Recap Webinar #8: Arqus Talent Scholarship Fund

14/4 vừa qua, Opty Hunting cùng 2 bạn Opty Hunters là Dư Hoàng Khang – founder và Trương Mỹ Duyên – content creator của page Cụ sinh viên đã đồng tổ chức webinar chia sẻ về Arqus Talent Scholarship Fund.

Khang là cựu sinh viên của ĐH Kinh tế HCM (UEH), hiện đang học Communication management – Wroclaw bên Ba Lan và cũng là Arqus Ambassador.

Duyên là cựu sinh viên của Học viện Ngoại Giao, từng làm làm 2.5 năm tại Cơ quan xúc tiến Thương mại Hàn Quốc và research consultant cho 1 công ty Singapore. Duyên hiện đang học ngành International Development tại Maynooth, Ireland.

1. Giới thiệu về Arqus Alliance, Arqus Talent Scholarship Fund:

Tính tới 2024, có hơn 50 alliances ở châu Âu với hơn 500 trường thành viên. Arqus là 1 trong những alliance đầu tiên được Ủy ban Châu Âu chấp thuận, với 9 trường ĐH thành viên là Maynooth University ở Ireland, University of Granada ở Spain, University of Wrocław ở Poland, University of Minho ở Portugal, University of Padua ở Italy, Universite Claude Bernard Lyon 1 ở Pháp, Vilnius University ở Lithuania, Leipzig University ở Đức, và University of Graz ở Áo. Arqus nhận nguồn hỗ trợ trong giai đoạn 2022-2026 lên tới 14.4 triệu euro từ liên minh châu Âu, trong đó một phần được dùng để trao học bổng Arqus Talent Scholarship Fund thu hút các bạn trẻ muốn theo học bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Trong năm học 2024/25 này, Arqus Talent Scholarship Fund sẽ có tối thiểu 8 suất học bổng, trị giá học phí kèm theo sinh hoạt phí 1400 eur/tháng, và trong một vài trường hợp có thể hỗ trợ thêm 250 eur/tháng (ví dụ với các bạn tàn tật, hay có con nhỏ…). Học bổng này chỉ áp dụng với các chương trình Thạc sĩ đơn bằng được offered bởi chính 1 trong 9 trường ĐH trong Alliance (gọi là entrance university) và scholars được khuyến khích đi mobility tùy ý tại 1-8 trường thành viên còn lại trong Alliance (gọi là mobility university). Để tìm hiểu thông tin về các chương trình Thạc sĩ của các entrance university, các bạn có thể xem catalogue trên website Arqus https://arqus-alliance.eu/action-lines/quality-learning/course-catalogue/ hoặc vào trực tiếp website của 9 trường ĐH.

Lưu ý: Ngoài các chương trình Thạc sĩ đơn bằng, Arqus Alliance cũng có Joint Master’s Programs (không trong khuôn khổ Arqus Talent Scholarship Fund) với mobility pathway được thiết kế sẵn, trong 2 chuyên ngành về European Studies và Cyberstudies.

2. Hồ sơ ứng tuyển Arqus Talent Scholarship Fund gồm:

  • Xác nhận đã ứng tuyển vào hoặc đã được nhận vào chương trình Thạc sĩ đơn bằng tại 1 hoặc 2 entrance universities (trên application portal cho phép ứng viên nêu 2 nguyện vọng về entrance universities mà thôi, tuy nhiên ứng viên có thể ứng tuyển vào chương trình Thạc sĩ của bao nhiêu trường entrance universities cũng được).
  • Copy hộ chiếu
  • CV
  • Chứng nhận năng lực ngôn ngữ (IELTS, TOEFL…)
  • Bằng chứng nhận (sẽ) tốt nghiệp Cử nhân trước khi nhập học chương trình Thạc sĩ
  • Bảng điểm bậc Cử nhân
  • Thư giới thiệu học thuật từ giảng viên/giáo sư từ trường ĐH đã từng theo học
  • Motivation statement dài 4000 characters trả lời nguyện vọng về chương trình học với entrance university và mobility university tương ứng, và hình dung ra vai trò làm Arqus Ambassador. Lưu ý rằng mobility này có thể dưới dạng study period, training, research stay, summer schools (ít nhất 1 tháng/mobility còn số mobility tối đa tùy thuộc vào yêu cầu của các entrance universities, ví dụ như chương trình Thạc sĩ 2 năm ở châu Âu thường cho mobility tối đa 10 tháng) và hoàn toàn do ứng viên tự đề xuất; nhưng cần để ý về sự khác biệt trong academic calendar giữa các trường để đảm bảo thời gian và nội dung mobility đề xuất thật hợp lý. Trong trường hợp của Khang, Khang chọn mobility là 2 study periods tại Padova, Italy và Maynooth, Ireland – cả 2 đều có thể lấy điểm để quy đổi như một phần tín chỉ tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ 2 năm của Khang. Với Duyên, khi theo học chương trình 1 năm của Maynooth, Duyên không thể đi mobility cả kỳ. Khi ứng tuyển, Duyên xem nội dung chương trình học ở 1 loạt entrance universities trước, rồi tự vẽ ra thời khóa biểu về key academic dates của các trường thế nào, sau đó đề xuất chương trình học mình muốn tham gia. Duyên tìm được chương trình học phù hợp ở Leipzig theo dạng sinh viên dự thính (không lấy điểm được như Khang) và một research stay ở Italy phục vụ cho nghiên cứu cuối khóa.
  • Confirmation nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng có ít cơ hội hơn: người tị nạn, khuyết tật, nạn nhân của bạo lực, v.v.
  • Additional Information: nếu có thêm thông tin gì có thể hỗ trợ cho hồ sơ của mình.

Hạn nộp hồ sơ cho năm học 2024/25 là 30/6/2024.

Các thành phần trên được tính điểm cụ thể, theo như thông tin tại https://arqus-alliance.eu/arqus-talent-scholarship-fund/application/ (năm nay Arqus Alliance cũng sẽ công bố điểm tổng của các ứng viên vào khoảng tháng 7). Nhìn vào bảng tiêu chí, sẽ chia ra làm 2 nhóm:

  • Những nhóm tiêu chí mình không thể thay đổi: như việc nằm trong nhóm ưu tiên hay không, GPA, academic background
  • Những nhóm tiêu chí mình có thể thay đổi: motivation statement, lor, CV, chứng chỉ ngoại ngữ. Duyên nghĩ rằng các bạn nên tập trung hết sức cho nhóm (ii) này.  

3. Kinh nghiệm ứng tuyển của 2 bạn speakers:

Với Khang, người tốt nghiệp ngành International Business ở UEH với GPA 8.2/10 và từng được vào final interview của Ireland Fellows Program 2022 nhưng cũng từng trượt rất nhiều học bổng toàn phần, rồi Khang đỗ Arqus – cũng là chiếc học bổng có giá trị lớn nhất trong các học bổng Khang từng ứng tuyển. Trước khi apply, Khang tự thấy background của mình không quá nổi trội, nên sau khi tốt nghiệp, Khang đã làm thêm 1 công bố quốc tế ở tạp chí Q3 và ứng tuyển để rồi được chọn tham gia Asia-Europe Meeting về giáo dục hòa nhập, đa dạng và bình đẳng. Trong hồ sơ Arqus, Khang thể hiện academic background (học gì, nghiên cứu gì) + self projects + kinh nghiệm chuyên môn về giáo dục hòa nhập, đa dạng và bình đẳng, với career plans cụ thể có thể sử dụng chuyên môn từ MA in Communication sắp học. Bài luận của Khang tập trung nhiều vào câu chuyện cá nhân, nêu ra quá khứ, hiện tại và dự định của mình rõ ràng, logic và consistent. Khang cũng nêu rõ mobility plan và tiềm năng làm Arqus Ambassador như thế nào, có thể đóng góp được những gì (link với các hoạt động Khang đã làm trước đó).

Duyên tốt nghiệp ngành kinh tế ở Học viện Ngoại Giao, và có 1 chặng đường đủ dài làm các dự án về giáo dục. Dù không phải là người hoạt động liên tục, nhưng khi có cơ hội, Duyên luôn luôn theo dõi hoặc tham gia. Hiện giờ, chuyên môn của Duyên là làm về xúc tiến thương mại, chính sách – nghiên cứu và tư vấn cho các công ty Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu gia nhập thị trường Việt Nam. Mục tiêu khi đi học Thạc sĩ của Duyên đúng nghĩa là để master lĩnh vực chuyên môn và để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chính sách phát triển ở Việt Nam, tăng tính minh bạch và adaptability to changes của bối cảnh quốc tế. Duyên đã từng được vào danh sách dự bị của Chevening 2021, Green Futures 2022, DAAD Helmut 2023, nhưng không lần nào may mắn được đẩy lên main list, và chỉ có “duyên” khi đến với Arqus. Trong bài luận ứng tuyển, Duyên đề cập tới việc mình có những ý tưởng đầu tiên về phát triển thông qua các hoạt động hồi cấp 3, cộng thêm kiến thức hồi ĐH và kinh nghiệm làm việc, chỉ ra mình nhận thấy vấn đề gì đang tồn tại và mình muốn giải quyết vấn đề đó hay không, việc học Thạc sĩ giúp mình giải quyết vấn đề đó như thế nào, từ đó nêu kế hoạch sau tốt nghiệp (cả về chuyên môn + cả về cộng đồng mình từng tham gia thì mình có thể tạo sức ảnh hưởng thế nào).

Buổi webinar đã diễn ra trong hơn 100 phút mà có bạn vẫn comment rằng mọi người chia sẻ mượt quá nên bạn í không hề biết rằng thời gian đã trôi qua dài vậy rồi, xong các bạn ứng viên còn chúc nhau cùng ứng tuyển thành công nữa <3. Mình và 2 bạn Opty Hunters cũng mong như vậy, rằng webinar sẽ có thể là 1 phần kim chỉ nam trong quá trình đi tìm sự học, và sự ghi nhận với học bổng to-thật-to của các bạn :>.