bạn từ bước (1), họ mới bắt đầu xét hồ sơ bạn nộp ở bước (2). Quy trình thực tế mỗi năm lại được cập nhật, bạn nên đọc kỹ thông tin trên trang chính thức của SISGP tại si.se.
Ở bước (1), các chương trình có trong danh sách được nhận SISGP được SI cập nhật vào khoảng tháng 11 năm trước đó (học bổng mở vào tháng 2). Danh sách này bao gồm hầu hết các chương trình Master của các trường ĐH lớn nhất Thuỵ Điển. Ở bước này bạn có quyền chọn lên đến 4 nguyện vọng có sắp xếp thứ tự về chương trình học Master mà bạn mong muốn. Phí nộp hồ sơ ở vòng này là 900 SEK và bạn sẽ phải tự chi trả.
Hồ sơ nộp SISGP ở bước (2) thường có: motivation letter (ML), CV, 2 letters of reference (LORs), proof of work and leadership experience. Ở bước này bạn được chọn lên đến 3 nguyên vọng trong 4 nguyện vọng ở bước (1) để xin cấp học bổng.
5. Lựa chọn trường đại học
Để nhận được SISGP thì bạn đồng thời phải được nhận bởi trường đại học mà bạn đăng ký (bước (1) ở mục trước). Điều kiện đầu vào của các trường ở Thụy Điển không khó lắm, ví dụ 6.5 IELTS, hầu hết không bắt buộc GMAT/GRE nếu bạn học kinh tế. Thông qua SISGP bạn có thể học tập tại một trong các trường ĐH tại Thuỵ Điển, ví dụ
- Uppsala University (từ năm 1477) – Top 100, nơi ra đời giải Nobel thế giới
- Lund University – Top 100
- Karolinska Institute – Top 10 ngành Y, nơi trao Nobel Y học
- KTH, Royal Institute of Technology – Silicon Valley của Châu Âu
- Nhiều trường đại học nổi tiếng khác như: Göteborg, Umeå, Chalmers, Stockholm…
B. Chia sẻ kinh nghiệm
Trong mục này, mình trình bày một vài mẹo mình thu thập được từ các thế hệ SI đi trước mà bạn không thể tìm thấy trên trang học bổng. Đây có thể được coi là mẹo của những “người trong cuộc”, nhưng do mang tính chủ quan cao nên bạn nên coi nội dung này như một tài liệu bổ sung tham khảo.
Nên apply chương trình 2 năm thay vì 1 năm
Theo kinh nghiệm của các thế hệ SI, trừ khi bạn có lý do khác, chỉ nên apply các chương trình 2 năm thay vì chương trình 1 năm. Resident permit trên 10 tháng tại Thuỵ Điển sẽ được cấp mã số cá nhân (personnummer), cho phép bạn mở thẻ ngân hàng, khám chữa bệnh gần như miễn phí (và nhiều lợi ích khác). Mã số cá nhân này càng ý nghĩa hơn khi bạn muốn xin việc tại Thuỵ Điển sau khi học xong. Do 2 quy trình nộp vào trường đại học và nộp SISGP là riêng biệt nên có thể nói độ khó của việc đạt được học bổng 1 năm và 2 năm là như nhau.
Bám sát với thông tin mới nhất trên si.se
Mặc dù sứ mệnh không thay đổi qua các năm, nhưng mỗi năm SI sẽ cập nhật lại thông tin trên trang SISGP một chút. Ví dụ SISGP 2020/2021: Học bổng năm nay nhấn mạnh vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (the United Nations 2030 Agenda for Sustainable Development). Trong hồ sơ của bạn nên bao gồm các thông tin làm nổi bật lên việc làm thế nào bạn có thể đẩy mạnh một (hoặc vài) mục tiêu trong các mục tiêu kể trên.
Một vài mẹo khi chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ nộp SISGP thường có: motivation letter (ML), CV, 2 letters of reference (LOR), proof of work and leadership experience.
CV: làm theo mẫu trên trang SISGP, chọn lọc các sự kiện làm nổi bật khả năng lãnh đạo & kinh nghiệm làm việc, nên ngắn gọn nhưng giàu thông tin.
Motivation Letter (ML): Rất quan trọng để SI đánh giá và phân loại ứng viên. Lưu ý ML phải thống nhất với CV, LOR cũng như định hướng nghề nghiệp. Để làm tốt ML thì cần chuẩn bị sớm nhất có thể, theo mình phần quan trọng nhất trong ML là làm sao nêu bật được đinh hướng nghề nghiệp của mình sẽ góp phần giải quyết một vấn đề nào đó cho xã hội. Khá là mất thời gian suy nghĩ nên các bạn sẽ phải dành thời gian nhiều cho phần này. Nếu các bạn đã có định hướng rõ ràng và cụ thể đáp ứng yêu cầu của SI thì không có gì phải bàn. Nếu các bạn chưa định hình được thì có thể tìm hiểu các vấn đề mà Việt Nam/xã hội nói chung đang gặp phải, chọn ra 1 cái liên quan đến nghề nghiệp mình nhất để từ đó xây dựng cho mình định hướng công việc trong những năm tới sao cho đồng thời giúp VN giải quyết tốt nhất vấn đề mà bạn chọn. Nên trả lời 4 câu hỏi nên liên quan và thống nhất với nhau. Nên nhớ là trả lời câu nào cũng nên đưa vào những tình tiết thể hiện tính lãnh đạo (leadership) của mình. Cuối cùng, có một mục SI yêu cầu cung cấp website tổ chức các bạn đang tham gia giúp phát triển xã hội (social impact đại loại thế), các bạn cũng cần chuẩn bị từ bây giờ. Tốt nhất là list cái nào liên quan tới định hướng nghề nghiệp và chương trình mà bạn sắp theo học.
Letter of reference (LOR): phần này tốt nhất mình cần tổng hợp lại và sắp xếp những thành tích nêu bật tính lãnh đạo của mình trong quá khứ trước, sau đó trao đổi với sếp/thầy cô/người viết LOR cho bạn nhờ góp ý bổ sung và xác nhận. Các thành tích/định hướng công việc của mình cần thống nhất với CV, ML đã viết.
Điều quan trọng là cả 3 mẫu đơn này đưa ra cho người xét học bổng một cái nhìn toàn diện và thống nhất về hình ảnh về bạn mà bạn muốn truyền đạt. Bạn cũng nên chú ý, nếu LORs là do bạn tự viết thì khả năng rất cao là người xét học bổng sẽ cảm nhận được và đặt dấu hỏi về hồ sơ của bạn.
Nếu bạn muốn tham khảo bộ hồ sơ SI đã thành công của mình, bạn có thể gửi email tới dta.hust@gmail.com. Tuy nhiên, mình khuyên là bạn chỉ nên tham khảo khi bạn đã tự soạn bộ hồ sơ đến mức khá hoàn chỉnh. Điều này là bởi vì việc xem trước một hồ sơ khác có thể ảnh hưởng đến độ sáng tạo trong mạch trình bày của bạn.
Nộp hồ sơ ở năm cuối ĐH khi chưa có bảng điểm cuối cùng
Trường hợp của mình là trong lúc nộp SI, mình còn chưa bảo vệ tốt nghiệp đại học. Nếu bạn cũng trong trường hợp này thì bạn cần tham khảo thêm thông tin ở trang sau. Nói ngắn gọn, bạn cần xin một mẫu đơn có sẵn của University Admissions có dấu của trường đại học đang theo học xác nhận rằng bạn đang là sinh viên năm cuối.
Vài nút cổ chai trong quá trình nộp học bổng
Bạn nên nhớ rằng để được xét hồ sơ ở bước (2) – SISGP thì bạn phải được một trong các trường nằm trong nguyện vọng ở bước (1) đồng ý nhận ngay trong lần xét hồ sơ đầu tiên. Điều cần chú ý ở đây là nếu hồ sơ bạn bị thiếu, hoặc có thông tin không rõ ràng (ví dụ: bảng điểm không có bản dịch tiếng Anh, giấy tờ mà SI không hiểu, kể cả có là lỗi của người xét duyệt hồ sơ) thì University Admissions sẽ đánh dấu hồ sơ của bạn là “cần bổ sung thông tin”. Tại thời điểm SISGP bắt đầu xét hồ sơ thì hồ sơ của bạn vẫn chưa sẵn sàng và không được xét duyệt. Như vậy ở bước (1) bạn cần đảm bảo thông tin trên university admissions là mạch lạc, rõ ràng, nếu cần thiết có thể viết thêm thông tin giải thích.
Tất cả các hồ sơ này bạn phải cung cấp thông qua các form được SI công bố chính thức vào tháng 2 hàng năm. Cái khó ở đây là SI chỉ cho bạn 10 ngày (kể từ ngày công bố form đến deadline) để hoàn thành tất cả thông tin, xin thư giới thiệu (LOR) và các con dấu cần thiết khác. Đối với người Việt Nam quỹ thời gian hạn hẹp này còn trở nên khó hơn vì thường 10 ngày này hay rơi vào khoảng thời gian trước, trong, hoặc sau Tết, cũng là khoảng thời gian bạn khó thể xin dấu hoặc nhờ vả người khác. Vì vậy, lời khuyên ở đây là bạn nên chuẩn bị xa trước 10 ngày này, ví dụ như tính toán ngày và thông báo trước với người có thể giúp bạn. Một tip nữa là thường thì các form này sẽ được công bố khoảng vài ngày trước ngày được ghi, nên trong vòng 1 tuần trước đó bạn nên kiểm tra web của SI thường xuyên.
Học ở Thuỵ Điển có cần học tiếng Thuỵ Điển không?
Thụy Điển là một trong những quốc gia nói Tiếng Anh tốt nhất thế giới trong các nước Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính. Nói ngắn gọn thì tiếng Thuỵ Điển sẽ không làm bạn gặp trở ngại gì với cuộc sống ở đây. Nhưng mà thử học một ngôn ngữ mới cũng “cool” đấy chứ nhỉ? Tại sao không. Biết tiếng Thuỵ Điển, bạn sẽ tận hưởng cuộc sống ở đây hơn, gần với văn hoá bản địa hơn. Tiếng Thuỵ Điển cũng sẽ giúp bạn dễ dàng tìm việc hơn sau khi hoàn thành xong chương trình học.
Làm thế nào để tạo ra may mắn?
Thông qua tham khảo hồ sơ của các thế hệ SI holders, mình quan sát thấy có nhiều CV của mọi người có bao gồm: hoạt động từ thiện trong đó mình là leader/organizer, leader của startups, leader của các dự án nhằm giảm thiểu đói nghèo, hoặc là có những bước ngoặt trong sự nghiệp với mục đích cải thiện xã hội thay vì sự nghiệp cá nhân. Dựa theo những ví dụ này có thể bạn đã cảm nhận được cái “gu” và cái “vibe” mà SI tuyển chọn. Tuy nhiên, việc được nhận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Một yếu tố mang trọng số lớn mà người nộp SI không thể tự đoán biết được là SI muốn tối ưu tính đa dạng (diversity) của những hồ sơ thành công. Như vậy, kể cả những hồ sơ rất “khủng” cũng có nguy cơ bị loại, nếu như có nhiều người có hồ sơ cùng ngành/định hướng, và một trong số đó nhỉnh hơn bạn một chút xíu. Ngược lại, nếu hồ sơ của bạn có định hướng rất lạ, kể cả không theo kết luận phiến diện qua những ví dụ trên của mình, thì xác suất thành công cũng có thể không hề nhỏ.
Lời kết
Mức độ cạnh tranh của SISGP là khá cao: chỉ 2-6% số ứng viên sẽ trúng tuyển. Vì vậy, song song với việc nộp SISGP bạn nên tìm hiểu nộp thêm học bổng của trường để tăng thêm khả năng được hỗ trợ chi phí. Có khá nhiều trường có các học bổng học phí, thậm chí là cả chi phí sinh hoạt. Mình không tìm hiểu các trường khác nhưng mình biết trong đó bao gồm: Uppsala University, Stockholm University of Economics, Jönköping University, Göteborg University. Thông tin có thể tìm thấy trên trang web của từng trường.
Có thể nói rằng không quá khó để tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi học xong ở Thuỵ Điển. Học tập ở đây còn mở ra cơ hội việc làm ở các nước châu Âu khác, hoặc ở các châu lục khác. Theo làm nghiên cứu sinh (PhD) cũng là một lựa chọn không tồi vì Thuỵ Điển là một trong những quốc gia tốt nhất để làm PhD. Nội dung này mình đã viết với hi vọng rằng bất kỳ ai mong muốn đạt được SISGP nói riêng và học tập tại nước ngoài nói chung đều nhận được hỗ trợ để đạt được ước mơ của mình. Cảm ơn Opportunity Hunting vì đã tạo ra một môi trường tuyệt vời như vậy.
Nội dung trên có sử dụng thông tin trên trang si.se và tư liệu của chị Vũ Thị Lan và anh Trần Lợi là những người nhận được học bổng SISS 2016/2017, cũng như chia sẻ của các anh chị và bạn bè là SI Scholarship holders khác.
Bài viết được anh Đào Tuấn Anh viết riêng cho Opportunity Hunting, mong các bạn không sao chép dưới mọi hình thức.