“GPA em thấp/không cao, liệu em có thể được học bổng hay không?” là một trong những câu hỏi mình hay gặp nhất, từ khi mình được học bổng hồi cấp 3 cho đến tận bây giờ. Và câu trả lời của mình luôn là có thể chứ, vì 3 lý do chính sau:
- GPA là điểm trung bình môn của em. Mục đích của việc hội đồng tuyển sinh nhìn vào điểm GPA là gì? Để xem em thể hiện ra sao trong môi trường học tập, qua các bài thi, được thầy cô trong giới chuyên môn đánh giá thế nào, và em ở đâu so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng khả năng học thuật của em không chỉ thể hiện ở điểm GPA. Em có thể có điểm GPA không cao do các môn chẳng liên quan tới chuyên ngành của em (ví dụ Triết học, Thể dục, Tâm lý học…), vì em không giỏi đều. Nhưng em vẫn có thể thuyết phục hội đồng tuyển sinh rằng em có đủ khả năng học thuật nếu điểm các môn chuyên ngành của em tốt, hoặc em tham gia nghiên cứu ngắn hạn, hoặc khóa luận tốt nghiệp của em được đánh giá cao, hoặc em tham gia các cuộc thi liên quan tới lĩnh vực em theo đuổi… Có nhiều dẫn chứng cho khả năng chuyên môn của em, ngoài GPA lắm.
- Ngoài GPA, có nhiều học bổng còn tìm kiếm ở em CPA, là viết tắt của cụm từ Character Point Average (một khái niệm hay sử dụng trong ngành giáo dục). Mục đích của giáo dục không phải chỉ để phát triển chuyên môn thôi, mà còn để đào tạo ra những con người với các nét tính cách (character) có ích cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng. Các trường và quỹ học bổng cũng vậy. Character trong CPA khi xét duyệt học bổng có thể là Khả năng lãnh đạo, Làm việc nhóm, Kiên trì, Sáng tạo, Trí tò mò…. Em có thể nhìn lại bản thân xem character nổi bật của mình là gì?
Chị có thể ví dụ vài học bổng dài hạn chú trọng CPA như Chevening (tìm kiếm ứng viên có tham vọng, tiềm năng lãnh đạo), IDEAS (chú trọng khả năng đóng góp cho VN sau khi hoàn thành công việc và phù hợp với chiến lược hoạt động của Irish Aid tại VN). Học bổng ngắn hạn quan tâm tới CPA hơn GPA càng nhiều, ví dụ các học bổng trao đổi, giao lưu văn hóa, học bổng dành cho những bạn tâm huyết với các dự án hỗ trợ cộng đồng…
GPA là yếu tố quan trọng, nhưng không phải quyết định trong mọi bộ bộ hồ sơ. Không tự dưng mà hội đồng tuyển sinh yêu cầu em nộp thêm cả điểm IELTS, CV, bài luận, thư giới thiệu… Tất cả đều góp phần khắc họa con người em một cách tổng thể, cho thấy em có khả năng, tiềm năng và phù hợp với chương trình hay không. Vì vậy, nếu chót có điểm GPA thấp rồi, hãy cố thể hiện khả năng chuyên môn hoặc CPA của bản thân trong phần còn lại của hồ sơ.
Quan trọng nhất, chị nghĩ: Cứ nộp hồ sơ là em đã có phần trăm cơ hội nào đó gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh và được công nhận khả năng của mình bằng việc được trao học bổng rồi. Nếu em chưa tự tin thì có thể apply từ học bổng giá trị thấp, quota nhiều, rồi apply dần tới các học bổng cạnh tranh hơn. Còn nếu lo âu từ năm này qua năm khác và không nộp, cơ hội của em mãi là 0%, vì hội đồng còn chẳng biết em là ai để trao học bổng.