Du học Bỉ với Master Mind Scholarship

Đã nhiều lần, Opty Hunting nghe các bạn chia sẻ về việc tìm kiếm kinh nghiệm ứng tuyển và trải nghiệm học tập với học bổng Master Mind của chính quyền vùng Flanders, Bỉ sao mà hiếm hoi thế… Có lẽ một phần lý do là số bạn Việt Nam được học bổng này ít quá (trên tổng tối đa 30 suất hàng năm, trao tại tổng ~12 trường ĐH ở vùng Flanders và Brussels). Để thỏa mong mỏi của các bạn đọc, Opty Hunting đã hỏi bạn Opty Hunter tên Nguyễn Thị Thanh Trà, nhận học bổng Master Mind khóa 2022-2024 chia sẻ chi tiết về học bổng này.


Qua Bỉ được hơn 1 năm rưỡi và cũng sắp tốt nghiệp rồi nên mình nghĩ trải nghiệm của bản thân đã đủ, tuy không quá nhiều, để viết lên bài cảm nhận chung về chuyến hành trình du học Bỉ rất ư là mãn nguyện của mình. Lưu ý rằng bài viết này mình viết dưới góc độ là du học sinh Master in International Business tại Vrije Universiteit Brussel (VUB), cho nên cảm nhận và trải nghiệm của cá nhân mình chỉ gói gọn về trải nghiệm học tập tại đây và cuộc sống tại Brussels. Rất mong bài viết sẽ phần nào cung cấp thông tin cho các bạn có mong muốn du học tại Bỉ.

HỌC BỔNG MASTER MIND – CON ĐƯỜNG NÀO ĐƯA MÌNH TỚI BỈ VÀ VRIJE UNIVERSITEIT BRUSSEL

Bản thân mình muốn tự dành được học bổng để trang trải cho tất cả chi phí du học của bản thân, nên mình đã apply học bổng Master Mind của vùng Flanders, Bỉ. Trong số tất cả các trường đại học nằm trong diện học bổng này, mình đã apply Ghent Univerisity và VUB, lưu ý với học bổng Master Mind, các bạn phải được trường đại học đề cử lên quỹ học bổng trước chứ không được nộp trực tiếp. Thường thì deadline nộp tại trường sẽ rơi vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, cuối tháng 4, bạn sẽ biết mình có được trường đề cử lên hội đồng học bổng hay không, và làm tiếp các thủ tục nộp hồ sơ trên online portal và chờ kết quả được công bố vào cuối tháng 5. Rất may mắn là VUB đã đề cử mình, và cuối cùng thì mình cũng lọt vào danh sách 30 bạn trên toàn thế giới đạt được học bổng danh giá này, bắt đầu hành trình du học Bỉ.

Với những thông tin về quy trình nộp học bổng, các bạn có thể tìm kiếm tại website chính thức của Master Mind, mình sẽ chia sẻ thêm về những thông tin ngoài lề với tư cách là một candidate của học bổng này. Điều làm cho Master Mind rất cạnh tranh chính là việc học bổng này dành cho tất cả các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt EU hay non EU. Với những thông tin mình có được, năm của mình 2022-2024 và năm trước mình 2021-2023 chỉ có đúng 1 sinh viên Việt Nam, còn năm 2023-2025 có 2 sinh viên Việt Nam. Nhìn chung các ngành được trao học bổng Master Mind rất đa dạng, nhưng chủ yếu dành cho các ngành STEM, trong khi đó ngành kinh tế lại rất ít, cụ thể là năm mình và năm 2023-2025 chỉ có 1 cá nhân theo ngành kinh tế được học bổng. Trường KU Leuven có khoảng 5-6 cá nhân, VUB, Ghent University, University of Antwerp, Hasselt University sẽ có khoảng từ 2-3 cá nhân, số còn lại chia đều cho các trường còn khác. Các bạn khi nộp học bổng nên cân nhắc kỹ về điều này để có những back up cho bản thân.

Mình nhận được rất nhiều câu hỏi về việc một bộ hồ sơ như thế nào sẽ khiến bạn nổi bật trước hội đồng và có khả năng cao được nhận học bổng. Thật sự điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên mình không thể cho các bạn lời khuyên nào là chắc chắn 100% cả. Nhưng nếu các bạn cho rằng học bổng này chỉ chú trọng và khả năng học vấn (academic performance) mà không chú trọng nhiều vào các hoạt động cá nhân thì các bạn lầm to rồi đấy. Bằng chứng là hồ sơ của mình không hề quá mạnh về academic mà lại thiên hẳn về các hoạt động xã hội, kỹ năng lãnh đạo,… GPA mình không quá cao, IELTS cũng vừa đủ, mình không tốt nghiệp trong top đầu, nhưng mình lại chủ yếu hoạt động ở Đoàn Hội, CLB, mình thi các cuộc thi giải case. Đồng thời, motivation letter đóng vai trò chủ đạo trong kết quả đánh giá của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là phải biết cách làm sao tạo nên một “câu chuyện” gắn kết những hoạt động cá nhân, những kiến thức bạn đã học tại trường, với mục tiêu tương lai bạn muốn đạt được và việc đi học là thật sự cần thiết để bạn đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, đừng ngần ngại nếu thấy hồ sơ của bạn không quá mạnh về học vấn, nếu bạn có một danh sách chất lượng những hoạt động ngoại khóa và các cuộc thi thố bên ngoài, kết hợp với một chiếc thư động lực chặt chẽ, thuyết phục thì cơ hội vẫn nằm trong tay bạn đấy.

TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TẠI VUB, DU HỌC BỈ CÓ KHÓ NHƯ LỜI ĐỒN?

Mình nghe được rất nhiều thông tin lan truyền về chương trình học tại Bỉ rất khó, rất nặng. Mình không học ở các trường khác nên mình sẽ chỉ nói về VUB thôi nhé. Đối với bản thân mình thì chương trình học có mức độ khó vừa phải, nặng thì cũng tùy vào background của từng người. Trung bình mỗi kỳ có 5 môn tất cả, vào năm 2 thì sẽ học chỉ tầm 5 môn cho cả năm nếu bạn đi thực tập, còn nếu không đi thực tập thì sẽ học 7 môn + luận án tốt nghiệp. Ở Việt Nam, mình học hoàn toàn bằng Tiếng Anh tại Viện Đào tạo Quốc tế – Đại học UEH (trước đây là Đại học Kinh tế Thành phố HCM), chương trình được lấy từ Western University của Úc, nên bản thân mình đã làm quen với cách học làm assignment, viết essay biện luận,… cho nên mình hòa nhập với cách học ở VUB rất nhanh. Đánh giá khách quan thì mình rất thích các assignments của hầu hết các môn mình được học vì độ thực tế và đòi hỏi phải vận dụng rất nhiều kiến thức cũng như sự sáng tạo. Cụ thể nhé, trong môn Financial Accounting and Auditing, nhóm 2 người phải phân tích báo cáo tài chính của 1 công ty cụ thể trong 4-5 năm liên tiếp và đưa ra quyết định có nên đầu tư vào công ty này hay không. Hay trong môn Decision Analytics, mình phải tự xây dựng một kế hoạch kinh doanh cụ thể , sử dụng tất cả dữ liệu thu nhập được, phân tích mức độ khả thi của mô hình kinh doanh này dựa trên các tình huống có thể xảy ra. Và còn cả môn Governance, Law And Policy EU, mình đã phải viết một tiểu luận biện luận về chính sách đa văn hóa, nạn phân biệt chủng tộc, sự bài ngoại đạo hồi và chủ nghĩa dân túy tại một đất nước châu Âu, điều mà mình chưa bao giờ thực sự nghĩ tới trước đây vì không hề có nhiều người nhập cư ở Việt Nam. Nói về vấn đề thi cử, mình nghĩ là kỳ thi ở VUB khó nhưng lại rất thực tế và hiệu quả. Mình rất ngạc nhiên khi lần đầu mình đi thi mà đề thi chỉ toàn giải case, không hề có 1 câu lý thuyết thuần nào hết, còn trắc nghiệm, nếu bạn chắc là đúng thì hãy khoanh, nếu bạn không chắc thì đừng khoanh, vì nếu sai bạn sẽ bị trừ điểm (khỏi ai dám chơi hên xui luôn). Mặc dù đề thi khó nhưng mình khá là thích, vì nó đánh giá đúng khả năng của người học, nếu bạn chỉ học thuộc mà không hiểu được tính chất thì sẽ khó mà làm tốt trong kỳ thi vì nó đòi hỏi người học không chỉ thuộc mà còn phải hiểu để có thể phân tích trả lời case. Còn chuyện điểm số, nếu ở Việt Nam, các bạn cố gắng được trên 8, trên 9 thì ở Bỉ, 14/20 ( tương đương với 7/10) được cho là cao và học giỏi rồi đấy :).

Du học Bỉ so với Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Đức còn chưa phổ biến bằng, nên nếu bạn bắt gặp mình là người Việt Nam duy nhất trong lớp thì cũng không có gì lạ đâu nhé. Bản thân mình là người Việt Nam duy nhất tuy nhiên mình cho đó là điều kiện thuận lợi để mình tiếp cận làm bạn với các bạn quốc tế và trao đổi văn hóa. Lời khuyên là ngay từ trước khi qua nhập học, hãy tìm kiếm và làm quen trước với các bạn học cùng ngành thông qua các group cộng đồng trên Facebook để ngày nhập học không bị bỡ ngỡ nhé. Vì chương trình học có rất nhiều assignments nên hãy tìm cho mình những người bạn thân, có cùng tư duy học tập để chặng đường học thạc sĩ thú vị và bớt chông gai hơn nhé. Đây cũng là cách đã giúp mình đến tận bây giờ đậu tất cả các môn tại VUB, và có được cuộc sống vui vẻ tại Bỉ đấy. Kết bạn và mở rộng quan hệ cũng giúp cho mình vượt qua được khá nhiều tình huống oái ăm không chỉ trong vấn đề học tập mà còn trong cuộc sống hằng ngày, thực tập,…

CUỘC SỐNG TẠI BRUSSELS

Brussels, nơi giao thoa của cả vùng Wallonia và Flanders nên dân ở đây có thể nói cả tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, nhưng theo mình nhận định là tiếng Pháp phổ biến hơn. Tuy nhiên người dân ở Brussels nói tiếng Anh tốt nên mình không gặp trắc trở gì nhiều. Mình sẽ chia sẻ những mặc thực tế cuộc sống theo trải nghiệm cá nhân, còn việc thành phố ấy đẹp hay không còn tùy theo cảm nhận của mỗi người. Điều quan trọng nhất khi du học vẫn là chi phí sống hằng tháng nhỉ :). Tiền thuê nhà ở Brussels khá mắc, so với các thành phố khác, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine, giá năng lượng tăng cao, theo mình nhận định thì giá nhà hiện tại trong năm 2024 sẽ có mức tối thiểu tầm 500e/phòng (đã tính cả tiền gas, điện,…), nếu bạn ở 1 phòng riêng trong shared housing. Mình rất chăm đi chợ nấu ăn để tiết kiệm, vì nếu ăn ở ngoài thì trung bình 1 bữa ăn đầy đủ đã tầm từ 12e rồi, nên vị chi 1 tháng tiền ăn uống của mình hết 200e. Nếu tính cả chi phí 4G, giặt ủi (5-7e/giặt + sấy), mua các đồ dùng cá nhân, thì sẽ thêm khoảng 50e-100e. Vậy thì chi phí sống ờ Brussels theo mình sẽ giao động từ 800e-1000e/tháng nếu bạn có thêm kế hoạch đi chơi, hay ăn uống nhà hàng. Một điều rất tiện là ở Brussels đó là có rất nhiều khu chợ châu Á, so với các thành phố khác nên mình rất hay mua được những đồ ăn vặt hay gia vị châu Á dùng để nấu ăn đa dạng các món. Ở Brussels có rất nhiều khu để chơi, các bảo tàng, triển lãm định kỳ, lễ hội, hay công viên, rừng cho các bạn thích khám phá thiên nhiên nên bản thân mình rất tận hưởng social life. Từ Brussels qua Ghent chỉ mất 2 tiếng, qua Brugge 3 tiếng, qua Antwerp 1.5 tiếng, Leuven 45 phút, Liege 3.5 tiếng, Dinant 3 tiếng, nên rất dễ dàng cho mình tận hưởng những chuyến city trip trong ngày.

Về con người ở Bỉ, họ là những người tử tế, nhưng không quá thân thiện xởi lởi như người Việt Nam chúng ta. Người Bỉ rất tử tế, lịch sự và sẵn sàng giúp đỡ người lạ nhưng để thật sự thân được với họ thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Đây là những chia sẻ mà mình nhận được từ các đông nghiệp người Bỉ khi đi thực tập tại một tập đoàn đa quốc gia tại Bỉ, và từ chính những người bạn Bỉ mà mình thân quen được. Tuy nhiên bạn đừng lo lắng, Brussels là trung tâm châu Âu nên có rất nhiều bạn bè năm châu bốn bể đến đây làm việc, nên việc kết bạn không hề khó như bạn nghĩ đâu. Có rất nhiều lễ hội, buổi gặp mặt với những chủ đề khác nhau như, dành cho người yêu nghệ thuật, trao đổi ngôn ngữ diễn ra ở thủ đô nên hãy cứ tận hưởng và giao lưu hết mình nhé. Bản thân cũng đã kết được kha khá bạn bè quốc tế, Bỉ, Hungary, Nga, Romania, Chile, Pháp, Ấn Độ, Peru, Canada,… không chỉ trên trường lớp mà còn nhờ vào những buổi gặp mặt trao đổi văn hóa đó.

Trên đây là tất cả những trải nghiệm mà mình đúc kết được sau 1.5 năm sống và học tập tại Bỉ, một chặng đường ý nghĩa và quan trọng trong cuộc sống của mình cho đến hiện tại. Đến giờ, mình vẫn tự cho rằng mình thật may mắn biết bao, có học bổng học tại châu Âu, gặp được những người bạn quốc tế đáng yêu, có được một kỳ thực tập thành công, du lịch được nhiều nước châu Âu và đặc biệt nhất là mình đã dần thay đổi theo hướng tích cực hơn. Mình tự tin hơn với vẻ bề ngoài của bản thân, với khả năng của mình, mạnh dạn kết bạn và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, tích cực hơn trong suy nghĩ, xây dựng lối sống lành mạnh và độc lập hơn. Nghe thì thấy rất màu hồng nhưng thực tế thì cũng đã có những lúc mình rất nhớ nhà, có những khó khăn khó nói, cảm thấy áp lực vì kiếm việc và áp lực đồng trang lứa, cảm thấy bản thân lạc lõng không thuộc về nơi nào cả. Nhưng mình cho rằng, trên hành trình này, bản thân mình đã học được nhiều thứ hay ho, mình tốt hơn nhiều so với mình của năm ngoái, mình trải nghiệm nhiều thứ mà không phải ai cũng có được, và hơn hết là mình mạnh dạn thay đổi vì một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Mình rất mong những chia sẻ trên đây có thể phần nào tiếp thêm động lực và giải đáp những thông tin cho các bạn có ý định du học Bỉ, và chúc cho ước mơ du học của các bạn sẽ thành hiện thực.

Credit: Nguyễn Thị Thanh Trà

Opty Hunting để thông tin liên lạc của Trà ở đây để các bạn liên hệ nếu cần, nhưng vui lòng chỉ liên hệ sau khi đã google kỹ lưỡng).

Photo by François Genon on Unsplash