Làm sao để tiếp cận các giáo sư để tìm kiếm các cơ hội nghiên cứu?
Thực ra cách tiếp cận giáo sư thông qua truyền miệng có nhiều rồi, nhưng lần này Opty Hunting sẽ chia sẻ lại cách tiếp cận được đăng trên tạp chí khoa học, và cụ thể là được soạn bởi 3 nhà nghiên cứu từ University College London Medical School với Imperial College London ở UK. Bài hướng dẫn liên hệ giáo sư này sẽ rất phù hợp và hữu ích với các bạn muốn tìm thực tập nghiên cứu (dù đang học Đại học hay sau Đại học) và các cơ hội nghiên cứu sau Đại học (như Thạc sĩ, Tiến sĩ, sau Tiến sĩ).
Tóm tắt nội dung bài báo: Trong bài báo này, các tác giả sẽ sử dụng kinh nghiệm của mình để cung cấp: các tips trong việc liên hệ các giáo sư hướng dẫn tiềm năng, nên trông đợi điều gì từ các giáo sư, và làm sao để tiếp cận họ cho các cơ hội nghiên cứu. Các tác giả tin rằng với kế hoạch phù hợp, sẽ có nhiều giáo sư rất sẵn lòng cho bạn tham gia vào nhóm nghiên cứu của họ.
1. Tại sao cần liên hệ giáo sư và làm sao để liên hệ giáo sư?
Các bạn sinh viên, dù đang học Đại học hay sau Đại học, có thể rất hứng thú với việc nghiên cứu và mong nắm bắt được các cơ hội phù hợp và có lợi ích cho tương lai lâu dài. Khi biết mình có hứng thú và muốn nghiên cứu một lĩnh vực cụ thể nào rồi, việc chọn lựa một giáo sư hướng dẫn tốt cũng như việc xây dựng mối quan hệ tốt với giáo sư hướng dẫn đó sẽ mang tính quyết định cho thành công của định hướng nghiên cứu của bạn. Vì vậy mà bạn cần liên hệ giáo sư, để được giáo sư đồng ý hướng dẫn mình chứ, có thể là cho nghiên cứu ngắn hạn trong hè, hay nghiên cứu cho đề tài tốt nghiệp, hay nghiên cứu cho cả chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Để liên hệ giáo sư, bạn cần vào website của trường hoặc của khoa sẽ thấy địa chỉ email chi tiết của các giáo sư.
2. Lên kế hoạch:
Có vài điều cần cân nhắc trước khi liên hệ các giáo sư tiềm năng, vì bạn bạn nên lên kế hoạch cụ thể về những người mà bạn định liên hệ, và cả nội dung mà bạn sẽ gửi.
- Đầu tiên xác định hứng thú nghiên cứu của bản thân. Bạn xác định sẽ đạt được điều gì với nghiên cứu của mình. Ví dụ: bạn đang liên hệ các giáo sư cho dự án ngắn hạn về deep brain stimulation? Hay dự án PhD về neural tube defects?
- Xác định các giáo sư trong viện/trường đang làm nghiên cứu liên quan tới chủ đề mà bạn muốn làm. Trường ĐH thường sẽ có một trang để tìm các nhà nghiên cứu đang làm trong các lĩnh vực cụ thể, ví dụ University College London có trang IRIS Research Portal.
- Liệt kê ra danh sách các giáo sư tiềm năng, và bạn cần tìm hiểu kỹ về từng người một. Thường thì các nhà nghiên cứu sẽ có website riêng để mọi người có thể tìm đọc về các nghiên cứu của họ. Bạn cũng có thể mở rộng ra để tìm thêm nghiên cứu họ mới xuất bản (ví dụ trên google scholar hay researchgate). Việc tìm kiếm này vừa giúp cho bạn hiểu hơn về lĩnh vực nghiên cứu của các giáo sư, vừa cho thấy sự nghiêm túc của bạn khi bạn bắt đầu liên hệ họ.
3. Liệu có thể liên hệ nhiều giáo sư cùng lúc không?
Các tác giả bài viết này làm trong lĩnh vực y học cho rằng một sinh viên đang ở trong giai đoạn đầu của việc nghiên cứu thì có thể quan tâm tới nhiều lĩnh vực khác nhau, nên có thể liên hệ nhiều giáo sư cùng lúc. Tuy nhiên, khi liên hệ và gặp mặt trực tiếp với các giáo sư, các bạn cũng không nên giấu diếm việc mình đang liên hệ nhiều giáo sư cùng lúc. Nếu bạn chân thực và xử lý tốt, hầu hết các giáo sư đều hiểu cho việc bạn đang quan tâm tới nhiều lĩnh vực khác nhau và đang hỏi han nhiều giáo sư khác nhau để hiểu hơn về các dự án nghiên cứu tiềm năng, cũng như xác định rõ xem nghiên cứu nào phù hợp với hứng thú của bản thân.
4. Làm sao để tiếp cận các giáo sư qua email đầu tiên?
Hãy nghĩ email đầu tiên với các giáo sư cũng giống như cover letter ấy. Email nên thể hiện được việc tại sao bạn là một sinh viên phù hợp cho nghiên cứu cụ thể đó, và tại sao giáo sư nên nhận hướng dẫn bạn. Hãy cân nhắc những điểm sau trước khi soạn thư nhé (những điểm này tưởng không quan trọng nhưng có thể tạo ra kết quả khác biệt: liệu bạn có được giáo sư phản hồi hay không đó):
- Phép lịch sự trong email: Hãy bắt đầu email với “Dear” và kết thúc với “Kind Regards”. Cũng nhớ đừng mắc lỗi chính tả hoặc ngữ pháp.
- Format của email cũng rất quan trọng: chọn font và size chữ phù hợp. Cách đoạn và cách dòng cũng cần phù hợp.
- Tiêu đề nên rõ ràng và thu hút được sự chú ý của giáo sư, cho giáo sư biết bạn là sinh viên nghiên cứu tiềm năng. Có thể đặt theo format: Interest in + tên học bổng + tên bậc học (ví dụ: Research Internship/ Mres/ Mphil/ PhD) + tên lĩnh vực nghiên cứu, kiểu như “Interest in Wellcome Trust PhD in Regenerative Medicine”.
Email cũng cần có cấu trúc rõ ràng, gồm:
- Mở đầu
- Nêu rõ bạn là ai, bạn làm gì, và có nguyện vọng làm gì. Ví dụ: “My name is Dan, I am a 2nd year medical student looking to undertake a BSc in Surgical Sciences next academic year”.
- Bạn cũng có thể nêu việc bạn biết đến giáo sư do đâu, ví dụ: đã tham dự bài giảng nào đó của giáo sư? Bạn thấy có điểm gì thú vị thông qua bài giảng đó? Hoặc nếu bạn được một người khác (đồng nghiệp/học trò cũ) của giáo sư thì cũng nên đề cập trong email.
- Nêu cả mục đích của mình nếu có, ví dụ: bạn muốn ứng tuyển một học bổng hay giải thưởng nào đó, hay bạn muốn trình bày kết quả nghiên cứu sau này của mình ở một hội nghị cụ thể nào.
- Thân
- Đây là phần quan trọng nhất của email. Và giống như cover letter, bạn nên thể hiện được bản thân là một ứng viên mạnh và có tiềm năng cho nhóm nghiên cứu của giáo sư.
- Bạn nên đính kèm CV trong email. Email cũng nên nhấn mạnh các điểm quan trọng nhất trong CV của bạn, ví dụ như kinh nghiệm nghiên cứu và sự quyết tâm theo đuổi nghiên cứu từ trước đến giờ. Nếu bạn đã từng có bài trình bày hoặc bài báo được đăng thì cũng nên đề cập.
- Bạn cũng cần nêu thêm hứng thú nghiên cứu của bạn đối với lĩnh vực mà giáo sư đang làm, và ại sao bạn lại muốn làm nghiên cứu ở nhóm nghiên cứu này. Bạn có thể đề cập tới các công bố của nhóm nghiên cứu này mà bạn đã đọc và thấy thú vị.
- Nếu nghiên cứu bạn định theo đuổi cần nguồn quỹ nghiên cứu, bạn cũng có thể nêu rõ (ví dụ: bạn tự bỏ tiền, hay đã nhận được quỹ nghiên cứu từ đâu…), mặc dù điều này không phải lúc nào cũng cần thiết.
- Kết luận
- Phần kết của email nên khẳng định và tóm tắt lại lý do tại sao bạn nghĩ mình phù hợp với vị trí nghiên cứu. Bạn cũng có thể đề xuất một buổi gặp (online nếu ở xa) với giáo sư để thảo luận thêm về các dự án nghiên cứu mà giáo sư có thể có mà phù hợp với bạn.
- Nếu bạn đã có nguồn hỗ trợ (ví dụ: khoa đã tiến cử bạn cho một học bổng/giải thưởng nào đó) thì cũng nên ghi rõ trong thư.
- Bạn có thể viết thêm các ý tưởng và nguyện vọng cho tương lai (ví dụ: I hope to develop into an academic neurosurgeon with a focus on deep brain stimulation).
5. Tại sao bạn chưa nhận được phản hồi?
Thực ra tốc độ phản hồi của các giáo sư cũng khác nhau, bởi vì nhiều sinh viên chưa hiểu được tầm quan trọng của email đầu tiên trong việc thể hiện bản thân là ứng viên sáng giá cho nghiên cứu. Nhiều giáo sư rất bận và có nhiều công việc khác ngoài học thuật nữa, cũng có thể email trước đó của bạn đã bị “chôn vùi” và lãng quên trong sự bận rộn kia. Vì vậy, bạn có thể thử gửi lại email sau một thời gian (1 tuần chẳng hạn).
6. Buổi gặp mặt
Việc giáo sư tương lai sắp xếp các buổi gặp mặt (có thể online/offline) với các ứng viên tiềm năng để thảo luận thêm về hứng thú và định hướng nghiên cứu của ứng viên là điều không hiếm. Nếu giáo sư quá bận rộn, họ cũng có thể đề xuất bạn gặp gỡ với các thành viên khác trong nhóm nghiên cứu trước đã. Những buổi gặp như thế này sẽ là cơ hội để bạn tìm hiểu thêm về khoa và về nhóm nghiên cứu, và xem rằng liệu họ có phải là sự lựa chọn đúng đắn để bạn “trao thân gửi phận” trong vài tháng hay vài năm hay không.
- Trước buổi gặp
- Có thể điều này không phải lúc nào cũng cần thiết, nhưng sẽ rất hữu ích (Opty Hunting thì nghĩ là thực sự nên, đối với mọi đối tượng) nếu bạn đọc các nghiên cứu và giáo sư của bạn đã đóng góp vào. Bạn sẽ gây ấn tượng trong buổi gặp nếu bạn thể hiện được hiểu biết trong lĩnh vực, và bạn cũng sẽ có thể thảo luận sôi nổi hơn, thay vì chỉ ngồi nghe người ta giải thích về nghiên cứu của họ cho bạn.
- Đọc lại email bạn đã gửi trước đây. Giáo sư có thể sẽ hỏi bạn một vài câu mà bạn đã từng nhắc tới trước đó, ví dụ: bạn đã có hứng thú nghiên cứu về lĩnh vực này từ khi nào và tại sao?
- Bạn cũng có thể mang các ví dụ về các sản phẩm/công việc trước đó bạn đã từng tham gia vào làm và có kết quả ra sao.
- Đừng xem thường tầm quan trọng của ấn tượng ban đầu. Hãy mặc gọn gàng, gặp giáo sư với đầy niềm hứng khởi và đam mê.
- Trong lúc gặp
- Buổi gặp là cơ hội tốt để bạn cũng có thể đánh giá được xem giáo sư có phải là lựa chọn đúng cho bản thân hay không. Hãy xem giáo sư có hào hứng với buổi gặp mặt, xem nghiên cứu có đúng những gì bạn nghĩ và liệu có phù hợp với bạn hay không, liệu có định hướng nghiên cứu mà bạn có thể làm cùng với giáo sư không.
- Bạn cũng nên quan sát các khía cạnh khác của giáo sư: liệu giáo sư có nghe bạn nói, giáo sư có hứng thú nhận bạn không?
- Giáo sư liệu có thể dành bao nhiêu thời gian để hỗ trợ bạn phát triển? Nhiều giáo sư giỏi sẽ rất bận rộn và không có nhiều thời gian để hướng dẫn bạn. Các tác giả bài báo cho rằng giáo sư tốt nhất sẽ vừa có thành tựu, tiếng tăm trong ngành nhưng cũng vừa tận tâm sắp xếp thời gian để dạy bạn các kỹ thuật nghiên cứu phù hợp, họp với bạn để kiểm tra tiến độ, hỗ trợ bạn trong việc viết luận văn…
- Hãy cân nhắc các cơ hội mà giáo sư có thể trao cho bạn: liệu giáo sư có thể cho bạn tham gia vào việc viết báo và xuất bản không? Liệu giáo sư bạn có cho bạn tham gia các cơ hội nghiên cứu sâu hơn không, hay tham gia vào các dự án nghiên cứu khác trong cùng nhóm nghiên cứu?
- Với các bạn làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, bạn có thể hỏi giáo sư để tham quan phòng thí nghiệm, gặp gỡ nhóm nghiên cứu, vì phần lớn thời gian bạn sẽ dành để làm thí nghiệm, và phần lớn các thí nghiệm sẽ được hướng dẫn bởi các thành viên trong nhóm nghiên cứu mà.
- Sau buổi gặp
- Hãy ghi lại các thông tin mà bạn đã thu thập được theo bảng, và sau khi đã gặp gỡ vài giáo sư với vài dự án khác nhau rồi, bạn có thể so sánh các giáo sư và các dự án nghiên cứu với nhau, chọn ra 1 dự án phù hợp cho định hướng và hứng thú của bản thân.
- Nếu có thể, bạn cũng có thể sử dụng các nguồn tài nguyên khác và các mối quan hệ của bản thân để tìm giáo sư nghiên cứu.
7. Chọn lựa giáo sư:
Việc chọn lựa giáo sư là một quyết định cá nhân, cần được cân nhắc hết sức cẩn thận, và cần đưa tất cả các điểm đã nhắc phía trên vào “cân đo đong đếm”. Hãy lựa chọn cẩn thận!
Bài viết này được Opty Hunting dịch lại từ bài báo How to approach supervisors for research opportunities, hy vọng sẽ hữu ích trong quá trình bạn tìm kiếm cơ hội nghiên cứu cho bản thân. Nếu cần hỗ trợ gì thì đừng ngại nhắn Opty Hunting nhé.
Hình ảnh State Library of Victoria, Melbourne, Australia được down từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.