5 điều rút ra khi học Thạc sĩ ở Lund University

Hôm qua đánh dấu mốc tròn nửa năm mình đặt chân đến Thụy Điển, bắt đầu cuộc sống đi học và tham gia các hoạt động sinh viên ở một môi trường hoàn toàn mới. Dù ngay từ khi quyết định học Thạc sĩ ở Lund, mình biết kiến thức ở trường chỉ là một phần nhỏ (và sự thật đúng là như vậy, mình học từ cuộc sống nhiều hơn), nhưng vì đây là mục đích tiên quyết của lựa chọn mà mình coi là đúng đắn nhất năm 2016 nên mình muốn chia sẻ một vài điều.

Bài viết về việc học tập tại Thụy Điển, cụ thể là trường ĐH Lund, dưới cảm nhận chủ quan của người viết. Dành cho các bạn muốn tìm hiểu du học và chuẩn bị đi học.

1. CUỘC ĐUA MỚI CHỈ BẮT ĐẦU
Sinh viên quốc tế nói chung và sinh viên Việt Nam phần lớn du học đều dựa vào học bổng hoặc hỗ trợ tài chính. Cuộc chạy đua giành “tấm vé vàng” không bao giờ là đơn giản, nhất là với một trường Đại học danh tiếng và đông sinh viên nhất Thụy Điển như Lund.
Mình nhớ khi nộp hồ sơ, nguyện vọng 1 của mình có hơn 900 đối thủ. Số lượng sinh viên thực tế được nhận vào lớp là 39, đi học khoảng 30 người, trong đó có 2 bạn học bổng SI và mình được Lund Global. Mình không rõ con số cạnh tranh ở học bổng SI như thế nào do năm ngoái mình trượt từ vòng loại, nhưng với Lund Global Scholarship, hàng năm có khoảng 90-100 suất được trao cho tổng số 41.000 sinh viên. Nói như vậy để thấy rằng những sinh viên đang ngồi đây đều trải qua một cuộc đua khốc liệt, dù có thể với những bạn trong khối EU, ngay từ đầu đã gần đích hơn các bạn sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, đã bắt đầu tại Lund thì mọi người đều bình đẳng, không nên lấy quá khứ hay khó khăn cá nhân để ngụy biện cho những lúc chưa cố gắng. Ai cũng có lợi thế và bất lợi riêng. Cuộc đua mới bắt đầu mà đích đến (tạm thời) là ngày Tốt nghiệp. Có nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng, mình sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

2. “NÓI CÓ SÁCH, MÁCH CÓ CHỨNG” VÀ THÓI QUEN ĐỌC SÁCH
Ngay trong buổi đầu tiên (chỉ giới thiệu thôi chứ chưa học), thầy Trưởng khoa có nhắc nhở sinh viên phải “hoài nghi tất cả” khi cả lớp tin sái cổ một thông tin mà thầy vừa bịa ra. Thầy có đưa ra mức lương trung bình của người làm truyền thông sau khi tốt nghiệp, và nói rằng không ai trả lương như vậy cho một người nói nhăng cuội đâu. Mà muốn “nói có sách, mách có chứng” được thì phải đọc nhiều, làm nhiều. Không có đường tắt nào cả, vì chúng ta đều chưa phải vĩ nhân.
Vậy nên, môn nào cũng có trung bình 1200 trang tài liệu để sinh viên về đọc. Thú thật là mình chưa bao giờ đọc được hết toàn bộ tài liệu, dù mình đã cố gắng (cũng chỉ được 80%), phần vì mình đọc chậm hơn các bạn, phần vì thi thoảng còn phải tìm thêm tài liệu bên ngoài để giải thích cái mà mình đang đọc. Chưa kể những cuốn sách hay, cũng giống như sách tiếng Việt, được viết rất nhiều tầng nghĩa, hoặc văn phong tinh tế, phức tạp hơn, gợi nhiều ẩn dụ, khái niệm chung nhiều khi mình không hiểu được nếu không có nền tảng văn hóa.Sinh viên ngồi học tại Thư viên chính. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn có những cá nhân xuất sắc, tư duy tốt nên học rất nhanh. Mấy bạn mình biết như thế, đều kiểu “thôi chết, mai nộp bài à?”, “tao đã ôn gì đâu”, nhưng điểm vẫn A, B bình thường  như việc bạn tu vèo 1 cái hết lon bia. Easy. Mình thì biết mình không thể để kiến thức tự rót vào đầu được, nên nhiều khi phải dùng lợi thế thời gian: dậy sớm hơn, ít chơi ít hơn… (dù vẫn đi chơi và tham gia hoạt động điên cuồng :)) ) để bắt kịp các bạn.

3. LÝ THUYẾT VÀ THỰC TẾ: AI LÀ NGƯỜI LẤP ĐẦY?
Quay lại việc bỏ cuộc giữa chừng, một trong những lý do sinh viên kêu ca và quyết định bỏ học đó là học nhiều lý thuyết quá. Điểm này mình thấy các bạn kêu y như sinh viên Việt Nam, luôn mong muốn được học cái gì thực tế, mà quên mất nếu cần thực tế, va chạm trong môi trường làm việc, thì cách tốt nhất là học ở trong công ty chứ không phải học tại trường Đại học. Thầy Việt ở Ngoại giao và thầy Howard ở Lund gặp nhau ở quan điểm: nếu muốn  học nghề thì các bạn nên đến trường dạy nghề. Học Thạc sĩ là học phương pháp, học lập luận để tự bạn áp dụng vào thực tế, không ai cầm tay chỉ việc cả. Thỉnh thoảng vẫn có những cơ hội tiếp xúc doanh nghiệp, nói chuyện với người này, người kia từ chỗ này chỗ kia để các bạn hiểu thêm trong thực tế, doanh nghiệp cần gì. Tuy nhiên, không ai khác ngoài bạn là người lấp đầy khoảng cách từ lý thuyết được học ở trường đến thực tế đi làm. Vì từ một lớp này, với các nền tảng và mối quan tâm khác nhau, các bạn sẽ tỏa đi muôn nơi và làm các ngành nghề cực đa dạng. Trở ngại nữa trong phần này mình muốn nhắc đến đó là việc đi học ở một môi trường khác với môi trường trước đây. Mình buộc phải chấp nhận việc các tài liệu đều thiếu quan điểm, cái nhìn của châu Á, Đông Nam Á, Việt Nam… Nhiều khi những lý thuyết được học không thể áp dụng trong môi trường Việt Nam, hoặc phải điều chỉnh để phù hợp với môi trường. Và một lần nữa, không ai khác ngoài bản thân, phải tìm ra “cái còn thiếu” ấy. Thậm chí, mình quan tâm đến Ngoại giao, tài liệu chỉ nhắc đến môi trường Doanh nghiệp, cũng sẽ phải tự tìm hiểu, đọc thêm xem có “ông” nào nhắc đến không, áp vào Ngoại giao Việt Nam sẽ như thế nào?

4. LÀM VIỆC NHÓM TRONG MÔI TRƯỜNG ĐA VĂN HÓA
Ngày học ở Ngoại giao, mình không gặp bất kỳ vấn đề nào liên quan đến làm việc nhóm cả, vì mình rất chủ động, trao đổi thẳng thắn, cũng là sinh viên có tiếng nói; nhưng khi sang đây mới thấy môi trường đa văn hóa đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm cao hơn rất nhiều. Môn vừa rồi, khi căng thẳng làm nhóm bị đưa lên đến đỉnh điểm, mình phải xin lỗi và trao đổi thẳng thắn để mọi người có thể hiểu nhau hơn; nhờ đó, mình mới hiểu vì sao môn đầu tiên mình phải học ở đây là Intercultural CommunicationMulticultural Communication. Có mấy điều sau cần nhớ:

  • Tôn trọng đối phương. Có nhiều khác biệt văn hóa cần dung hòa khi làm nhóm, nghe tưởng dễ nhưng thực tế rất nhiều sự việc nhỏ nhỏ có thể khiến các bạn mếch lòng. Nó có thể là cách bày tỏ ý kiến, quan điểm, tư tưởng (mình từng chứng kiến nhóm mình chia làm 2 quan điểm cực khác biệt: một bên có VN-TQ, một bên Đức-Hà Lan, mà các bạn lúc đầu không hiểu tại sao bên kia lại nghĩ theo chiều đối lập như vậy). Do đó, không bao giờ nên mong người khác có cùng suy nghĩ với mình, hãy tìm tiếng nói chung và dung hòa các cá tính trong nhóm.
  • Chủ động, thẳng thắn. Khi làm nhóm, hãy đóng góp ý kiến, suy nghĩ của mình một cách chủ động, gặp vấn đề thì phải trao đổi thẳng thắn. Mâu thuẫn trước đây của mình cũng từ việc này mà ra, mình làm nhóm cùng các thành viên cá tính rất mạnh, đâm ra rụt rè, chẳng dám bày tỏ, cuối cùng không hiểu nhau và cãi nhau. Ý kiến trái ngược nhau cũng được, nhưng cứ nói ra để hiểu được nhau.
  • Kêu gọi giúp đỡ khi cần. Các bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mình cần, nhưng mình nên nói ra vấn đề của mình trước. Không nên mặc định người khác sẽ quan tâm cảm xúc, biến đổi tâm lý của mình nếu mình không nói ra. (cái này cũng đúng trong tình yêu nha :P)
    Nói mới nhớ ngày học Đại học ở Ngoại giao, mình có nhận thấy một vài bạn tỏ ra thiếu tôn trọng sinh viên ngoại tỉnh, mà mãi đến đợt vừa rồi mình mới cảm nhận qua (chỉ là mình cảm nhận thôi, không có nghĩa là các bạn xem thường mình). Điều này khiến các bạn thường lập nhóm làm bài tập theo nhóm bạn mình hay chơi cùng. Tất nhiên làm việc quen và ăn ý thì tuyệt vời, nhưng  các bạn rất nên đa dạng hóa thành phần của nhóm chứ không chỉ dính chặt lấy người mình thích làm cùng. Bởi “thích” là một từ rất cảm tính, mà trong công việc thì không thể lúc nào cũng cảm tính được.

5. TỰ GIÁC
Đi học ở ở Lund có rất nhiều cám dỗ, vì cuộc sống luôn đầy ắp những điều mới, những hoạt động sinh viên thú vị. Rộng hơn, mình nghĩ sinh viên đi du học cũng có nhiều thứ hấp dẫn như vậy (như đi làm thêm, bạn mới, đi du lịch, …). Khoảng thời gian phấn khích, khám phá những điều mới của mình kéo dài đến hết kỳ một, rồi đến giai đoạn khủng hoảng khi đồ thị thích nghi chạm xuống tận đáy, để rồi bây giờ mới đến lúc Quen-thật-sự. Bây giờ mình giành nhiều thời gian học hơn hồi mới đến, chỉ cần chuẩn bị bữa trưa là có thể ngồi trên thư viện cả ngày. Cảm giác bây giờ đi học đúng là để đi học, rất là thích 😀Sấp mặt sau khi nộp bài 😛 Tin vui là bài ấy sau này mình được 29/30 điểm cũng là điểm A duy nhất cho đến giờ 😦

Trên đây là mấy điều mình rút ra sau nửa năm đi học tại ĐH Lund, Thụy Điển. Hi vọng  các bạn đang tìm hiểu việc du học hoặc đang muốn học Thạc sĩ tại Lund có một cái nhìn cụ thể hơn, chân thực hơn và đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân mình.
Chúc các bạn thành công!

Bài viết này được chị Vân, cựu du học sinh tại ĐH Lund đồng ý chia sẻ tới bạn đọc của Opty Hunting. Hình ảnh góc phố Stockholm trong bài được down về từ nguồn ảnh miễn phí Unsplash.