Luận bàn về Học bổng Chính phủ

Mình từng nhiều lần nhận được các bạn nhắn rằng ‘chị ơi, em muốn nộp học bổng Chính phủ’. Có lẽ các bạn đang giả định rằng học bổng Chính phủ luôn có giá trị toàn phần/cao nhất và cạnh tranh nhất nên sẽ nghe ấn tượng nhất và lý tưởng nhất; nhưng mình lại nghĩ khác.

Học bổng Chính phủ không có nghĩa luôn có giá trị toàn phần và/hoặc cao nhất so với các học bổng khác. Tùy vào bối cảnh học bổng ở từng trường hay từng quốc gia, học bổng trường hay từ các quỹ cũng có thể có giá trị cao bằng hoặc cao hơn học bổng Chính phủ; hay ngược lại. Ví dụ như ở Hà Lan, NL Scholarship (tên cũ là Holland Scholarship) có giá trị EUR 5,000 – 15,000, trong khi học bổng từ trường Twente có giá trị lên tới EUR 22,000, hay Justus & Louise van Effen Excellence có giá trị 100% học phí kèm sinh hoạt phí, hay học bổng L-Earn for Impact từ Dutch Development Bank trị giá EUR 17,500 kèm mức giảm học phí của sinh viên quốc tế xuống mức của sinh viên nội địa. Trong khi đó, ở Đan Mạch lại chỉ có học bổng Chính phủ đưa về các trường mà thôi, chứ không có học bổng từ trường riêng rẽ dành cho ứng viên; và trong khuôn khổ của học bổng Chính phủ Đan Mạch thì giá trị cũng khác nhau giữa các khoa/ các trường, không phải lúc nào học bổng cũng toàn phần. Ngược lại, ở Thụy Điển, 2 học bổng Chính phủ Thụy Điển là SISGP và PIONEER Women in STEM có giá trị toàn phần gồm cả học phí + sinh hoạt phí + travel grant. Học bổng từ Chính phủ Thụy Điển có đôi chút nhỉnh hơn về mặt giá trị so với IKEA-Sodra Scholarship ở trường Linnaeus, hay Erling-Persson Scholarship cho ngành Public Health ở trường Umea; các học bổng này cũng cao hơn so với học bổng các trường đưa ra (thường là mức bán phần/toàn phần học phí thôi).

Học bổng Chính phủ cũng không phải luôn luôn có tỉ lệ cạnh tranh cao hơn học bổng từ trường hay từ các quỹ. Ví dụ như học bổng SISGP (có giá trị toàn phần, cả học phí và sinh hoạt phí) năm nay, có 351 ứng viên được chọn trên 8580 ứng viên nộp hồ sơ, tương đương tỉ lệ được chọn là 4.1%; trong khi đó học bổng Karolinska Institute Global Master’s (có giá trị 100% học phí) có tỉ lệ chọi thường niên khoảng 0.67% do chỉ có 10 trên tổng số 1500 được chọn. Tất nhiên con số này còn phụ thuộc vào việc applicant pool các bạn đang cạnh tranh cùng như thế nào, như SISGP sẽ gồm các bạn từ nhiều trường và nhiều ngành học khác nhau, còn học bổng Karolinska Institute sẽ giới hạn trong các ứng viên của trường thôi; nói đi cũng phải nói lại, Karolinska lại là trường top đầu trong lĩnh vực Khoa học Y tế, nên các bạn trong applicant pool cũng rất đáng gờm.

Kể cả trong số các học bổng Chính phủ, cũng có những học bổng có ít suất, có học bổng nhiều suất; có học bổng Chính phủ dành có quota riêng cho sinh viên Việt Nam, có học bổng Chính phủ không hề có quota riêng nào cả. Ví dụ như Chính phủ Hungary hằng năm trao tối đa 200 suất học bổng cho các ứng viên Việt Nam, trong đó có 100 suất hiệp định được cấp bù học bổng từ phía Chính phủ Việt Nam (bao gồm vé máy bay và phụ phí làm thủ tục). Học bổng Chính phủ Anh thì hàng năm trao con số nhỏ hơn hẳn, khoảng 1x – 2x ứng viên Việt Nam mà thôi. Còn học bổng Chính phủ Đan Mạch thì không hề chia quota như vậy, ít nhất là theo thông tin họ công khai ở website thì chẳng có quota riêng dành cho sinh viên từ quốc gia nào cụ thể cả; sinh viên quốc tế ngoài EU cứ cạnh tranh hết cùng với nhau ở từng trường mà thôi.

Tựu chung lại: mình đơn thuần thấy rằng học bổng nào cũng quý, quan trọng là có phù hợp với nguyện vọng học tập và tài chính của mọi người hay không; chứ không nghĩ rằng học bổng nào ‘superior’ hơn học bổng nào cả. Chữ học bổng Chính phủ với mình nên được hiểu đúng là học bổng đó được trao bởi Chính phủ nào đó, chứ không nên tổng quát hóa kèm theo nhiều nghĩa khác.

Trên đây là chút suy nghĩ của mình, mong sẽ làm lung lay cách mọi người nhìn nhận và tìm chọn học bổng <3.