Chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển học bổng Chevening

Mọi người vẫn hay thấy các bạn theo học bổng Chevening của Chính phủ Anh hay học ngành (aka discipline) hẹp, ví dụ Master in Education and Neuroscience, hay Cancer Research and Precision Oncology, hay Air Transport Planning and Management… Nhưng thực tế các bạn nộp ngành rộng và phổ biến cũng vẫn có cơ hội được Chevening công nhận và tiếp sức, nếu như lý do đi học đủ thuyết phục – như việc áp dụng được trong ngành (sector) hẹp. Mọi người đọc thử bài chia sẻ kinh nghiệm này của bạn Opty Hunter Ngọc Anh học ngành rộng Management để làm việc trong ngành chè nhé. Bật mí là Opty Hunting sẽ sớm có webinar về học bổng Chevening cũng có sự tham gia của Ngọc Anh, các bạn có thể hỏi thêm thông tin chi tiết từ Ngọc Anh vào hôm đó. Và vẫn như mọi khi, webinar của Opty Hunting sẽ không có quảng cáo dịch vụ gì, thuần chia sẻ thông tin, và hoàn toàn miễn phí; hy vọng vẫn nhận được ủng hộ và sự công nhận của mọi người. *Còn nếu bạn cần đồng hành trong quá trình apply thì hãy cân nhắc Lớp Apply hoặc Mentor 1-1/Mentor 1-1 Exclusive của Opty Hunting nhé.


Xin chào mọi người,

Mình là Ngọc Anh – học giả Chevening 2023/2024. Sắp tới đây mình sẽ sang Anh học thạc sĩ ngành Management tại đại học Warwick.

Nhân dịp học bổng Chevening dành cho khoá 2024/2025 mở đơn, mình xin được chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm cá nhân trong suốt quá trình từ nộp đơn đến khi nhận kết quả trúng tuyển.

Trước khi đi đến việc nộp hồ sơ, có VÀI điều bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng:

1. CÁ TÍNH CỦA HỌC BỔNG:

Tất cả các thông tin cơ bản liên quan đến đối tượng đủ điều kiện nộp, các yêu cầu cơ bản như có 2 năm kinh nghiệm làm việc… đều có thể tìm thấy trên trang web chính thức của Chevening

Những tố chất mà Chevening mong muốn nhìn thấy ở ứng viên(mà chắc hẳn các bạn đã nghe rất nhiều rồi): Khả năng lãnh đạo + khả năng kết nối cộng đồng(networking) + có kế hoạch tương lai rõ ràng. Vậy làm thế nào để biết mình có những điều Chevening đang tìm kiếm để có thể ‘’give the monkey what it wants’’ 😀? Thế nên chúng ta đi đến điều thứ 2.

2. CÁ TÍNH CỦA BẢN THÂN NGƯỜI ỨNG TUYỂN:

Chúng ta đều biết rằng ngoài những thông tin cá nhân như trình độ, bằng cấp, bạn sẽ còn phải nộp 4 bài luận về Leadership & Influence; Networking ; Studying in UK; Career plan.

Trước khi viết bài, bạn hãy suy nghĩ về một kế hoạch tổng thể: Bạn định theo ngành gì? Lý do? Bạn định chọn trường nào? Lý do? Bạn đã có kinh nghiệm như thế nào trong lĩnh vực bạn chọn?(Kinh nghiệm ở đây bao gồm cả thành tích cá nhân, khả năng lãnh đạo đội nhóm và thành quả nếu có, khả năng tương tác và kết nối với những người trong cùng lĩnh vực và ngoài lĩnh vực đó nhưng có sự kết nối và có thể giúp ích được cho công việc mà bạn đang làm). Sau khi học xong bạn có kế hoạch gì trong tương lai ngắn hạn và dài hạn?

Một lời khuyên của mình dành cho các bạn đó là nên cân nhắc kỹ về lựa chọn ngành định học vì nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc bạn có thành công chinh phục học bổng hay không. Ngành bạn chọn có thể phổ biến (như mình đã chọn) hoặc không phổ biến, điều đó không quan trọng bằng việc bạn chứng minh cho ban giám khảo thấy bạn thật sự Hiểu mình (tại sao bạn cần đi học) và Hiểu nghề (bạn đã gắn bó với nghề này như thế nào trong quá khứ, hiện tại và tương lai): Ngành bạn chọn; Lý do bạn chọn ngành; Công việc hiện tại và kinh nghiệm trong quá khứ; Kế hoạch tương lai phải có sự tương quan. Sự tương quan ở đây không nhất thiết là bạn phải đi học đúng ngành bạn đang làm, mà là những gì bạn có được từ công việc sẽ bổ trợ cho việc học tập và tương lai của bạn. Hãy cho ban giám khảo thấy được bạn thật sự tâm huyết.

3. CHẮT LỌC THÔNG TIN ĐƯA VÀO BÀI LUẬN:

Vì mỗi bài luận chỉ gói gọn trong 500 chữ thôi, nên các bạn hãy lựa chọn những thông tin cần đưa vào nhé. Sử dụng ví dụ để đưa vào bài nhưng nhớ là đừng dùng ví dụ lan man sa đà vào liệt kê kiểu: ‘’Tôi đã lãnh đạo 10 đội nhóm như sau…’’, mà hãy nói: “Tôi và nhóm của tôi đạt được kết quả A và chúng tôi đang tiếp tục làm kế hoạch B, trong quá trình làm việc tôi luôn khuyến khích thành viên của mình làm này làm kia :v ….” Đưa những thông tin tốt nhất vào bài, ít thôi nhưng phải cụ thể và chất lượng, nếu được thì hãy bằng những con số( thay cho ngàn lời nói :v)

Một người bạn Chevener của mình cũng chia sẻ tip như sau, mình để nguyên tiếng Anh vì dịch ra mất hay: “Be scholarly and authentic. Write from your heart and tell your story to outshine your competitors. Be intentional about your application. Put your all into it. Don’t submit a weak application and say “If I’m rejected I will learn from it’’ Let your application be strong enough to win”

4. CHINH PHỤC BAN GIÁM KHẢO Ở VÒNG PHỎNG VẤN:

Ban giám khảo sẽ gồm 3 thành viên: Một người đến từ Đại sứ quán, một người đến từ quỹ học bổng và một anh/chị cựu Chevener đã hoặc đang công tác trong lĩnh vực mà bạn chọn. Buổi phỏng vấn sẽ xoay quanh nội dung 4 bài luận mà bạn đã viết, ban giám khảo có thể sẽ hỏi những câu hỏi để hiểu rõ hơn về bài luận của bạn cũng như con người bạn, cứ bình tĩnh nhé.

Kinh nghiệm của mình cho vòng này đó là cứ mỉm cười thật tươi và tự tin trả lời những câu hỏi mà BGK đưa ra, vì đó là những gì bạn đã viết mà 😀 Ngoài ra mình cũng đã kể thêm được nhiều câu chuyện hay ho ngoài lề mà mình đã trải nghiệm trong những năm tháng làm nghề, về những nơi mình đã đi và những dự án trồng chè mà mình đang theo đuổi, nói thật là mình đã cười suốt cả buổi và BGK cũng rất hào hứng lắng nghe những câu chuyện của mình. Buổi phỏng vấn diễn ra khoảng 20 phút mà mình thấy nó trôi qua nhanh quá vì mình mải cười với kể chuyện :v.

5. NGƯỜI GIỚI THIỆU SẼ GIỚI THIỆU GÌ VỀ BẠN:

Nếu bạn được chọn vào vòng phỏng vấn, bạn sẽ phải nộp 2 thư giới thiệu từ 2 người quen biết bạn. Bạn nên chọn hai người mà có thể phản ánh những góc nhìn, những khía cạnh khác nhau về con người bạn nhé.

Mình đã chọn 2 người: Sếp hiện tại của mình(người quát mình mỗi ngày qua điện thoại) và Cô giáo dạy IELTS của mình(người đã kèm mình như kèm kem để mình có tấm bằng kịp nộp học thạc sĩ :v hai cô trò vật lộn với nhau trong đúng 1 tháng). Lý do mình chọn hai người này là vì:

  • Sếp của mình là người chứng kiến rõ nhất sự trưởng thành của mình trong công việc, thấy được năng lực và sự nỗ lực cũng như thái độ của mình trong công việc.
  • Cô giáo dạy IELTS của mình không chỉ là người dạy mình mà còn là người bạn đồng nghiệp cùng mình thực hiện một vài dự án nhỏ ở các trường học xung quanh khu vực công ty của mình. Cô là người công nhận thái độ học tập nghiêm túc quyết chiến quyết thắng của mình (mình toàn học lúc 6h sáng hoặc 10h tối vì mình không có thời gian). Vì thế cô đã viết một chiếc thư dưới góc nhìn của một người ngoài ngành nhìn vào, và cô công nhận những tố chất mình có trong một vài lĩnh vực ngoài làm chè.

Và đó là tất cả những gì mình muốn chia sẻ, có chỗ nào còn khó hiểu hay thiếu sót mong các bạn bỏ qua vì mình không giỏi văn lắm :v Nếu còn gì thắc mắc thì đừng ngần ngại nhắn tin cho mình nhé. Cảm ơn các bạn và chúc các bạn thành công ❤

Photo by Tom Podmore on Unsplash.