Kinh nghiệm nộp học bổng (đỗ Erasmus Mundus & Chevening)

Mình viết bài này, để chia sẻ một chút những gì đã trải qua trong quá trình làm hồ sơ xin học bổng. Bản thân mình cũng không phải quá xuất sắc trong chuyện này, nên đơn thuần đây chỉ là chia sẻ những chuyện đã trải qua, không phải là bí quyết, hay lời khuyên gì. Mong là từ đó các bạn cần lời khuyên hay bí quyết có thể có được chút trải nghiệm thực tế.

Notes: Đây hoàn toàn là cảm nhận cá nhân rút ra từ quá trình xin học bổng của mình hoặc hỏi han các anh chị đi trước mà thấy hợp lý/đúng. Hoàn toàn không có tính xác thực hay được kiểm chứng. Chuyện mình gặp bạn chưa chắc đã gặp hoặc ngược lại.

Đôi khi trong bài mình dùng một số từ tiếng Anh, vì mình cảm thấy từ tiếng Việt không diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa của từ tiếng Anh, hoặc mình không tìm được từ phù hợp. Nếu bạn thấy khó chịu với cách dùng từ hổ lốn này, bạn có thể cố chịu bỏ qua, hoặc click vào nút hình mũi tên ở góc trên cùng bên trái màn hình.

Mỗi người một ngành một nghề, mình không biết quá nhiều về các ngành khác, nên mình không thể tư vấn việc nên chọn học ngành gì hay ở nước nào được. Mình nghĩ đây là vấn đề cá nhân mỗi người phải tự tìm ra. Ít nhất bạn cũng nên biết điểm đến, thì mới có thể đảm bảo đi tới nơi.
Bài viết khá dài (hơn 7 trang Word) nhưng mình không cắt thành các phần nhỏ. Khuyến cáo nên đọc lúc rảnh rỗi không có việc gì làm, tinh thần tỉnh táo hay đang mất ngủ

Những học bổng đã nộp và kết quả:

  • Học bổng của Leiden University (2014) – trượt.
  • Endeavour (2014) – trượt. Năm 2016 đang định nộp lại thì có kết quả Erasmus nên thôi.
  • VYLA (2014) – trượt, được feedback là còn thiếu kinh nghiệm.
  • Chevening (2015-2016) – đậu
  • Erasmus Mundus (2015-2016) – lúc đầu chỉ được nhận học và trượt học bổng, sau chương trình được thêm funding cho 7 cháu nữa nên được vớt lên nhận học bổng.
  • Học bổng chính phủ Hàn Quốc KGSP (2016) – trượt
  • NZAid (2016) – trượt
  • Fulbright (2016) – shortlisted for interview
  • ADB đang nghiên cứu nhưng chưa kịp nộp

Những điều nên làm:

1) CHUẨN BỊ SỚM

Không phải ngẫu nhiên mà bài chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng nào mình đọc hầu như cũng nói đến vấn đề này. Mình cũng thấy rằng đối với một cuộc hành trình như xin học bổng, càng chuẩn bị sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Tốt nhất bạn nên bắt đầu các công việc từ thời sinh viên, vì dù phần lớn học bổng toàn phần đòi hỏi bạn có 2 năm kinh nghiệm (một số chương trình không yêu cầu nhưng có kinh nghiệm làm việc vẫn được đánh giá cao hơn), thì 2 năm đi làm chưa chắc là dư dả để chuẩn bị.
Việc chuẩn bị ở đây không chỉ là việc xin LOR, viết CV, SOP, motivation letter hay thi chứng chỉ tiếng Anh. Bạn cần chuẩn bị cả bản thân. Điển hình nhất là thành tích đại học không thể có trong một sớm một chiều. Publication hay research để tăng điểm cho hồ sơ cũng cần khá nhiều thời gian chuẩn bị.
Ngoài ra, mỗi một học bổng đều có những tiêu chí tuyển chọn khác nhau. Việc bạn làm gì, tham gia những hoạt động ngoại khóa nào trong quá khứ cũng sẽ ảnh hưởng đến tổng thể hồ sơ chung, nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
Bản thân việc chuẩn bị application, mà cụ thể là viết motivation letter/SOP hay LOR cũng khá xoắn não. Mình thấy dành 1-2 tháng viết cũng không quá nhiều. Đương nhiên điều này không có nghĩa là bạn dành một ngày 8h chỉ để viết hồ sơ, đôi khi bạn không tìm được cảm hứng, hoặc không biết nên chữa phần viết sao cho hay và sẽ tốn hàng tuần, thậm chí là tháng, chỉ để tìm được cảm hứng viết hay nhờ được người đọc hộ.
Vì mình đã xin học bổng từ cuối 2013, nên tính ra mình đã mất tới hơn 2 năm chuẩn bị rồi ^^.
Ngoài ra chuẩn bị sớm thì nếu có trục trặc gì mình còn cấp cứu kịp thời. Lúc nộp Fulbright mình quên hoàn toàn vụ LOR cho đến trước khi submit khoảng 10 ngày, khá là hú hồn J.

2) HIỂU RÕ HỌC BỔNG BẠN MUỐN XIN

Thực ra dân săn học bổng Việt Nam mà mình biết đa phần đều rải truyền đơn đến hầu hết các chương trình. Nhưng mỗi chương trình tiêu chí lại rất khác nhau, và phần lớn mọi người đều không phải người đa nhân cách nên bạn ít nhất cũng nên chọn cho mình một chương trình đinh mà bạn thấy phù hợp và yêu thích nhất để tập trung đầu tư. Nếu chương trình nào cũng tà tà như nhau thì khả năng trượt đều là khá cao, trừ phi mặt nào của bạn cũng xuất sắc cả.

Mình từng đọc được một ý kiến (xin lỗi mình đã quên mất nguồn rồi) rất hay rằng được học bổng thực ra là một dạng may mắn, vì bạn vô tình là đúng kiểu người mà chương trình đó nhắm tới và/hoặc cùng năm bạn nộp không có ai xuất sắc hơn cũng nộp hồ sơ. Phần may mắn thứ hai phải dựa vào ý trời, nhưng phần đầu bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị được. Nếu bạn biết chương trình học bổng nào đó nhắm đến đối tượng nào, bạn sẽ biết cách làm cho mình giống với đối tượng đó nhất. Hoặc bạn sẽ chọn được học bổng phù hợp với bản thân mình nhất trong hằng hà sa số các chương trình đang có.

Vậy làm sao để biết kiểu người mà một chương trình học bổng nhắm tới? Hãy xem thật kỹ tiêu chí của từng học bổng. Mặc dù đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nhưng nó sẽ cho bạn thấy khái quát nhất đối tượng mà từng học bổng nhắm tới.

Ví dụ như Chevening rất chú trọng leadership and networking skills, mục tiêu rất rõ ràng là tìm kiếm lãnh đạo thực sự trong tương lai có thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Điều này được liệt kê rõ ràng trong phần tiêu chí tuyển chọn, cũng được thể hiện rõ trong phần hồ sơ khi 2/4 câu hỏi viết luận là về leadership và networking skills. Sau này phần interview cũng hỏi khá kĩ về leadership&networking nữa.

Erasmus Mundus là học bổng merit-based điển hình. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn chỉ cần học giỏi là được. Merit ở đây còn thể hiện cả ở chỗ làm việc tốt nữa. Chương trình của tớ yêu cầu phải có 3 sampling works và ít nhất 3 tháng kinh nghiệm làm việc trong ngành, câu hỏi viết luận cũng liên quan trực tiếp đến ngành học. Có chương trình đánh giá cao publication hay research. Cũng có chương trình mà khả năng biết nhiều hơn một ngoại ngữ sẽ làm tăng điểm cho hồ sơ (Tớ xem danh sách người nhận học bổng EM năm ngoái cho chương trình European culture có 1 chị phải biết đến 6-7 ngoại ngữ, từ Anh, Pháp, Đức, Ý, đến Trung, Nhật, vân vân và mây mây). Ngoài ra EM có mục đích thúc đẩy giao lưu văn hóa.

Học bổng của ADB, theo như mình hỏi han người đi trước, có ưu tiên nhất định đối với nữ giới, người có thu nhập thấp (và gia đình có thu nhập thấp), có bằng giỏi. Nó là học bổng phát triển lại của ngân hàng trao nên có kha khá chương trình thuộc các ngành kinh tế.

Bạn phải hiểu chương trình mình apply đơn giản để làm cho đúng và hiệu quả.

Ví dụ quy trình của Erasmus Mundus nhìn chung khá đơn giản, nhưng mỗi course lại phải apply riêng, và quy trình apply cũng khác nhau. Chevening ban đầu không đòi hỏi quá nhiều, và về lý thuyết sau khi được học bổng bạn mới cần xin admission offer/thi IETLS. Nhưng từ lúc có kết quả đến khi hết hạn nộp chứng chỉ và admission offer chỉ có hơn 1 tháng, tức là bạn phải đi đăng ký thi IELTS ngay lập tức và rất khó xin offer của trường mong muốn. Mình xin offer vào lúc biết tin được vào vòng phỏng vấn, là khoảng cuối tháng 2, nhưng đã có 1/3 khóa mình chọn kín chỗ rồi. Hay Fulbright phóng vấn vào giữa tháng 8, nhưng nếu được chọn thì đầu tháng 10 phải thi lại IELTS/TOEFL và thi thêm GRE/GMAT ngay, trong khi GMAT hay GRE không hề đơn giản chút nào. Bạn gần như không thể đợi đậu rồi mới chuẩn bị.

Bên cạnh đó, mỗi chương trình có những ngành ưu tiên cũng như giới hạn nhất định. Điển hình là NZaid hay AusAid nhìn chung dành ưu tiên cho các ngành liên quan đến phát triển, nông nghiệp, vv. AusAid có hẳn một category cho giảng viên đại học và không cho học bổng với người xin học một vài ngành trong đó có ngành báo chí truyền thông. Chevening và Fulbright có vẻ thiên về mảng xã hội hơn. EM thì có từng khóa riêng biệt nhưng số khóa học xã hội lại có vẻ khá ít. Nhìn chung bạn sẽ khó được học bổng nếu ngành bạn chọn không phải ngành ưu tiên của chương trình, dù rằng bạn có thể giỏi hơn nhiều những người được chọn (cuộc đời nhiều khi bất công thế đấy).

Bạn nên tìm hiểu kĩ để tập trung đúng vào thế mạnh và tránh tình trạng chuẩn bị hồ sơ hết hơi mà bị đánh trượt vì những lý do không đâu.

3. TIẾNG ANH

Thực ra tiếng Anh không phải là tất cả. Mình thấy khá nhiều người có quan niệm rằng chỉ cần IELTS từng này từng kia là được học bổng. Hay khi nói đến chuẩn bị xin học bổng thì chỉ chú trọng làm sao điểm tiếng Anh cao. Không thể phủ nhận rằng điểm tiếng Anh cao sẽ là lợi thế cho hồ sơ. Nhưng trừ phi bạn định học ngành ngôn ngữ Anh, hay văn học hay giảng dạy tiếng Anh, còn lại tiếng Anh cũng chỉ là điều kiện cần mà thôi. Bạn còn nhiều thứ khác phải làm. Đương nhiên một số ngành xã hội yêu cầu tiếng Anh có thể sẽ cao hơn các ngành tự nhiên.

Ví dụ như mình, 2 đợt nộp hồ sơ chính là cuối 2013-đầu 2014 và cuối 2015-đầu 2016, điểm IELTS vẫn ổn định là 7.5, thậm chí lần sau riêng điểm Reading còn tụt mất 0.5. Các điểm thành phần của mình cũng lệch nhau rõ ràng. (Lần 1: Reading 9, Listening 8, Writing 6.5, Speaking 6; Lần 2: Reading 8.5, Listening 8, Writing 6.5, Speaking 6). Nhưng nếu đợt 2014 thất bại thảm hại thì đợt sau khá hơn nhiều. Do đó, IELTS hay điểm tiếng Anh nói chung theo mình chỉ là điều kiện cần. Điểm cao thì rất ok, điểm thấp một chút cũng không phải là hết cách. Đương nhiên thấp dưới yêu cầu của chương trình thì bạn sẽ bị đánh trượt từ vòng screening.

Mình cảm thấy lý tưởng nhất là bạn nên được từ 7.5-8, hoặc cao hơn yêu cầu cứng ít nhất từ 0.5 đến 1 điểm. Đó là khoảng an toàn, còn khoảng thuận lợi sẽ cao hơn. Ở đây mình chỉ lấy ví dụ IELTS vì cũng chỉ thi mỗi chứng chỉ IELTS. Kinh nghiệm ôn thi của mình không có gì hay ho lắm, vì cũng không cải thiện được điểm số. Tuy nhiên phương pháp luyện thi và các lớp ôn chất lượng bây giờ khá nhiều nên mình cho rằng phần này không đáng lo lắm.

4. TÍCH CỰC HỎI Ý KIẾN

Thực ra mình là đứa khá ngại và vụng giao tiếp. Vì đi hỏi xin kinh nghiệm của các anh chị đi trước mà mặt dày hơn nhiều rồi ^^. Mỗi lần đi hỏi, viết câu hỏi rõ lâu, băn khoăn lắm rồi đến lúc đã gửi đi đều cảm thấy câu hỏi rất dở hơi, chỉ sợ làm người đọc phật lòng.

Các anh chị đã được học bổng, thường là sẽ đang bận học, hoặc đã đi làm và bận làm, nên dĩ nhiên không thể có mặt 24/24 trả lời bạn được. Đôi khi bạn gửi tin nhắn đi sẽ không được hồi đáp, nhưng bù lại sẽ có những người rất nhiệt tình. Nên đừng nản lòng.

Bạn cũng nên tham gia nhiều diễn đàn, facebook group hay tìm kiếm blog của các anh chị đi trước, khá là hữu ích. Nếu bạn nào apply Chevening có thể tham khảo blog của anh Long. Các bạn apply EM có thể xem blog của chị Ngân. Đọc rồi chỉ ước giá mình biết đến họ từ khi chuẩn bị hồ sơ thôi. Cả 2 anh chị này đều vô cùng nhiệt tình hướng dẫn các em.

Chỉ lưu ý nhỏ là bạn nên tìm hiểu trước về các chương trình học bổng mình muốn xin và tận dụng cơ hội để hỏi những vấn đề ngoài những cái đã được ghi rõ ràng rành mạch. Người được hỏi sẽ chẳng vui vẻ gì khi bạn hỏi những cái hiển nhiên, được nêu đầy đủ trên website hay có thể google được trong vòng 1s như phải nộp những giấy tờ gì, xin admission offer trước hay apply học bổng trước, vv.

Tốt nhất là bạn tìm được một người đã từng xin thành công đúng học bổng và đúng ngành bạn muốn xin, vì họ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về chương trình nhất. Ngoài ra cũng không nhất thiết là chỉ nên xin ý kiến của những người thành công trong việc xin học bổng, hay cùng ngành. Bạn có thể xin ý kiến tư vấn của bất kỳ ai, nhất là những người cho bạn cảm hứng. Khi viết motivation letter tớ gửi loạn xạ cho bạn bè nhờ đọc, mỗi người góp ý một kiểu, nhưng qua đó mình sẽ nhìn nhận đa chiều hơn, biết được điểm yếu của hồ sơ ở đâu để chỉnh sửa.

5. KIÊN TRÌ

Chuyện này nói dễ hơn làm nhiều lắm. Ví dụ như mình năm nay gần 25 tuổi rồi. Bạn bè xung quanh có người đã lấy chồng, sinh con (thậm chí 2 con), có người đi làm đã lên đến cấp specialist hay officer, lương tính bằng ngàn đô, nhiều người cũng học xong thạc sĩ rồi. Trong khi đó bản thân mình vẫn là nhân viên quèn, suốt ngày tìm cơ hội đi học, lắm lúc nản không cất đâu cho hết. Nếu không kiên trì, bạn rất dễ bỏ cuộc. Nhất là khi các chương trình nộp hồ sơ được thiết kế theo cách nào đó luôn làm mình cảm giác nản lòng kinh dị ^^. Những lúc đó phải cố vực dậy tinh thần. Chưa kể có những người nộp hồ sơ là thành công, nhưng có những người phải nộp đến vài năm mới được. Cũng không hiếm những người 29-30 tuổi mới đi học thạc sĩ.

Một cách khá hiệu quả là bạn nên có vài người bạn cùng tiến, cùng nộp hồ sơ, hay ít ra là cùng suy nghĩ, đang đi học. Những người đó sẽ giúp bạn cảm thấy bạn không đơn độc lắm trên đoạn đường này, dù rằng thực ra cũng đơn độc đó ^^. Khi mà xung quanh bạn toàn những người quan tâm đến vấn đề chồng con của bạn, hay những người chê bai rằng chuyện bạn xin học bổng là viển vông, hay những người cho rằng bạn thiếu chín chắn không lo ổn định thì làm sao bạn tâm bình khí hòa mà làm hồ sơ được? Bạn phải tự tạo ra một môi trường tích cực hơn. Stress dù là vì lý do gì cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả làm việc aka chuẩn bị hồ sơ của bạn.

6. VIẾT HỒ SƠ

Mình từng đọc được ở đâu đó, mà không nhớ chính xác, đại khái rằng hồ sơ của mình tốt nhất nên là từng miếng ghép lại tạo thành bức tranh hoàn chỉnh. Đầu tiên bạn nên vạch sẵn nhưng điểm nổi trội của bản thân mà bạn muốn thể hiện trong hồ sơ, và quyết định sơ lược ở phần nào bạn muốn viết gì. Thay vì nhắc đi nhắc lại một loạt ưu điểm ở mọi loại giấy tờ, bạn nên phân bổ ra để khi đọc hồ sơ người ta cảm nhận được từng phần của bạn một cách thuyết phục hơn là nghe đi nghe lại một số tính từ bóng bẩy. Những điểm mạnh có thể nhắc lại nhưng không nên nhai đi nhai lại.

CV: Cái này bạn sẽ dễ dàng tìm được mẫu phù hợp với mình trên mạng. Nhìn chung nó giống một cái khung liệt kê thành tích cá nhân của bạn, và sau đó bạn sẽ dùng phần thịt là SOP, motivation letter, thậm chí cả LOR để làm nó thành bức tranh hoàn hảo. Vì vậy, bạn nên chọn mẫu CV nào rõ ràng, mạch lạc mà vẫn nêu đủ những gì bạn muốn. Dài dòng quá thì không nên nhưng nếu sơ lược quá thì sẽ thành sơ sài mất. Có một lưu ý nhỏ là các chương trình của châu Âu có vẻ chuộng mẫu CV Europass. Thú thực lúc mới nhìn mẫu này tớ hơi… Nó thực sự khá là kì cục so với thẩm mĩ thông thường, nhưng bạn nên biết để làm cho chuẩn.

SOP/motivation letter: xu hướng mới nhất gần đây là các chương trình không đòi hỏi bạn viết một phiên bản SOP/motivation letter chung chung nữa, mà chia thành các câu hỏi nhỏ. Điển hình là Chevening hỏi 4 câu (leadership, networking skills, academic choice, future career), Fulbright hỏi linh tinh khá nhiều, có 2 câu quan trọng nhất là personal statement và research proposal. EM Journalism hỏi 4 câu (personal suitability to specialism choice, past academic record, future career and role of the program to the plan và một câu viết luận theo chủ đề có sẵn). NZAid hỏi na ná phỏng vấn xin việc, toàn yêu cầu kể cách giải quyết 1 tình huống cụ thể. KGSP cũng hỏi 3 câu (self introduction, study goal and plan, future plan after study).

Nhìn chung bạn phải cố gắng thể hiện được rõ nét hai phần: con người và dự định.

Về bản thân, bạn phải thể hiện mình có những thế mạnh, những đặc trưng phù hợp với tiêu chí của chương trình, và xuất sắc hơn những người khác. Tóm lại là chứng minh “you’re the one”. Cái này tùy mỗi chương trình sẽ khác nhau, và mỗi người đều có câu chuyện riêng để kể. Khá nhiều lời khuyên rằng hãy viết SOP như kể một câu chuyện cuộc đời. Nhưng thực ra đôi khi câu chuyện cuộc đời bạn sẽ không nêu đủ những gì chương trình yêu cầu, nên hãy xem kĩ yêu cầu và cố gắng viết thật cụ thể, rõ nét, giống như bạn phải làm mình hiển hiện trước mắt giám khảo vậy.

Dự định tương lai theo mình lại càng quan trọng hơn. Một trong số những điểm cộng đối với hồ sơ là bạn có kế hoạch sự nghiệp rõ ràng. Điều này thể hiện một phần ở sự nhất quán trong kinh nghiệm làm việc và ngành học (đã học và muốn học). Về mặt này mình có điểm yếu là học một ngành (QHQT) nhưng lại làm một ngành khác (báo chí). Thế nên khi viết hồ sơ mình phải cố gắng thể hiện rành mạch bước chuyển đổi của mình. Nhìn lại thì hồi 2014 mình chẳng có kế hoạch gì rõ ràng cả, nhưng đến đợt sau mình đã vạch future plan chi tiết hơn, sau khi học xong sẽ làm gì, sau 5 năm sẽ làm gì. Khi bạn có một kế hoạch cụ thể, mọi chuyện có vẻ sáng tỏ hơn rất nhiều. Đặc biệt khi bạn tham gia các chương trình học bổng chính phủ, các chương trình nhằm mục tiêu phát triển, thường sẽ nhắm vào việc giúp phát triển nước bạn, kế hoạch rõ ràng sẽ thể hiện đầy đủ nhất sự phù hợp của bạn với chương trình.

Mình tốn rất nhiều thời gian cho phần này, mới đầu thì chẳng biết viết gì cho được một nửa (thậm chí là một phần ba) số từ quy định, sau đấy lảm nhảm đủ thứ hầm bà lằng, vật vã sắp xếp cho mạch lạc, đủ ý, hấp dẫn, rồi lại quằn quại cắt bớt cho vừa số từ quy định. Thông thường các chuyên viên cấp thấp của chương trình sẽ đọc và lọc hồ sơ đầu tiên. Sau đó nếu hồ sơ đáp ứng một số tiêu chí sẽ được chuyển cho chuyên viên cấp cao hơn đọc để đánh giá, cho điểm. Mình nghe nói rằng tính trung bình với mỗi hồ sơ người đọc chỉ được trả lương vài đô/euro nên bạn không thể kì vọng người ta đọc kĩ, đọc lâu, hiểu cả những cái bạn chưa diễn đạt rõ ràng nếu bạn không viết đủ tốt. Ít ra phải đảm bảo hồ sơ qua được vòng 1 đã rồi mới kì vọng nó được những người cấp cao đọc. Thực ra những phần này mình viết cũng không quá hay, nhưng mình luôn cố gắng nói đủ những nội dung đã vạch ra từ trước, đồng thời đảm bảo tiêu chí khoe nhưng không lố. Không khoe thì không thể hiện bạn đủ xuất sắc để đạt học bổng, nhưng khoe quá đà luôn gây phản cảm, ít nhất với tớ là thế.

Túm váy lại, phần này, giống bạn mình nói, chính là “write your heart out”.

LOR: Thư giới thiệu có khi là phần quan trọng trong hồ sơ nhưng không đến mức hoàn toàn quyết định việc bạn được đánh giá ra sao. Có những chương trình khá coi trọng LOR nhưng cũng có những chương trình không đánh giá cao lắm. Ví dụ như Chevening đòi hỏi LOR phải ghi rõ gửi cho British Embassy/High Commission kèm thêm vài yêu cầu về nội dung, EM cũng có yêu cầu nội dung LOR (dù nghe nói điểm cho LOR của EM cũng khá thấp so với các hạng mục hồ sơ khác), KGSP yêu cầu thư được cho vào phong bì dán kín và ký giáp lai. Nhưng bù lại NZaid lại không đòi hỏi thư giới thiệu, Fulbright thì yêu cầu loằng ngoằng về mặt kỹ thuật (gửi mail có chứa link đăng nhập hệ thống để referee tự điền vào form điện tử).

Ngày xưa chuẩn bị ra trường mình cũng đã xin một loạt LOR nhưng rồi nhận ra chuyện này khá là vô dụng. Vì khi bạn bắt đầu apply bạn sẽ thấy 1 mẫu LOR duy nhất không thể đáp ứng được những yêu cầu khác biệt của các chương trình. Nên nếu bạn nào có dự định này thì từ bỏ luôn cũng được.

Tuyệt nhất là referee của bạn sẽ đủ thân quen, nhiệt tình, và không quá bận để viết cho bạn được khoảng 500-1000 từ đánh giá khách quan, sâu sắc mà lại giúp tô đẹp CV của bạn. Hơn nữa referee còn có thể viết LOR theo yêu cầu cụ thể của phía chương trình và của bạn. Và không chỉ một lần ^^. Mình đã gặp thầy trưởng khoa xin thư nhiều đến nỗi cứ thấy mình gọi điện là thầy đã hỏi luôn thầy cần làm gì rồi ấy Nhưng trường hợp lý tưởng này sẽ khá hiếm, thường ở VN bạn sẽ phải tự viết để referee ký tên, hoặc ít nhất là viết draft để referee chỉnh sửa, chữa lại. Việc này khá khó khăn vì bạn phải xoay sở sao cho các bức thư không có văn phong giống nhau và giống các phần khác mà bạn viết, nhưng cũng có cái lợi là bạn hoàn toàn chủ động đưa thông tin như thế nào vào LOR. Nếu chuyện viết theo nhiều văn phong khó quá thì ít nhất hãy đảm bảo nội dung các bức thư khác nhau. Dù sao thì LOR của giảng viên cũ và sếp hiện tại mà lại đánh giá bạn y xì nhau nghe cũng không logic chút nào mà.

Việc tự viết LOR này có lợi là bạn sẽ chủ động được nội dung bức thư, đưa được những “mảng màu” mà bạn muốn vào LOR để hoàn thiện bức tranh hồ sơ chung. Ngoài ra nếu xét đến việc referee của bạn có chức vụ, hoặc là trưởng khoa, thì chuyện có rất nhiều người xin LOR là dễ hiểu, trừ phi bạn đủ xuất sắc để người ta nhớ đến mình, còn không thì referee cũng sẽ chẳng biết nhận xét gì về bạn cho chân thực và hiệu quả cả. Mình đã gặp trường hợp referee muốn sử dụng nguyên một mẫu LOR của người khác và thay bằng tên mình. Cuối cùng mình đành thôi không xin LOR của người này vì có lẽ nó sẽ không giúp ích nhiều cho hồ sơ mà còn có thể gây bất lợi nữa. Do đó mình cảm thấy để mình tự viết LOR ít ra còn tốt hơn là xin được LOR đề tên mình mà lại mô tả một con người chính mình cũng không nhận ra.

Cũng không thể không nhắc tới, đôi khi những điều trên là không cần thiết, nếu bạn có a mighty referee. Ví dụ đó là người cực kì có tiếng tăm trong nước, thậm chí là ở nước ngoài trong lĩnh vực của bạn. Then, it is the referee that counts, not the letter. Và lúc ấy thậm chí LOR của bạn còn bù đắp được cả thiếu sót ở các phần khác trong hồ sơ nữa, nhất là đối với các chương trình coi trọng LOR.

Cuối cùng bạn phải cực kì cẩn thận, đừng bỏ sót các guidance package của chương trình. Lúc nộp hồ sơ cho NZAid mình không tài nào lập được account chỉ vì bỏ luôn mục check eligibility do tưởng rằng nó chỉ là mục thông tin và tự tin rằng mình đọc kĩ phần giới thiệu rồi mà không biết nó là bước bắt buộc để hệ thống kích hoạt account. Hay chương trình Fulbright năm nay, trong hệ thống chỉ yêu cầu submit academic transcript thôi nhưng phần guidance có hướng dẫn phải đính kèm cả bachelor degree. Ai thiếu đều bị coi là uneligible hết cả.

7. HỌC BỔNG DU HỌC KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ

Được học bổng thì có thể bạn giỏi hơn, hay may mắn hơn nhiều người, nhưng như thế cũng không có nghĩa là người không được học bổng kém hơn bạn, hay bạn sẽ thành đạt hơn người khác. Được một học bổng dù danh giá đến đâu cũng không có nghĩa là bạn đã bước vào giới tinh hoa để cả xã hội phải ngưỡng vọng. Nhà tuyển dụng cũng không chọn bạn chỉ vì bạn được một học bổng nào đó.

Vì thế, mình cảm thấy điều đầu tiên cần làm khi định chuẩn bị xin học bổng (mặc dù nói cuối cùng) là bạn phải xác định xem mình có thực sự cần học bổng này hay không. Bạn có sẵn sàng bỏ thời gian công sức vào việc chuẩn bị hồ sơ, thay vì dành vào việc phát triển sự nghiệp, kiếm tiền làm giàu không? Bạn có thấy việc bỏ 2 năm đi học, tách khỏi môi trường làm việc sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn việc bạn phấn đấu trong văn phòng hay không?

Nhiều người cảm thấy xin học bổng cũng như thi đại học, cả thiên hạ đều làm thì cớ gì mình không thử. Nhiều người cho rằng cái mác học bổng có thể đưa mình lên một tầm cao mới. Nhưng thực ra, xin học bổng khắc nghiệt mệt mỏi hơn, quá trình du học cũng nhiều thử thách, và cũng như thi đại học, đỗ được trường ngon chưa chắc sau này bạn sẽ thành đạt. Thế nên, việc đầu tiên, thiết yếu nhất của bất cứ thợ săn học bổng nào, là nghĩ kĩ xem bạn có thực sự cần và muốn có học bổng du học hay không.

Tổng kết lại, apply học bổng chẳng dễ chút nào, và không đơn thuần là đi thi, điểm cao thì được vào. Mà để đi thi đạt điểm cao, không phải lúc nào cũng dựa vào trí tuệ thông minh mà ^^. Nó khá giống quá trình xin việc, tìm việc. Bạn sẽ tìm được phần xứng đáng với nỗ lực mình bỏ ra.

Trên đây là bài từ chị Lynnsalcove, đồng ý chia sẻ tới các bạn đọc của Opty Hunting, hy vọng sẽ giúp các bạn có định hướng rõ ràng khi nộp hồ sơ học bổng, và xác định thể hiện bản thân ra sao trong bộ hồ sơ. Bài chia sẻ này được viết năm 2016 và sau đó bản chỉnh sửa được đăng trong Erasmus Mundus Guidebook năm 2018.

Hình ảnh thành phố Copenhagen, Đan Mạch trong bài được down từ nguồn ảnh miễn phí của Unsplash.