Nếu bạn chưa từng đến Thuỵ Điển, những điều bạn có thể từng nghe về đất nước Bắc Âu này là: quê hương của IKEA, Electrolux, Tetra Pak, Volvo,…; đất nước đáng sống nhất thế giới; Zlatan Ibrahimovic; bánh quế, thịt viên… Trong một năm ở đây có những ngày không đêm, lại có những ngày trời chỉ sáng 3-4 tiếng. Người Thuỵ Điển rất tự hào về những sản phẩm, văn hoá của họ, nhưng lại không bao giờ khoe về thu nhập, nhà cửa, xe cô. Có thể bạn từng băn khoăn, vậy thì cuộc sống của người nước ngoài (ví dụ: người Việt) sống ở Thuỵ Điển như thế nào; tại sao có nhiều người lại muốn định cư ở đây như thế. Nếu bạn chưa biết, Thuỵ Điển là một trong những nơi tốt nhất để làm PhD (tiến sĩ). Nói là làm PhD (to do a PhD) chứ không phải là học PhD, bởi vì ở đây (và một vài nước EU khác) PhD là một công việc chứ không phải là một chương trình học. Điều này kéo theo nhiều điều hấp dẫn và thú vị về việc làm PhD ở đây.
Thu nhập và phúc lợi
Học PhD ở Thuỵ Điển là miễn phí. Sinh viên PhD còn được nhận lương trong mức trung bình so với mặt bằng chung của xã hội. Đây là thu nhập có chịu thuế, và do đó đương nhiên là đi kèm với các phúc lợi như nghỉ phép 100% lương (28-35 ngày/năm), nghỉ ốm có lương, lương hưu. Tuy nhiên, lương nhận được khá khác nhau giữa các trường. Ví dụ [1], ở viện Karolinska, mức lương của PhD là từ 26 300 SEK đến 28 300 SEK/tháng (2018). Tuy nhiên con số này ở ĐH KTH là từ 29 200 SEK đến 34 000 SEK/tháng (2017). Ngay cả ở ĐH Uppsala (trường mình), mức lương cũng khác nhau giữa các ngành khác nhau (ví dụ PhD kỹ thuật có thể cao hơn vài ngàn so với PhD kinh tế/xã hội). SACO (Swedish Academics Central Organization) báo cáo trung vị mức lương này năm 2016 là 27 900 SEK/tháng. Lương này sẽ bắt đầu từ ngày bạn bắt đầu làm việc tại trường, kể cả lúc đó bạn chưa tham gia vào nghiên cứu/giảng dạy, chỉ học bình thường như sinh viên Master. Nghe rất hấp dẫn phải không? Để so sánh với mức chi tiêu, mức sống của 1 người (dựa theo mức chứng minh tài chính) là khoảng 4 500 SEK/tháng. Như vậy bạn có thể tưởng tượng ra là, với mức lương trên sau thuế, một người đi làm PhD có thể nuôi một gia đình 2 đứa trẻ con rất dễ dàng.
Môi trường làm việc ở Bắc Âu là tốt nhất thế giới [2]. Có thể liệt kê một vài điểm nổi bật như: trường sẽ hỗ trợ tiền tập gym/yoga/bơi/thể thao… (preventative healthcare allowance); trợ cấp khá hào phóng về các thiết bị làm việc cá nhân (laptop, điện thoại, tai nghe…); khi sinh con, bố mẹ có quyền được nghỉ tổng cộng 480 ngày (~16 tháng) có lương; y tế và giáo dục miễn phí cho cả gia đình.
Ngoài việc được công nhận như một người có việc (employed) như các ngành nghề khác, bạn vẫn được nhận các lợi ích như sinh viên. Điều ngày nghĩa là bạn cắt giảm được rất nhiều chi phí vì rất nhiều dịch vụ/sản phẩm có ưu đãi cho sinh viên, ví dụ như vé máy bay, phương tiện công cộng (tàu, xe buýt), bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng (miễn phí cho SV), rất nhiều ưu đãi khác từ thẻ sinh viên Mecenat/Studentkortet (nhiều khi có thể lên đến 30%-50% off). Mức thuế của sinh viên PhD cũng được ưu đãi hơn so với người đi làm. Sinh viên PhD tự quản lý thời gian của mình và không bắt buộc phải làm đủ giờ hành chính (miễn là làm đủ việc đã thoả thuận với Giáo sư). Đồng nghiệp của mình nhiều người chỉ lên trường khoảng một nửa thời gian, do đặc thù ngành của mình (Toán ứng dụng) không cần thí nghiệm bằng máy móc, hoá chất, hay thiết bị ở trường (và vẫn nhận full lương 8 tiếng!).
Môi trường học thuật
Thuỵ Điển sở hữu một số trường đại học nằm trong top 100 thế giới (Uppsala Uni., Karolinska Institute, Lund Uni.), và nhiều trường đại học danh tiếng khác (KTH, Stockholm Uni.). Hầu hết các trường khá lâu đời (VD Uppsala Uni. thành lập năm 1477) với bề dày lịch sử nghiên cứu và đóng góp nhiều cho nền khoa học kỹ thuật thế giới. Người Thuỵ Điển hướng đến làm khoa học gắn với ứng dụng cho công nghiệp (có thể đóng gói sản phẩm). Môi trường nghiên cứu ở đây rất mở, khuyến khích sáng tạo và luôn cập nhật với những tiến bộ mới nhất (do các quỹ dành cho nghiên cứu rất dồi dào).
Làm PhD thì làm những gì? Có lẽ Thuỵ Điển là một trong những môi trường ít căng thẳng nhất để làm PhD. Bạn không có yêu cầu cụ thể về đầu ra (số lượng bài báo, hội nghị, dự án). Mục tiêu hàng năm được thoả thuận giữa bạn và Giáo sư hướng dẫn thông qua một bản kế hoạch học tập (PhD study plan), và thường là cũng không có vấn đề gì nếu bạn không hoàn thành. Cá nhân mình cảm thấy cách này làm cho mình làm việc hiệu quả hơn, dám thử cái mới và dành nhiều thời gian để trau dồi bản thân nhiều hơn. Nhưng đây cũng có thể là một nguy cơ lớn nếu bạn quản lý thời gian không tốt. Đầu ra không chất lượng có ảnh hưởng lớn đến con đường học thuật và sự nghiệp sau này của chính bạn. Công việc chính của sinh viên PhD gồm có 3 phần (đối với các ngành kỹ thuật, có thể khác với ngành khác): nghiên cứu theo dự án của Giáo sư (mục tiêu: bài báo), giảng dạy (20% thời gian PhD, đối tượng sinh viên Bachelor/Master), học các khoá dành riêng cho sinh viên PhD (yêu cầu 40-150 tín chỉ, một môn từ 2 đến 15 tín chỉ). Thời gian PhD khoảng 4 năm (nếu không có giảng dạy), và 5 năm (nếu có giảng dạy).
Xét cho cùng, làm PhD vẫn là một công việc nặng nhọc, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ. Bạn nên cân nhắc kỹ càng trước khi bắt đầu. Ví dụ nếu mục tiêu của bạn là kiếm tiền thì làm ở các công ty (Thuỵ Điển) sẽ tốt hơn nhiều.
Mang theo gia đình?
Người Thuỵ Điển rất coi trọng cuộc sống cá nhân và gia đình. Điều đó nghĩa là nếu bạn làm việc ở đây thì họ cũng sẽ coi trọng gia đình bạn. Khi bạn làm PhD ở đây thì gia đình (vợ và con) được cấp visa để đi theo cùng và được hưởng nhiều phúc lợi xã hội. Phúc lợi lớn nhất có lẽ là, như mình đã đề cập, được hưởng các dịch vụ giáo dục và y tế miễn phí. Ví dụ, như nếu vợ đi theo chồng, thì người vợ có thể học các chương trình Bachelor/Master hoàn toàn miễn phí. Nếu cả 2 người đã có thẻ định cư vĩnh viễn, thì người vợ còn được trợ cấp thêm (CSN) 2 000 – 5 000 SEK/tháng (con số này là theo hiểu biết của mình). Nuôi con ở Thuỵ, bố mẹ cũng được trợ cấp tài chính.
Visa cấp cho cả gia đình là visa Schengen. Vì vậy nên bạn có thể đi du lịch 22 nước Schengen (Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, …) không cần xin visa. Kể cả du lịch ngoài Schengen thì vé máy bay từ Thuỵ Điển cũng rất rẻ so với từ các nước khác.
Cơ hội định cư vĩnh viễn
Sau 4 năm, theo luật sinh viên PhD sẽ có thẻ định cư vĩnh viễn (bạn có thể gọi là thẻ xanh giống như ở Mỹ). Thời gian làm PhD là khoảng 4-5 năm, có nghĩa là chắc chắn bạn (cùng vợ/chồng) sẽ có thẻ này khi tốt nghiệp (hoặc gần tốt nghiệp) PhD.
Thời điểm hiện tại (2019-2021) luật mới về cấp quốc tịch đang được cân nhắc điều chỉnh (thi ngôn ngữ + văn hoá). Nhưng điều kiện (cần) trước đó để xin quốc tịch Thuỵ Điển là có thời gian cư trú trên 5 năm. Trong đó, thời gian làm PhD này được tính nếu bạn chứng minh được bạn có ý định định cư tại đây từ lúc bắt đầu. Có một ngoại lệ cho trẻ con, đó là kể cả nếu vợ chồng chưa có quốc tịch Thuỵ Điển, nếu con của họ sinh ra tại Thuỵ Điển thì sau 3 năm đứa trẻ sẽ tự động có quốc tịch Thuỵ Điển.
Bài viết trên đây của anh Đào Tuấn Anh, hiện đang làm PhD tại Thụy Điển chia sẻ tới bạn đọc của Opty Hunting. Hy vọng các bạn có thêm động lực về việc làm Tiến sĩ tại Thụy Điển (hoặc các nước Bắc Âu, châu Âu khác). Hình minh họa trong bài lấy từ nguồn miễn phí Unsplash, là hình ảnh mùa xuân tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển.
References
[1] The Local, “Why you should do a PhD in Sweden” https://www.thelocal.se/20180417/why-you-should-do-a-phd-in-sweden-university-doctoral
[2] Internations, “Top 10 Countries with a Great Work-Life Balance” https://www.internations.org/magazine/top-10-countries-with-a-great-work-life-balance-39439