Kinh nghiệm apply Danish State Scholarship và Swedish Institute Scholarship for Global Professional (SISGP)

Xin chào các bạn đọc của Opty Hunting!

Mình là Hạnh, 1 Opty Hunter 😀. Đợt apply năm nay mình đã may mắn nhận được 2 học bổng toàn phần chính phủ Đan Mạch và Thuỵ Điển. Mình đạt Danish State Scholarship tại Copenhagen Business School (CBS), và Swedish Institute Scholarship for Global Professional (SISGP) cho 2 năm học tại trường Jonkoping University. Trong bài viết này, mình xin được chia sẻ lại kinh nghiệm cá nhân mình có được sau hành trình chinh phục học bổng du học vừa rồi. Mình mong rằng nó có thể giúp ích được cho các bạn đang và sẽ có ý định apply du học sắp tới.

Để tiện tham khảo và hình dung, mình sẽ chia bài viết thành 5 phần tương ứng theo các giai đoạn của 1 hành trình chuẩn bị du học:

1. Giai đoạn ý định (mental preparation)
2. Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ
3. Giai đoạn chính thức làm hồ sơ
4.Giai đoạn nộp hồ sơ
5. Giai đoạn chờ đợi

1. Giai đoạn ý định (mental preparation)

Với cá nhân mình, đây là giai đoạn cần nhiều thời gian và sự kiễn nhẫn (dành cho bản thân) nhất. Ước muốn đi du học trong mình phát triển không phải theo đường tuyến tính thẳng tắp từ đầu đến đến cuối, mà nó “uốn lượn” theo hình chôn ốc. Có những giai đoạn mình muốn đi đến sục sôi, kiểu như không thể làm gì khác ngoài việc tìm mọi cách để đi. Nhưng cũng có vài khoảng thời gian mình hoàn toàn không nghĩ tới du học, không thể nào tìm ra lí do để mà đi. Cứ vậy, khao khát rồi nản lỏng, khẳng định phải đi và rồi phủ định chính ý định đó. 

Sau 6 năm quan sát và đối diện với chính mình như vậy, mình ngẫm ra được rằng: việc tìm cách để đi du học, thật ra lại chính là hành trình đi sâu vào trong để thấu hiểu bản thân mình. Mình là ai, mình muốn điều gì, mình muốn sống cuộc đời như thế nào… Khi tự làm rõ và có được câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi đó, thì tự khắc việc có nên đi du học hay không không còn là cái gì đó mập mờ nữa.

Dưới đây là một số câu hỏi mình đã dùng để đối thoại với bản thân trong giai đoạn này, mình chia sẻ để bạn tham khảo:

  • mình muốn mình trong 5 năm nữa, 10 năm nữa sẽ như thế nào (viết ra càng cụ thể càng tốt…)
  • tại sao mình cần đi du học mà không phải học trong nước? học online thì sao hay nhất định phải đi nước ngoài? 
  • mình kỳ vọng điều gì sau 1 hoặc 2 năm du học? đó có phải điều mình thực sự muốn không?
  • mình sẽ cần đánh đổi những gì nếu đi du học/ nếu không đi du học?
  • …vv…

2. Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ

Sau khi đã làm rõ về WHY ở bước 1 thì từ bước này trở đi hành trình của mình diễn ra không quá khó khăn. Mình bắt đầu giai đoạn này từ khoảng tháng 7 năm 2022, nghĩa là trước lúc nộp hồ sơ 6 tháng.

Những gì mình tập trung làm trong giai đoạn này gồm có:

+) Luyện thi IELTS. Mình muốn ‘dứt điểm’ bước này nhanh – gọn – nhẹ nhất có thể, nên mình ôn luyện tập trung trong 3 tuần và sau đó đi thi luôn. Trọn gói trong 1 tháng

+)Tìm hiểu kỹ hơn về thông tin học bổng. Đó cũng chính là lúc mình biết tới Opty Hunting thông qua 1 bài viết chia sẻ kinh nghiệp apply SISGP của anh Đào Tuấn Anh. Và mình thì chỉ tìm hiểu về SISGP thôi, do là mình thích Thuỵ Điển từ lâu lắm rồi, và chỉ muốn đến đó học. Mãi tới lúc gần chính thức làm hồ sơ, mình mới biết thêm học bổng Phần Lan, và học bổng chính phủ Đan Mạch tại CBS (cũng nhờ thông qua mò mẫm trên Opty Hunting :D).

+) Tìm trường và chương trình học. Đây cũng là 1 bước mình dành khá nhiều thời gian – khoảng 5 tháng với rất nhiều thay đổi, đặc biệt là ranking trường ở Thuỵ Điển. Vì phải chắc chắn được nhận vào học tại trường, thì mới tới được bước đặt hy vọng cho học bổng SISGP. Đồng thời, cũng phải tính backup cho trường hợp nếu không đỗ SISGP thì vẫn còn cơ hội đi học thông qua học bổng trường. Mà đa số trường ở Thuỵ Điển chỉ xét cho học bổng nếu mình rank trường đó ở vị trí đầu tiên. Nên là, bước xếp hạng trường thực sự là 1 thử thách hack não.

+) Một bước ngoặt của mình vào cuối giai đoạn chuẩn bị này, đó chính là quyết định làm việc với Opty Hunting thông qua chương trình Mentor 1:1 với chị Minh. Giờ nhìn lại, thì mình tin đó là 1 trong số quyết định đúng đắn nhất trong đời mình luôn á!

3. Giai đoạn chính thức làm hồ sơ

Theo cách hiểu của mình, thì khoảnh khắc bắt đầu viết essay chính là lúc bước sang giai đoạn làm hồ sơ. Mình chính thức bắt đầu từ đầu tháng 11, và dành trọn 2 tháng sau đó để tập trung viết, cho tới sát nút nộp hồ sơ. 

Ở đây, mình chia làm 2 nhóm tài liệu. Nhóm A là essay admission vào trường. Nhóm B là các essay/ documents cần hoàn thành cho học bổng chính phủ. Với học bổng chính phủ Đan Mạch thì khá gọn nhẹ, khi chỉ cần 1 essay admission để nộp xét tuyển chương trình học lẫn học bổng. Còn với SISGP thì hồ sơ phức tạp hơn khá nhiều. Như mình có nói ở trên, phải được chấp nhận vào trường thì mới có cơ hội xét SISGP, nên trình tự làm essay của mình cũng theo thứ tự ưu tiên đó. Làm nhóm A trước, xong khoảng 80% thì mới làm nhóm B.

Về kinh nghiệm của mình trong việc ‘xử lý’ các documents/ paper works cho SISGP thì chắc là gói gọn trong cụm: one file at a time. Mình bắt đầu với LOR trước, vì cái đó cần nhiều thời gian trao đổi, thảo luận trước với người giới thiệu. Các file còn lại: proof of work, proof of leadership mình đều để tới sau khi nộp xong admission cho các trường thì mình mới làm. Thật ra mình thấy điều làm mình struggle nhất trong việc làm hồ sơ SISGP không nằm ở nội dung documents, mà nằm ở việc căn chỉnh sao cho nội dung ấy chuẩn với format có sẵn của file á. Bạn nào dùng macbook thì có thể sẽ (sớm) hiểu ‘nỗi khổ’ mình đang nói tới. Trong trường hợp này, lời khuyên của mình là nên đi mượn 1 em máy windows có MS office để điền file ngay từ đầu. Việc formatting qua lại thực sự tốn thời gian hơn mình hình dung rất nhiều.

Một điều mình rất biết ơn, đó là trong suốt giai đoạn làm hồ sơ căng não này, mình có chị Minh và Opty Hunting đồng hành. Cái cảm giác choáng ngợp và ‘không biết phải bắt đầu từ đâu’ trong những ngày đầu sẽ được xoa dịu và làm vơi đi rất nhiều. Khi biết rằng có một người mentor giỏi giang, giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết đang sánh bước cùng mình, mình cảm thấy tựa như đang leo lên vách núi cao nhưng biết chắc có một tấm đệm rất bự và rất êm ở phía sau vậy. Cảm giác an tâm và tự tin hẳn. Nếu coi mỗi version phải viết lại là 1 lần trượt tay ngã xuống, thì mỗi câu feedback, mỗi đoạn sửa hay định hướng của mentor là một trợ lực để mình bật lên, rồi từ đấy bắt đầu lại hiệu quả hơn. Quả thật, đó là sự đồng hành và cảm giác an tâm mà mình nghĩ ai cũng nên tìm và có trong suốt hành trình làm hồ sơ du học. 

4.Giai đoạn nộp hồ sơ

Giai đoạn này tưởng như đơn giản nhất, nhưng rất có thể là lúc chứa đựng một vài twist plot rất ‘đau tim’ nha. Ban đầu mình khá yên tâm khi lên timeline để hoàn thành và nộp trước deadline 2 tuần. Nhưng rồi đúng lúc dự kiến hoàn thành thì 1 trận cảm nặng bất ngờ tới khiến mình nằm bẹp mất 4 ngày, và gần 1 tuần sau đó đầu óc biêng biêng rất khó tập trung. Thành thử mình vẫn phải chạy đua ‘last minute’, và phải chấp nhận bỏ 2 trường mình dự định apply ở Finland vì không kịp chau chuốt essay cho từng trường.

Chưa kể là giai đoạn apply cho trường ở Châu Âu thường có deadline rơi vào cận Tết nguyên đán (với các năm Tết sớm). Như năm rồi, lúc sát deadline nộp hồ sơ mình cũng phải khăn gói về quê, tốn thời gian di chuyển, và còn dành thời gian với gia đình phụ dọn nhà, sắm Tết. Thành ra cũng hơi gián đoạn ‘flow’ làm hồ sơ. 

Vậy nên, mình vẫn nghĩ nên tạo deadline ‘giả’ 2-3 tuần trước thời điểm deadline thật sự, thậm chí sớm hơn nữa nếu có thể, để đề phòng các sự kiện bất ngờ xảy tới. 

5. Giai đoạn chờ đợi

Giai đoạn này với mình trôi qua khá nhẹ nhàng. Mình không quá chờ đợi kết quả, vì cũng có tâm lý rất rõ ràng là nếu năm nay rớt thì năm sau apply tiếp. Bên cạnh đó, trước đó mình ưu tiên tối đa thời gian cho việc làm hồ sơ, pending lại khá nhiều dự án công việc, nên là nộp hồ sơ xong cái là mình lại bay sang ‘túi bụi’ với công việc. Ngoài ra mình cũng đi học thêm 1 khoá nghệ thuật mà mình thích từ lâu, coi như 1 món quà tự thưởng cho việc bản thân đã cố gắng hết sức để hoàn thành hồ sơ. Khi dành hết chú tâm cho việc khác, mình sẽ ít bị nghĩ nhiều và lo lắng nhiều về kết quả. 

Chính vì quá khứ mình từng bị ‘tạch’ khá nhiều và thất vọng cũng rất nhiều, nên tự rút ra bài học cho bản thân. Đó là: (1) cố gắng giữ kỳ vọng ở mức vừa phải; (2) chuẩn bị sẵn ‘plan B/ C/ D’ cho tình huống không như ý xảy ra, và (3) thường xuyên nhắc bản thân nhớ rằng: kiểu gì thì mình cũng sẽ sống tốt, vì hạnh phúc không phải là đích đến mà chính là con đường mình đã và đang đi.

Lời kết

Cám ơn bạn đã đọc tới đây. Mình mong chia sẻ của mình có thể phần nào giúp bạn có thêm thông tin, thêm góc nhìn để chuẩn bị tốt hơn cho chặng đường làm hồ sơ sắp tới. 

Giờ nhìn lại, mình có thể khẳng định rằng đó là một hành trình rất gian nan, nhiều thử thách, cần nhiều đánh đổi – đó là sự thật, mình không muốn tô hồng hay lãng mạn hoá để động viên các bạn. Nhưng đổi lại mình cũng nhận lại rất nhiều điều giá trị: đó là những mối quan hệ mới: mentor, bạn cùng apply, hay những người mình ‘đánh liều’ connect trên Linkedin để hỏi xin kinh nghiệm,..; đó là cơ hội mở ra một chân trời hoàn toàn mới ở một vùng đất mới; và quan trọng nhất, đó là dịp để ngồi lại với bản thân, lắng nghe và đối thoại, để từ đó thấu hiểu hơn chính mình. Bởi vì ‘hiểu mình’ đôi khi mới là điều khó nhất trên đời, khó hơn nhiều lần việc apply học bổng chính phủ nữa, phải vậy không? 😉

Chính thế, hành trình này thực sự đáng, rất đáng.

Photo by Jessica Pamp on Unsplash


Opty Hunting chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ các bạn apply các học bổng/cơ hội quốc tế. Mentees của Opty Hunting (hay còn được gọi là Opty Hunters) đã đạt được nhiều học bổng khác nhau có giá trị toàn phần/cạnh tranh như: IDEAS/Irish Aid Fellowship/Ireland Fellows Program và GOI-IES của chính phủ Ireland, DAAD của chính phủ Đức, Fulbright của chính phủ Mỹ, Chevening của chính phủ Anh, Danish State của chính phủ Đan Mạch, GKS của chính phủ Hàn, MEXT của chính phủ Nhật, Erasmus Mundus, AAS của chính phủ Úc, SISGP của chính phủ Thụy Điển, Finland Scholarship của chính phủ Phần Lan, British Council’s Women in STEM, Green Futures của Exeter, L-EARN for Impact, Maastricht University Holland-High Potential hay các học bổng dài hạn/trao đổi/giao lưu ngắn hạn khác… Thành tích cụ thể và review của các bạn mentees có tại album Opty Hunters.

Các bạn xem thông tin về:
(i) Lớp học, học phí & lịch mở LỚP APPLY TỔNG QUÁT/ NGHIÊN CỨU
(ii) MENTOR 1-1 cho từng thành phần trong bộ hồ sơ hoặc Hourly Consulting hoặc Mock Interview (có thể bắt đầu luôn)
tại google form nhé.