Kinh nghiệm nộp học bổng SISGP (aka SISS) tại Thuỵ Điển (Sweden)

Ở bậc học Master mình nhận được học bổng SISS 2017 cho chương trình Master 2 năm tại ĐH Uppsala. Bài viết này muốn chia sẻ kinh nghiệm apply học bổng chính phủ Thụy Điển SISGP, viết tắt của Swedish Institute Scholarships for Global Professionals (trước năm 2018 có tên là SISS) dành cho bậc Master (Thạc sĩ).

Bài viết này có sử dụng tư liệu của chị Vũ Thị Lan và anh Trần Lợi là những người đạt được học bổng SISS 2016.

GIỚI THIỆU CHUNG

SISGP là học bổng toàn phần dành cho bậc Master tại Thụy Điển, bao gồm vé máy bay (~1 800 USD), phí visa, bảo hiểm, toàn bộ học phí (~35 000 USD) và 10 000 SEK (~1 050 USD) tiền sinh hoạt mỗi tháng. Học bổng này được áp dụng cho hầu hết các chương trình Master của các trường ĐH hàng đầu Thụy Điển. Đây là học bổng rất danh giá, không kèm theo bất cứ ràng buộc nào (ví dụ: buộc về nước sau khi học). Cái hay là ít người biết => giảm cạnh tranh. Mỗi năm có khoảng 10 sinh viên Việt Nam nhận được học bổng này. Quy trình nộp hồ sơ của học bổng rất rõ ràng, dễ theo dõi.

HỌC BỔNG NÀY DÀNH CHO?

Học bổng này yêu cầu chứng minh tối thiểu 3000 giờ làm việc (~2 năm full time), và kỹ năng lãnh đạo. Yếu tố quan trọng nhất không phải là thành tích học tập khủng hay kĩ năng học thuật mà là kinh nghiệm làm việc và kĩ năng lãnh đạo. Vì vậy chỉ cần bạn được nhận vào trường là được, GPA bao nhiêu không ảnh hưởng lắm (đừng thấp lắm là được). Tiêu chí lựa chọn của học bổng SISS là sự nổi bật của ứng viên, thể hiện qua kinh nghiệm học thuật/chuyên môn và khả năng lãnh đạo, tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Tuy vậy, khả năng lãnh đạo không phải là điều gì đó quá to tát mà đơn giản chỉ là những điều mình tiên phong làm để tạo ra sự thay đổi tích cực và tác động lên sự thay đổi của người khác. Đó có thể là một dự án dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ hay vai trò quản lý dự án nào đó.

VỀ THỤY ĐIỂN

Thụy Điển luôn trong top 3 quốc gia có chất lượng sống cao nhất/hạnh phúc nhất thế giới được đánh giá bởi usnews.

DU HỌC THỤY ĐIỂN

Điều kiện đầu vào của các trường ở Thụy Điển không khó lắm, 6.5 Ielts là được, không yêu cầu GMAT/GRE. Đồng thời Thụy Điển là quốc gia nói Tiếng Anh tốt nhất thế giới (trong các nước Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính). Thông qua SISGP, bạn có thể học tập tại một trong các trường ĐH tại Thụy Điển, ví dụ:

  • Uppsala University (từ năm 1477) – Top 100, nơi ra đời giải Nobel thế giới
  • Lund University – Top 100
  • Karolinska Institute – Top 10 ngành Y, nơi trao Nobel Y học
  • KTH, Royal Institute of Technology – Silicon Valley của Châu Âu
  • Nhiều trường đại học nổi tiếng khác như: Gothenburg, Umeå, Chalmers, Stockholm…

Ngoài SISS, sinh viên có thể xin học bổng miễn học phí của các trường đại học mà hầu như trường nào cũng có. Khi sang đây học, bạn cũng có thể tham gia vào hội sinh viên để xin học bổng của hội sinh viên.

QUY TRÌNH NỘP HỌC BỔNG

Quy trình nộp hồ sơ gồm 2 phần độc lập:

  1. Apply vào một trường đại học tại Thụy Điển qua trang https://www.universityadmissions.se/intl/start trước ngày 15/1 cùng năm nhập học (các bạn muốn theo học năm 2021 thì cần nộp trước 15/1/2021). .
  2. Nộp SISGP. Quy trình thực tế mỗi năm lại được cập nhật, bạn có thể tìm thấy tất cả tại: https://si.se/en/apply/scholarships/swedish-institute-scholarships-for-global-professionals/, đối với học bổng năm 2021 thì thời gian nộp học bổng là từ 8 – 18/1/2021.

Ở bước (1), các chương trình có trong danh sách được nhận SISGP được SI cập nhật vào khoảng tháng 11 năm trước đó (học bổng mở vào Tháng 2). Danh sách này bao gồm hầu hết các chương trình Master của các trường ĐH lớn nhất Thuỵ Điển. Danh sách các chương trình Thạc sĩ trong khuôn khổ học bổng năm 2021 có tại đây.

KINH NGHIỆM & TIPS

Cập nhật SISGP 2020/2021 và 2021/2022: Học bổng năm nay nhấn mạnh vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (the United Nations 2030 Agenda for Sustainable Development). Trong hồ sơ của bạn nên bao gồm các thông tin làm nổi bật lên việc làm thế nào bạn có thể đẩy mạnh một (hoặc vài) mục tiêu trong các mục tiêu kể trên.

Hồ sơ nộp SISGP thường có: motivation letter (ML), CV, 2 letters of reference (LOR), proof of work and leadership experience. Tất cả các hồ sơ này bạn phải cung cấp thông qua các form được SI công bố chính thức vào Tháng 2 hàng năm. Cái khó ở đây là SI chỉ cho bạn 10 ngày (kể từ ngày công bố form đến deadline) để hoàn thành tất cả thông tin, xin thư giới thiệu (LOR) và các con dấu cần thiết khác. Đối với người Việt Nam cái này còn khó hơn vì thường 10 ngày này hay rơi vào khoảng thời gian trước, trong, hoặc sau Tết, cũng là khoảng thời gian bạn khó thể xin dấu hoặc nhờ vả người khác. Vì vậy, lời khuyên ở đây là bạn nên chuẩn bị xa trước 10 ngày này, ví dụ như tính toán ngày và nói trước với người có thể giúp bạn. Một tip nữa là thường thì các form này sẽ được công bố khoảng vài ngày trước ngày được ghi, nên trong vòng 1 tuần trước đó bạn nên kiểm tra web của SI thường xuyên.

CV: làm theo mẫu của EU, chọn lọc các sự kiện làm nổi bật khả năng lãnh đạo & kinh nghiệm làm việc, nên ngắn gọn trong 2 trang (có form sẵn trên trang của SI).

Ví dụ form Motivation Letter năm 2019

Motivation Letter: Rất quan trọng để SI đánh giá và phân loại ứng viên. Lưu ý ML phải thống nhất với CV, LOR cũng như định hướng nghề nghiệp. Để làm tốt ML thì cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, theo mình phần quan trọng nhất trong ML là làm sao nêu bật được đinh hướng nghề nghiệp của mình sẽ góp phần giải quyết 1 issue nào đó cho xã hội, khá là mất thời gian suy nghĩ nên các bạn sẽ phải dành thời gian nhiều cho phần này. Nếu các bạn đã có định hướng rỏ ràng và cụ thể đáp ứng yêu cầu của SI thì perfect. Nếu các bạn chưa định hình được thì có thể tìm hiểu các issues mà VN đang gặp phải, chọn ra 1 cái liên quan đến nghề nghiệp mình nhất để từ đó xây dựng cho mình định hướng công việc trong những năm tới sao cho đồng thời giúp VN giải quyết tốt nhất issue mà bạn chọn. Nên trả lời 4 câu hỏi nên liên quan & thống nhất với nhau. Nên nhớ là trả lời câu nào cũng nên đưa vào những tình tiết thể hiện leadership của mình nhé. Cuối cùng, có 1 mục SI yêu cầu cung cấp website tổ chức các bạn đang tham gia giúp phát triển xã hội (social impact đại loại thế), các bạn cũng cần chuẩn bị từ bây giờ. Tốt nhất là list cái nào liên quan tới định hướng nghề nghiệp xíu.

LOR: phần này tốt nhất mình cần tổng hợp lại và sắp xếp những thành tích nêu bật tính lãnh đạo của mình trong quá khứ trước, sau đó trao đổi với sếp nhờ góp ý bổ sung và xác nhận. Các thành tích/định hướng công việc của mình cần thống nhất với CV, ML đã viết.

Tips thêm: Chỉ apply các chương trình 2 năm (có chương trình 1 năm). Visa trên 10 tháng tại Thụy Điển sẽ được cấp mã số cá nhân (personnummer), cho phép bạn mở thẻ ngân hàng, khám chữa bệnh gần như miễn phí (và nhiều lợi ích khác). Điều này càng ý nghĩa hơn nếu bạn muốn xin việc tại Thụy Điển sau khi học xong. Bạn nên nhớ rằng độ khó của việc đạt được HB 1 năm và 2 năm là như nhau.

BÊN LỀ

Những người nhận được học bổng SI trở thành thành viên của mạng lưới các nhà lãnh đạo toàn cầu tương lai (NFGL). Trong quá trình học tập tại Thụy Điển, thành viên của NFGL sẽ có các cơ hội tham dự các hội thảo, sự kiện hoặc các chương trình trao đổi mà có liên quan đến ngành học, rất có ích cho cơ hội nghề nghiệp cũng như sự phát triển cá nhân và khả năng lãnh đạo.

Bài viết này có sử dụng tư liệu của chị Vũ Thị Lan và anh Trần Lợi là những người đạt được học bổng SISS 2016, và được chia sẻ tới Opty Hunting từ anh Đào Tuấn Anh, theo học Thạc sĩ theo học bổng SISS, và hiện đang làm Tiến sĩ tại ĐH Uppsala. Hy vọng bài viết hữu ích với các bạn có ý định du học Thụy Điển.

Bài viết sử dụng hình ảnh miễn phí từ Unsplash.