Mình đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ được một năm. Vốn là một người rất độc lập, mình làm mọi thứ từ A đến Z và không thông qua bất kỳ dịch vụ tư vấn du học nào cả. Lúc biết được nhận vào học, mình định viết một bài blog về kinh nghiệm mình học được khi tự làm hồ sơ xin du học. Nhưng rồi bận công việc, chuẩn bị đi, rồi bận học, bận xin việc làm nên bài blog ngày ấy kéo dài đến 3 năm sau. Hôm nay mình quyết tâm viết ra kinh nghiệm này, mong có ích cho các bạn cũng có ý định hay đang tự túc chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ.
Bạn cần gì khi chuẩn bị du học thạc sĩ?
Mình sẽ bỏ qua những hướng dẫn đã có sẵn trên các website như bằng IELTS trên 7.0, điểm trung bình cỡ 7.0, hai bài luận Statement of Purpose và Personal Statement, thư giới thiệu… Đối với mình, cái bạn cần nhất là biết mình muốn đi học gì, vì sao, và học xong sẽ làm gì. Anh văn bạn có thể học và luyện tập. Nếu đầu tư thời gian và tiền bạc đúng chỗ thì chỉ cần một năm là bạn có thể đạt trình độ tiếng Anh yêu cầu. Hai bài luận cũng vậy. Nếu trình độ tiếng Anh bạn đã vững, bạn dành thời gian luyện viết mỗi ngày một bài luận và có người đọc góp ý thì sau vài tháng, kỹ năng viết của bạn sẽ không kém gì viết Văn tiếng Việt, hoặc có khi hơn.
Cái tốn thời gian hơn nhiều để tìm ra đó là đi học ngành gì, vì sao mình muốn học ngành đó, và dự định tương lai của bạn sẽ làm gì liên quan đến ngành bạn muốn học. Đối với một số người, tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này cần tới vài năm. Nếu bạn không có sẵn câu trả lời cho những câu hỏi này, dù bạn có giỏi viết tiếng Anh đến mấy, sẽ rất khó thuyết phục hội đồng tuyển sinh, và sau đó thuyết phục nhân viên lãnh sự khi phỏng vấn visa, lý do đi học.
Từ lúc sau khi tốt nghiệp đại học, mọi người đã hỏi mình có định học thạc sĩ không. Mình cũng thích đi du học từ trước đó rồi, nhưng đi học cái gì thì không biết. Ý tưởng học ngành gì của mình thay đổi qua năm tháng và chưa bao giờ mình cảm thấy chắc chắn cả. Mãi đến 6 năm sau khi tốt nghiệp đại học, tìm được công việc yêu thích, mình mới thực sự tìm ra cái mình muốn học. Lúc đó là lần đầu tiên mình cảm thấy rất tự tin vào lựa chọn ngành học của mình và quyết tâm đi du học năm sau đó.
Nói thế không có nghĩa là nếu bạn chưa chắc chắn hay không cảm thấy tự tin thì không nên ứng tuyển du học. Tìm và nộp hồ sơ các chương trình giáo dục ở nước ngoài là một quá trình khám phá bản thân. Trước khi đậu hồ sơ du học có kèm học bổng, mình đã rớt tất cả các fellowship và scholarship mình nộp đơn trong vòng 3 năm liền. Nhưng sau mỗi lần viết hồ sơ du học, mình nhìn lại và ý thức hơn nhiều về bản thân. Để trả lời những câu hỏi trong hồ sơ, mình bắt buộc phải suy nghĩ về bản thân, cái gì khiến mình khác biệt so với người khác, mình muốn gì, sự kiện trong đời đã khiến mình trở thành con người ngày hôm nay. Tự ý thức những điều đó về bản thân không dễ, nhất là môi trường VN thiếu giáo dục và tư vấn về những chi tiết này. Diễn tả cho một hội đồng tuyển sinh sống cách bạn nửa vòng trái đất và có ít kiến thức về môi trường mà bạn lớn lên càng khó hơn. Nếu bạn vì thiếu tự tin mà không cố gắng viết hồ sơ nào cả, sẽ rất khó để thúc ép bản thân suy nghĩ và tìm ra câu trả lời để nắm bắt cơ hội du học trong tương lai. Bạn có thể sẽ đậu hoặc không đậu cơ hội mà bạn đang nhắm tới hiện tại. Nhưng công sức của ngày hôm nay sẽ đóng góp vào sự trưởng thành và thành công của bạn trong tương lai.
Chọn người chỉ đường – mentor và chọn lọc lời khuyên
Không chỉ trong việc làm hồ sơ đi du học mà bất cứ bước tiến nào bạn muốn đạt được nhưng không biết con đường đi tới thành công thì nên tìm một người chỉ đường – mentor. Người mentor của bạn phải là một người đã trải qua cái mà bạn đang muốn làm. Nếu bạn đang muốn đi du học, chọn mentor là người ít nhất đã đi học ngành mà bạn đang muốn học, hoặc càng gần với ngành nghề của bạn càng tốt, ở đất nước/ vùng bang/ trường mà bạn đang nhắm tới. Mentor thường có thể là đồng nghiệp, sếp, hoặc anh chị em thân thiết trong các mối quan hệ của bạn. Bạn có thể có vài mentor cho những khía cạnh khác nhau: tìm hiểu mình muốn gì, cách chọn trường và ngành, cách làm hồ sơ du học, chuẩn bị lên đường. Ví dụ, mình muốn học thạc sĩ giáo dục. Năm mình apply cho chương trình US Guide Mentoring 2016, may mắn sao có đúng một bạn mentor trong ngành giáo dục. Ngoài bạn mentor này ra, mình còn có sếp ở chỗ làm giúp mình đánh giá các lựa chọn khi phải đưa ra quyết định khó khăn, một bạn đồng nghiệp mách cho mình trường mà mình chọn học, và một vài người đọc và góp ý bài luận cho mình. Mình rất là may mắn vì có môi trường làm việc đầy sự ủng hộ và đồng nghiệp rất tốt.
Một điều quan trọng nữa là mentor phải hợp tính với bạn và có quá trình suy nghĩ trên cùng một tần số với bạn. Nếu bạn và mentor không hợp tính tình, sẽ rất khó cho cả hai hiểu nhau và tìm ra lời khuyên có ích. Bạn sẽ khó hiểu hết những chỉ dẫn của mentor, bắt kịp cách họ suy nghĩ và phân tích vấn đề cũng như khó cho người mentor hiểu được bạn đang bị vướng mắc chỗ nào và làm sao giải thích vấn đề cho bạn. Thường chỉ cần làm việc và thông qua vài lời khuyên là bạn sẽ biết giữa bạn và mentor hiện tại có hợp nhau không. Nếu không hợp nhau, hãy khéo léo cảm ơn người đã giúp bạn, giữ mối quan hệ và tiếp tục tìm một mentor mới hợp với mình hơn.
Khi biết bạn muốn đi du học, sẽ có rất nhiều người muốn khuyên bạn đủ thứ. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, tất cả mọi người đều có ý tốt khi đưa ra lời khuyên, nhưng không phải lời khuyên nào cũng có ích hay có thể sử dụng trong hoàn cảnh của mình. Để tránh lâm vào hoàn cảnh đẽo cày giữa đường, bạn có thể tập chọn lọc lời khuyên, cái nào đáng để làm theo, cái nào bỏ qua. Nếu bạn đang trong tình trạng nhận được lời khuyên từ nhiều phía và không biết nên theo ai, bên dưới là một số câu hỏi để quyết định có nên nghe theo một lời khuyên, nhận xét hay không bao gồm:
- Người đưa ra lời khuyên này có kinh nghiệm trải qua những gì bạn đang muốn làm không, hay họ không thực sự có kinh nghiệm mà chỉ nghe câu chuyện của ai khác? Ở Việt Nam, đây là cả một vấn đề vì mọi người thường đưa ra ý kiến theo kiểu “nghe nói …”
- Kinh nghiệm của người này có liên quan đến cái bạn muốn làm hay không: họ có cùng ngành nghề, đi học ở cùng một đất nước, hay cùng một bang (vì nước Mỹ rất bự) mà bạn muốn học hay không? Ví dụ trước khi đi du học, chị họ của mình từng đi Anh khuyên mình nên mua một vài thứ cụ thể đem theo. Hên mà mình không nghe theo vì tình hình ở Mỹ hoàn toàn khác.
- Lời khuyên của họ có tích cực hay không? Ngay cả những người giỏi và thành đạt, không phải ai cũng biết đưa ra lời khuyên hữu ích. Nếu bạn cảm thấy thui chột sự tự tin hay cảm thấy người ta đang gián tiếp bảo bạn “thôi từ bỏ đi, sẽ không làm được đâu” thì đó không phải là lời khuyên đáng để bạn lắng nghe. Đưa ra lời khuyên thẳng thắn và nhận xét thực tế khác với việc khiến bạn mất hết tự tin và cảm thấy thua kém về bản thân
- Lời khuyên của họ có cụ thể và phù hợp với bạn hay không? Lời khuyên cụ thể hay không sẽ thấy rất rõ trong cách một người nhận xét bài luận của bạn. Nếu người đọc bài luận cho bạn chỉ nhận xét cái này không hay, không đủ thuyết phục, không rõ ràng, khó hiểu mà họ không cố gắng chỉ bạn làm sao để hay hơn, rõ ràng hơn, thuyết phục hơn từ những gì bạn đã viết được thì lời khuyên của họ không cụ thể.
- Lời khuyên phù hợp cũng cần phải đúng với trình độ của bạn để bạn có thể làm. Một trong những mentor mà mình có trong quá khứ, sau khi đọc bài luận của mình đã gửi mình cho một bài luận mẫu ở trình độ rất cao mà trong đó hơn 50% số từ vựng mình không hiểu nghĩa là gì. Sau khi đọc lướt qua bài luận đó, mình cảm thấy áp lực và chả biết phải làm gì hơn với bài của mình vì trình độ của mình thua xa bài mẫu này và mình không thể bắt chước viết một bài tương tự.
Người mentor mà mình gặp qua US Guide có cách góp ý bài luận rất hay. Bạn bắt đầu góp ý từ dàn ý chung và cách viết học thuật của mình trước (academic writing). Sau khi mình đã có dàn ý vững vàng và chỉnh sửa theo đúng academic writing, bạn ấy nhận xét cách mình sắp xếp, diễn đạt ý và dẫn chứng trong từng đoạn văn. Sau khi mình đã hoàn thiện từng ý lớn, ý nhỏ, dẫn chứng, cách diễn đạt, bạn ấy mới sửa ngữ pháp và từ vựng. Cách góp ý bài luận này giúp mình rất nhiều so với đa số những người đọc bài luận của mình trước đây, nhận xét từng chi tiếc nhỏ trong bài và thiếu cái nhìn tổng quát.
Không so sánh
Sau khi được nhận vào học trường mình yêu thích, có offer letter, thì khoản một tuần sau mình nhận được kết quả Financial Aid. Mình được học bổng bán phần, hơi thất vọng vì mình nghe cựu sinh viên của trường từng được nhận nhiều học bổng hơn. Trong lúc đắng đo suy nghĩ có nên accept offer hay không thì bạn của mình, cũng tham gia mentee US Guide và apply ngành MBA nhận được 100% học bổng, kèm theo cả sinh hoạt phí.
Lúc đó thì mình thực sự thất vọng với bản thân. Mình nhớ lúc đó mình suy nghĩ: không lẽ mình không đủ năng lực để nhận được học bổng toàn phần hay sao?
Mình kể cho Mentor nghe và nhận được lời khuyên đến bây giờ mình vẫn cố gắng thực hành: không nên so sánh mình với người khác. Trong trường hợp của mình, ngành khoa học xã hội học bổng cực kỳ hạn chế so với MBA. Hầu hết mọi người học khoa học xã hội đều phải chi trả một phần học phí học thạc sĩ. Điều này hơi buồn nhưng thực tế là rất hiếm học bổng toàn phần.
“In the field of social science, scholarship for Master’s students is very limited. Almost everyone I know needs to pay partially for their Master’s (except for 1 person who completed her BA in the US and got her hands on several scholarships that applicants from other countries can’t approach). So, if you really really want to study in the US, you should expect to pay, more or less, for your education. I know it’s sad but full scholarship isn’t a common option for Master’s. Don’t compare to US Guide folks. The majority of them applied for MBA – not social science!”
Không so sánh bản thân với người khác là một điều không dễ chút nào, nhất là trong xã hội hiện nay mọi lời khuyên, đánh giá đều dựa vào sự so sánh giữa những người khác nhau, trường hợp khác nhau. Lúc đó mình đang thực hành Nonviolent Communication (Giao tiếp trắc ẩn). Một trong những nguyên lý của giao tiếp trắc ẩn là loại bỏ mọi loại phán xét bao gồm cả sự so sánh. Nhưng nếu không có Mentor chỉ ra cho mình thấy, trường hợp của mình khác với các bạn khác trong US Guide như thế nào, mình đã khó vượt qua khỏi dằn vặt bản thân.
- Nếu bạn đang làm hồ sơ du học tự túc, bạn đang có những thắc mắc gì chưa tìm được câu trả lời?
- Nếu bạn đã đi du học, điều gì bạn ước mình biết được trước khi lên đường?
Chia sẻ trên đây của chị Thúy, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực NGOs và đã theo học MA tại Mỹ, đồng ý chia sẻ tới bạn đọc của Opty Hunting. Chị Thúy cũng có blog Thuycheshire, các bạn tới thăm nếu muốn đọc thêm các trải nghiệm của chị Thúy nhé. Hình ảnh cờ Mỹ phấp phới trong bài do mình down từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.